Tiến bộ... nửa vời!

16/09/2019 - 08:13

PNO - Tôi sẽ không nói gì đến triết lý giáo dục hay tinh thần khai sáng giáo dục, e rằng nó sẽ lạc lõng trong bối cảnh hiện nay...

Phải nói ngay và luôn thế này, tôi đã “bay” qua cái thời tiểu học của mình bằng “đôi cánh” của cô giáo và gia đình: ở lớp, chả cần phải thuộc vần đồ chữ, tôi tha hồ líu lo những bài hát có mấy chữ cái quen thuộc, hai bàn tay thì luôn lem nhem mực, bút màu vì say sưa vẽ trái cà, cái ca, con cá… Về nhà, bao nhiêu bàn tay của cha mẹ, anh chị đều gom lại để cùng “đọc thơ” bảng cửu chương.

Lên cấp II, trầy trật đủ các thể loại văn “chứng minh”, “nghị luận”, chỉ đến dạng đề “một buổi sáng ra vườn, thấy giọt sương đọng trên cành lá, em hãy tưởng tượng mình là giọt sương, trước khi rơi và thấm vào lòng đất, em sẽ nói gì”, tôi mới thật sự được bung lụa.

Vào cấp III, học tác giả Nguyễn Du, cô giáo Võ Thị Quỳnh tổ chức luôn một ngày hội trên đồi Vọng Cảnh, có con đường Tiên Điền, có thư quán Đạm Tiên, mỗi trò vào vai Nguyễn Du, vai Kim Trọng, vai Từ Hải…

Để đến ngày chân chạm đất, tập tễnh làm người-trưởng-thành, cái ký ức mang theo không phải là sự rành rẽ phép đếm, làu thông đánh vần mà là niềm vui thơ dại, trong trẻo ngày ấy - bây giờ chưa hề bị đánh cắp hay đánh rơi.

Để đến hôm nay, những ngày này, một lần nữa, câu chuyện sách giáo khoa và cái quỹ đạo mù mịt vây quanh nó lại được tái khởi động thông qua việc đánh rớt bản thảo sách toán, tiếng Việt - Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại.

Tien bo... nua voi!
Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam dajy học sinh lớp 1 bằng phương pháp Công nghệ giáo dục

Tôi sẽ không nói gì đến triết lý giáo dục hay tinh thần khai sáng giáo dục, e rằng nó sẽ lạc lõng trong bối cảnh hiện nay. Ở đấy, nền tảng quan niệm về sách giáo khoa, phương pháp dạy - học (để tương thích lẫn nhau giữa sách và giáo viên), tư duy và phương thức đào tạo người thầy với quy chuẩn sư phạm sáng tạo, khai phóng vẫn là thứ yếu; còn nội dung sách, cấu trúc sách, hình thức trình bày sách lại được xem là chính yếu.

Đặc biệt, giữa rần rần rộ rộ cái thông điệp “dạy làm người trước khi dạy chữ” thì phản thông điệp “chạy điểm để chạy trường” như một bằng chứng tha hóa đạo đức nhà giáo - phụ huynh, hơn thế là đạo lý giáo dục - xã hội; thì “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa” - chủ trương thức thời của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn khó lòng cứu vãn những chủ thể “dạy” - người thầy.

Thậm chí, với chủ trương “Một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa” tưởng đã tiến bộ kia thì quy chuẩn “một chương trình” được xác lập trên nền tảng triết lý nào, diễn dịch thành các tiêu chí cụ thể ra sao để từ đó, “nhiều bộ sách giáo khoa” cùng cạnh tranh lành mạnh, công bằng như thế nào, qua bộ sách Hồ Ngọc Đại vẫn là… nửa vời!

Một trong 13 tiêu chí để thẩm định sách giáo khoa “các bài học trong sách giáo khoa tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng sáng tạo phương pháp…”. Một trong những điểm quan trọng của chính ban soạn thảo sách giáo khoa mới là “yêu cầu kiến thức tối thiểu, chương trình sách giáo khoa không hạn chế việc dạy thêm các kiến thức khác nằm ngoài chương trình…”. Nhưng một trong những lý do đánh rớt bản thảo sách toán của giáo sư Hồ Ngọc Đại lại là “còn nhiều nội dung vượt quá chương trình”.

Họa chăng, một chương trình - nhiều sách giáo khoa - các nhóm lợi ích!

Và hậu họa, sách cứ in, bài cứ giảng, thầy cứ dạy mà trò chẳng thể… thành người.

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI