Thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế năm 2016 về Biển Đông

17/07/2019 - 08:23

PNO - Ngày 12/7/2019 đánh dấu kỷ niệm 3 năm ngày Tòa Trọng tài thường trực ở The Hague, Hà Lan, ra phán quyết bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với Biển Đông.

Trong bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp của Trường luật Ateneo hôm 14/7, Phó thẩm phán cấp cao Tòa án tối cao Philippines (SC) Antonio Carpio tuyên bố: “Chúng ta không thể chấp nhận thái độ thất bại, ngồi yên và để Trung Quốc chiếm lấy những gì luật pháp quốc tế tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta”.

Ông Carpio nhấn mạnh nhiệm vụ của Chính phủ Philippines trong việc thực thi luật pháp theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), kèm theo phán quyết lịch sử chống lại Trung Quốc tại Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại Hague năm 2016.

Trước đó, Tổng thống Rodrigo Duterte đưa ra lời thách thức ông Carpio trong một cuộc phỏng vấn: “Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng, sẽ có rắc rối, vì vậy quý ông công lý hãy cho tôi chỉ dẫn và tôi sẽ làm theo”.

Thuc thi phan quyet cua Toa Trong tai quoc te nam 2016 ve Bien Dong
Phó thẩm phán cấp cao Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio

Ông Carpio - một trong những chuyên gia hàng đầu của đất nước về luật biển - đã đưa ra ít nhất 6 cách để chính phủ có thể thi hành phán quyết trọng tài mà không làm gia tăng căng thẳng quân sự. Những phương án này bao gồm:

Tham gia một Hiệp ước với Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei về biển Đông

Công ước chung có thể tuyên bố rằng, không một thực thể địa chất nào ở quần đảo Trường Sa đủ điều kiện tạo ra vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), mà chỉ có vùng lãnh hải từ các thực thể địa chất nổi trên mặt nước khi thủy triều lên, theo như phán quyết của tòa trọng tài.

Thẩm phán Carpio cho biết, biện pháp này sẽ khiến Trung Quốc “bị cô lập”, vì là quốc gia duy nhất tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế từ quần đảo Trường Sa. Mặt khác, các quốc gia cũng có thể khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông theo cơ chế tương tự.

Gửi 10 tàu phản ứng đa năng mới của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines, do Nhật Bản tặng, đến tuần tra vùng biển phía tây Philippines

Loại tàu này rất lý tưởng để tuần tra và bắt những kẻ săn trộm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Ngoài ra, đội tàu còn góp phần khẳng định quyền chủ quyền của đất nước này trong khu vực hàng hải ở vùng biển tây Philippines.

Đón tiếp, khuyến khích hoạt động tự do hàng hải và hàng không (FONOP) của các cường quốc hải quân như Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Canada ở Biển Đông, bao gồm cả vùng biển tây Philippines

Ông Carpio cho rằng, FONOP là phương án “thực thi mạnh mẽ nhất” của phán quyết trọng tài, kể từ khi Philippines giành chiến thắng 3 năm trước.

Thuc thi phan quyet cua Toa Trong tai quoc te nam 2016 ve Bien Dong
Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của Obama, Hạm đội thứ Bảy của Hải quân Hoa Kỳ thường xuyên tuần tra Ấn Độ - châu Á - Thái Bình Dương, để duy trì quyền tự do hàng hải

Gửi hải quân Philippines tham gia FONOP cùng hải quân của các cường quốc nước ngoài, để khẳng định vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở vùng biển tây Philippines

Theo thẩm phán Carpio, động thái này sẽ củng cố sự hợp tác và thực thi phán quyết của PCA cùng với các cường quốc hải quân ở cả châu Á và trên thế giới.

Mời Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei tiến hành FONOP chung, trong các vùng đặc quyền kinh tế tương ứng ở biển Đông

Thẩm phán Carpio nói: “Đây sẽ là sự khẳng định chung của 5 quốc gia ven biển, rằng mỗi quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế riêng ở Biển Đông, từ đó thi hành phán quyết trọng tài, rằng đường 9 đoạn của Trung Quốc không có hiệu lực pháp lý và không thể làm cơ sở cho các yêu sách của Bắc Kinh ở biển Đông”.

Ông Carpio bổ sung, dù Philippines nên hoan nghênh và tham gia các hoạt động này, chính phủ Philippines hiện đang khiến các nước láng giềng xa lánh khi nói mình “không đứng về phía nào” trong những tranh chấp giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trong khu vực.

Hỗ trợ các nỗ lực tư nhân trong việc thi hành phán quyết trọng tài

Ông Carpio đề cập đến vụ kiện ngày 15/3/2019 của cựu ngoại trưởng Albert del Rosario và cựu Tổng thanh tra Conchita Carpio-Morales chống lại Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) tại Hà Lan. Đơn kiện cáo buộc Trung Quốc phạm tội chống lại loài người và gây thiệt hại môi trường ở biển Đông.

Ngoài ra, ông Carpio thêm một lần bác bỏ tuyên bố lặp đi lặp lại của Tổng thống Duterte, rằng Trung Quốc có thể gây chiến với Philippines, nếu nước này thực thi các quyền của mình ở biển tây Philippines. Theo ông, những lời đe dọa chỉ là “viên pháo rỗng để dọa người dân Philippines phục tùng Trung Quốc”.

Năm 2012, Manila đã đệ đơn kiện Bắc Kinh lên Tòa án PCA và phán quyết được tuyên vào tháng 7/2016, phủ nhận các tuyên bố và yêu sách về chủ quyền cũng như quyền lịch sử của Trung Quốc, khẳng định Trung Quốc đã xâm phạm quyền của Philippines tại vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia này, bao gồm cả khu vực bãi cạn Scarborough.

Trước khi phán quyết được PCA tuyên bố, Mỹ phát hiện Trung Quốc đã sẵn sàng cho các hoạt động cải tạo trong khu vực và Tổng thống Barack Obama khi đó từng cảnh báo Chủ tịch Tập Cận Bình về những hậu quả có thể xảy ra, nếu Trung Quốc tiếp tục tham vọng của mình. Lầu Năm Góc đã gia tăng các hoạt động bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực để răn đe Trung Quốc.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines sau phán quyết đã hạ nhiệt. Tổng thống Rodrigo Duterte - người lên nắm quyền vào tháng 7/2016 - theo đuổi chính sách hòa giải trong quan hệ với Bắc Kinh. Tuy nhiên, vào tháng 2/2017, Manila cho biết, Trung Quốc đang tìm cách xây dựng tại bãi cạn Scarborough - hành động mà Philippines cho là “không thể chấp nhận”.

Gần đây, giới chức Philippines đã cảnh báo Trung Quốc về những giới hạn ở  Scarborough. Ngoại trưởng Alan Peter Cayetano phát biểu hồi tháng 5/2018: “Giới hạn đỏ của chúng tôi là họ không thể xây dựng ở Scarborough”. Theo ông, hai giới hạn đỏ khác mà Manila đặt ra là những hành vi của Trung Quốc nhằm vào lực lượng quân đội Philippines tại bãi Cỏ Mây (Second Thomas) ở quần đảo Trường Sa và các hành vi đơn phương khai thác khoáng sản trong khu vực. Ông cho biết, Trung Quốc đã nắm được lập trường của Philippines và thực tế Bắc Kinh cũng có những “giới hạn đỏ” trong khu vực.

Tấn Vĩ (theo Rappler)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI