Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam đã đạt được “mục tiêu kép”!

28/12/2020 - 11:23

PNO - Diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/12, Hội nghị trực tuyến Chính phủ triển khai Nghị quyết Quốc hội khóa XIV và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 với các địa phương trên toàn quốc mang ý nghĩa đặc biệt khi đánh dấu năm kết thúc nhiệm kỳ, chuẩn bị bước sang năm 2021 - năm đầu của nhiệm kỳ mới và trong bối cảnh cả thế giới vẫn chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19.

 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến dự và chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam đã đạt được “mục tiêu kép” trong phòng, chống dịch COVID-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế. Mức độ thành công được xác định không chỉ bởi những gì đã đạt được mà bởi cả những trở ngại đã vượt ra, Thủ tướng cho rằng năm 2020 phải được xem là năm thành công nhất của nước ta trong 5 năm qua với tinh thần và ý chí vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Trong năm 2020, dưới tác động của COVID-19, nhiều nước rơi vào suy thoái thì Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì tăng trưởng dương - đạt 2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Dịch bệnh được kiểm soát, đảm bảo an sinh xã hội. Công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tương lai đất nước không ngừng được củng cố và nâng cao.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: VGP)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị - Ảnh: VGP

Nhìn lại giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định đất nước ta đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp hơn bao giờ với mức tăng trưởng cao, người dân được hưởng thành quả phát triển; đất nước đảm nhận nhiều vai trò quan trọng trên trường quốc tế, tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng. Có thể kể đến một số thành tựu: cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định; được Tạp chí The Economist xếp vào top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới (tháng 8/2020); với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm giai đoạn 2016 - 2019, Việt Nam cũng lọt top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất (theo số liệu Ngân hàng thế giới)… Đồng thời, cũng đã tạo ra hơn 8 triệu việc làm mới; thu nhập, mức sống, tuổi thọ trung bình người dân đều tăng lên; chỉ số phát triển con người HDI thuộc nhóm cao nhất thế giới, thương hiệu quốc gia tăng giá trị…

Nhấn mạnh những thành quả tăng trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao sự đóng góp tăng trưởng ấn tượng của nhiều địa phương mới nổi đã góp phần vào thành quả chung, đây là nhân tố truyền cảm hứng cho nhiều địa phương khác vượt lên chính mình. Với những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và sự biến đổi nhanh  của thời đại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Việt Nam chưa thể đứng vào nhóm đứng đầu thế giới về thu nhập nhưng hoàn toàn có thể đi đầu trong một số lĩnh vực nếu tận dụng được cơ hội. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm củng cố niềm tin, nền kinh tế, đất nước ta đang tiến nhanh về phía trước và chắc chắn dân tộc ta sẽ tiến nhanh hơn nữa về phía trước. Chúng ta không được chủ quan, chúng ta còn có thể làm tốt hơn nữa!”.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021. (Ảnh: VGP)
Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 - Ảnh: VGP

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 và thời gian tới, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh nhiệm vụ rất nặng nề đòi hỏi các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước cần tiếp tục tư duy đổi mới, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu phát triển của thời đại với các phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp mới trên toàn cầu… để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra.

Cụ thể với 12 chỉ tiêu chủ yếu: GDP tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66% (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%); tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1 - 1,5 điểm phần trăm so với năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%…

Tại Hội nghị, các đại biểu tại Văn phòng Chính phủ và 63 điểm cầu trên toàn quốc sẽ nghe báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020, dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới và báo cáo tóm tắt kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020; nghe giới thiệu Dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021, Dự thảo Nghị quyết 02 của Chính phủ thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; xem xét các báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn 2020, báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng năm 2020, báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử 2019 - 2021, định hướng 2025…

Tam Bình

 

 

 

 

 

 

 

 
TIN MỚI