Thời trang ảo, tương lai của ngành thời trang?

23/02/2020 - 06:32

PNO - Nhà sáng lập của các hãng thời trang số đều tin rằng, người tiêu dùng rồi đây sẽ chi tiền cho thời trang ảo không kém gì quần áo thật.

Khi cuộc sống con người ngày càng gắn chặt với chiếc điện thoại thông minh, mọi thứ dần được chuyển lên các nền tảng số. Ẩm thực, tour du lịch, âm nhạc, phim ảnh… và thời trang cũng không ngoại lệ. Nhà sáng lập của các hãng thời trang số đều tin rằng, người tiêu dùng rồi đây sẽ chi tiền cho thời trang ảo không kém gì quần áo thật.

Dân chủ hóa ngành công nghiệp thời trang

Đã đến lúc người tiêu dùng không phải chi quá nhiều tiền trong một lần để có thể khoác lên người một bộ cánh gần như được thiết kế riêng và là phiên bản duy nhất
Đã đến lúc người tiêu dùng không phải chi quá nhiều tiền trong một lần để có thể khoác lên người một bộ cánh gần như được thiết kế riêng và là phiên bản duy nhất

Việc sở hữu những bộ cánh hàng hiệu từ lụa cashmere hay vải satin là mơ ước của hàng triệu cô gái trên toàn thế giới. Thế nhưng, hàng xa xỉ vốn dĩ không dành cho số đông vì sự đắt đỏ, tính kỳ công và hiếm có của nó. Với thời trang số, mọi thứ hoàn toàn khác. Nhà thiết kế thời trang không phải lo lắng về ngân sách và các chi phí dành cho nguyên vật liệu, sử dụng nhân công hay giảm thiểu tác hại cho môi trường mà vẫn có thể thúc đẩy và phá vỡ mọi giới hạn trong sáng tạo.

Sự độc đáo “có một không hai” tạo nên sức hấp dẫn của thời trang số. Trong khi đó, người dùng chẳng cần phải ngộp trong tủ quần áo mà rất nhiều phục trang trong đó chỉ được mua để mặc đúng một lần rồi chẳng đụng đến nữa. Với những hãng thời trang số “bình dân” như Carlings, người tiêu dùng không phải chi quá nhiều tiền trong một lần để có thể khoác lên người một bộ cánh gần như được thiết kế riêng và là phiên bản duy nhất.

Thời trang số còn giúp các thương hiệu thăm dò được hành vi mục tiêu của người tiêu dùng trước khi bắt tay vào sản xuất
Thời trang số còn giúp các thương hiệu thăm dò được hành vi mục tiêu của người tiêu dùng trước khi bắt tay vào sản xuất

“Với việc bán các mẫu thời trang kỹ thuật số với giá chỉ 30 euro, có thể nói chúng tôi đã dân chủ hóa nền kinh tế của công nghiệp thời trang, đồng thời mở ra thế giới tự tạo kiểu mà không cần làm ra quần áo thật, điều có thể gây hại cho môi trường” - Kicki Perrson, giám đốc thương hiệu của Carlings Thụy Điển - nói với Elle.

Drest - nền tảng thời trang tương tác đầu tiên trên thế giới của Lucy Yeomans - ra mắt tháng 1/2020, khác với những trò chơi thời trang trực tuyến khác. Việc lên quần áo, phụ kiện (styling) của người chơi sẽ được các người chơi cùng đánh giá và cho điểm. Khi điểm số càng nhiều, người chơi càng có khả năng mua nhiều quần áo ảo hơn đến từ 160 thương hiệu cao cấp như Prada, Burberry, Valentino, Gucci… thông qua Farfetch, đối tác của Drest. Một điểm khác biệt nữa là người mẫu. Drest đưa ra các mô hình người mẫu thật như Irina Shayk, Imaan Hammam, Doutzen Kroes… mà người chơi có thể chọn làm hình đại diện cùng với các avatar là hình ảnh thật.

Những cú nhấp trên Drest cũng sẽ góp vào quỹ hỗ trợ loài voi của Doutzen Kroes hoặc quỹ She’s the First nhằm đấu tranh bình đẳng giới cho phụ nữ toàn cầu
Những cú nhấp trên Drest cũng sẽ góp vào quỹ hỗ trợ loài voi của Doutzen Kroes hoặc quỹ She’s the First nhằm đấu tranh bình đẳng giới cho phụ nữ toàn cầu

Đó chính là lý do thời trang số được dự đoán sẽ trở thành tương lai của ngành thời trang và bắt đầu nhận được sự ủng hộ của các ngôi sao mạng xã hội, các người mẫu tên tuổi như Daria Simonova, Natalia Vodianova... cũng như các hãng thời trang danh tiếng. “Khi công nghệ tiến bộ hơn và việc chụp ảnh ngày càng dễ dàng, gần với thực tế, ta bắt đầu thấy viễn cảnh quần áo số sẽ không khác gì so với quần áo thật. Người ta thậm chí sẵn sàng chi trả nhiều hơn hoặc ít ra là nhiều tương đương, cho quần áo kỹ thuật số, so với quần áo thật” - Matthew Drinkwater, giám đốc Trung tâm sáng tạo thời trang Trường Thời trang London, cho biết.

Thoát khỏi lớp vỏ thực tế ảo

Thời trang số không chỉ phục vụ nhu cầu sống ảo hay thỏa mãn khát khao sở hữu những bộ trang phục mang tính nguyên bản và duy nhất. Lucy Yeomans, những người mẫu tham gia chiến dịch và nhà sáng lập của các hãng thời trang số tin rằng, nó không chỉ giúp người dùng trải nghiệm việc thử quần áo trong thế giới ảo mà còn giúp các thương hiệu thăm dò được hành vi mục tiêu của người tiêu dùng trước khi bắt tay vào sản xuất.

Điều này sẽ giúp giải quyết hiệu quả việc sản xuất thừa, một trong những nguyên nhân gây lãng phí và ô nhiễm của ngành thời trang, tránh lãng phí trong quá trình sản xuất, vận hành cũng như khiến các thương hiệu đau đầu vì sản phẩm thừa. (Thời trang cao cấp không bao giờ bán giảm giá. Nếu qua mùa, nhà mốt sẽ tiến hành tiêu hủy. Những năm gần đây, một số nhà mốt cam kết phá vỡ quy tắc này bằng cách quyên góp cho các tổ chức thiện nguyện hoặc tái chế). Nó cũng giúp những người trẻ giảm thiểu nhu cầu mua quần áo thật bởi đã thỏa mãn nhờ mua thời trang ảo và “chụp ảnh” cùng chúng để khoe với bạn bè trên mạng xã hội.

Lucy Yeomans còn thể hiện tầm nhìn xa hơn và tạo tính kết nối để mang lại giá trị cho thời trang số, không chỉ với việc giảm thiểu tác động đến môi trường như các nền tảng ảo khác. Với Drest, chỉ một cú nhấp trong trò chơi, người chơi có thể quyên góp cho Elbi, nền tảng trực tuyến của tổ chức từ thiện do người mẫu Natalia Vodianova sáng lập, ra mắt năm 2018. Thông qua Elbi, những cú nhấp trên Drest cũng sẽ góp vào quỹ hỗ trợ loài voi của Doutzen Kroes hoặc quỹ She’s the First do người mẫu Imaan Hammam xây dựng để đấu tranh bình đẳng giới cho phụ nữ toàn cầu.

Lucy Yeomans - người đặt nền tảng cho Drest - nền tảng thời trang tương tác đầu tiên trên thế giới
Lucy Yeomans - người đặt nền tảng cho Drest - nền tảng thời trang tương tác đầu tiên trên thế giới

“Drest không chỉ là những gì bạn mặc để phục vụ nhu cầu sống ảo, nó còn là những gì bạn đại diện. Chúng tôi muốn tạo nên những điều khác biệt mà nhờ đó, có thể chỉ ra những điều tốt đẹp nhất của thời trang. Đó là sự sáng tạo, lòng nhân ái và bình đẳng” - Yeomans cho biết. 

Thư Hiên

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI