Thời trang ảo, chi trả thật

20/02/2020 - 08:02

PNO - Doanh nhân Richard Ma đã bỏ ra số tiền khoảng 9.500 USD để mua chiếc váy ảo có tên “Iridescence” cho bạn gái.

Một phiên đấu giá diễn ra khá căng thẳng tại Ethereal Summit, New York, Hoa Kỳ. “Vật” được đấu giá là một chiếc váy có tên “Iridescence”. Người chiến thắng là doanh nhân Richard Ma ở San Francisco. Anh đã bỏ ra số tiền khoảng 9.500 USD để mua chiếc váy này cho bạn gái.

Điều đáng nói, chiếc váy “Iridescence” không hề tồn tại trong thế giới vật chất này. Còn khoản tiền Richard phải trả, hẳn nhiên là thật rồi.

Phục vụ nhu cầu… sống ảo

“Iridescence” - chiếc váy digital đầu tiên trên thế giới là sản phẩm của hãng The Fabricant, đến từ Hà Lan
“Iridescence” - chiếc váy digital đầu tiên trên thế giới là sản phẩm của hãng The Fabricant, đến từ Hà Lan

Nghe có vẻ điên rồ và choáng váng nhưng tất cả đều thật 100%. “Iridescence” là chiếc váy digital đầu tiên trên thế giới của hãng The Fabricant, đến từ Hà Lan. Mẫu thiết kế này chứa bạc và lụa trong thành phần nguyên liệu nên khi “khoác” lên người, nó sẽ bắt sáng và lấp lánh. Tuy nhiên, bạn gái của Richard Ma chỉ có thể “mặc” chiếc váy này để chụp hình khoe trên mạng xã hội, sau đó mọi thứ sẽ hoàn toàn biến mất. 

The Fabricant là thương hiệu thời trang digital hàng đầu hiện nay với phương châm: “Always digital, never physical” (tạm dịch: chỉ có kỹ thuật số, không cần những sản phẩm khác). Kerry Murphy - nhà sáng lập và điều hành - cùng Amber Slooten - đồng sáng lập kiêm Giám đốc nghệ thuật của The Fabricant - chia sẻ quan điểm giống nhau: “Thế giới không cần những bộ quần áo phải có tính vật lý. Những sáng tạo của chúng tôi vượt khỏi mọi khuôn khổ về trình diễn, hình ảnh và cả sample sizes (quần áo mẫu dành riêng cho trình diễn hoặc chụp ảnh trên các tạp chí)”.

Sự thống trị của mạng xã hội đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong ngành thời trang, đặc biệt là thời trang cao cấp khi các hãng thời trang nhanh chỉ mất độ hai tuần để đưa các thiết kế mới vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu từ lớp người tiêu dùng trẻ tuổi.

Đã đến thời nếu bạn muốn khoe một bộ trang phục mới, những gì bạn phải làm là trả tiền cho các nhà mốt kỹ thuật số tạo ra thứ gì đó cho riêng bạn
Đã đến thời nếu bạn muốn khoe một bộ trang phục mới, những gì bạn phải làm là trả tiền cho các nhà mốt kỹ thuật số tạo ra thứ gì đó cho riêng bạn

Đấy là lúc thời trang kỹ thuật số/thời trang ảo ra đời. Nếu bạn muốn khoe một bộ trang phục mới, những gì bạn phải làm là trả tiền cho các nhà mốt kỹ thuật số tạo ra thứ gì đó cho riêng bạn. Bằng cách ghi lại những chuyển động tự nhiên của con người, với sự trợ giúp của phần mềm dựng 3D animation và công nghệ body scanning, các “nhà thiết kế” sẽ phủ bộ quần áo lên một trong những bức ảnh của bạn và thế là bạn trông giống như đang mặc bộ quần áo đó. Sự sáng tạo này gần như là tài sản vô giá của các hãng thời trang ảo, bởi họ không hề bị giới hạn vào màu sắc hay những vật liệu có sẵn.

Tất nhiên, những bộ cánh ảo không phải lúc nào cũng đắt đỏ. Trước The Fabricant, Carlings - nhà bán lẻ đa thương hiệu ở Scandinavian đã phát hành bộ sưu tập giới hạn gồm 19 mẫu thiết kế phi giới tính, freesize có giá từ 10-30 Euro. Nếu muốn mua, bạn sẽ cung cấp một tấm hình cho hãng để “nhà thiết kế” điều chỉnh bộ quần áo cho phù hợp với vóc dáng bạn. Song, đó chưa phải là tất cả.

Xu thế tất yếu

Giao diện của Drest - nền tảng thời trang tương tác đầu tiên trên thế giới - vừa ra mắt tháng 1/2020
Giao diện của Drest - nền tảng thời trang tương tác đầu tiên trên thế giới - vừa ra mắt tháng 1/2020

Từ lâu, dân chơi game đã bỏ ra rất nhiều tiền cho thời trang kỹ thuật số. Chẳng hạn, trò Covet Fashion của hãng Glu Mobile (Mỹ) dành cho người chơi thay đổi quần áo và phụ kiện kỹ thuật số, thu về 53,4 triệu USD trong năm 2018 (bao gồm tiền bán quảng cáo). Trò Kim Kardashian: Hollywood với ý tưởng tương tự nhưng có mua bản quyền thiết kế từ Roberto Cavalli, Balmain và Karl Lagerfeld, đã kiếm được 240 triệu USD từ khi ra mắt năm 2014.

Đầu năm 2019, hãng The Sims cũng đã hợp tác với thương hiệu Moschino tạo ra một trò chơi liên quan đến thời trang kỹ thuật số và bán được hơn 200 triệu bản trên toàn thế giới. Năm 2012, hãng DKNY cũng đã ra mắt một trò chơi tương tự trên nền tảng Facebook, cho phép người chơi giành chiến thắng được sở hữu các trang phục của DKNY trên… online.

Gần một thập niên trước, trong khi đặt nền tảng cho Drest - nền tảng thời trang tương tác đầu tiên trên thế giới - vừa ra mắt tháng 1/2020, Lucy Yeomans - người sau này trở thành Tổng biên tập của tờ Harper’s Bazaar Mỹ, nhớ lại rằng vào năm 2010, khi điện thoại thông minh mới xuất hiện, các apps trò chơi mua sắm trên thanh công cụ chủ yếu dành cho các cậu bé tuổi teen. Yeomans cũng đã trải nghiệm hầu hết các apps này và đặc biệt chú ý đến trò chơi có tên FarmVille, mô phỏng các hoạt động trong ngành nông nghiệp, đạt hơn 38 triệu lượt thích chỉ riêng tại Mỹ.

Một trong số 19 mẫu thiết kế phi giới tính của Carlings
Một trong số 19 mẫu thiết kế phi giới tính của Carlings

“Tôi chứng kiến những người tôi rất mực yêu quý và ngưỡng mộ say sưa chơi game này. Ở đó, họ dành tâm trí trồng những cây dâu tây, nuôi những con gà và chăm sóc đàn bò. Điều này thật điên rồ. Và rồi tôi nghĩ, sẽ như thế nào nếu ta làm điều tương tự với thứ mà mọi người thường quan tâm như giày dép, túi xách và thời trang?” - Yeomans nói.

Suy nghĩ của Yeomans hoàn toàn có cơ sở và cho thấy tầm nhìn xa trông rộng của bà. Bởi lẽ, tính đến năm 2020, người Mỹ gần như dành đến nửa ngày cho online và 63% trong số những người tham gia các trò chơi trên điện thoại thông minh là phụ nữ, mà phần lớn trong số họ, sẵn sàng vượt qua các trò chơi gắn liền với trái cây, rau củ online để trở thành một biên tập viên thời trang online. 

Thư Hiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI