Thị trường xăng dầu bất ổn: Cơ hội nào cho xe điện?

29/10/2022 - 07:06

PNO - Gần đây, do thị trường xăng dầu bất ổn về giá cả lẫn lượng bán ra, số người tìm đến các cửa hàng xe điện tăng đột biến. Tuy nhiên, số người quyết định mua xe máy điện, xe đạp điện chưa nhiều.

Thị trường xe điện sôi động 

Hệ thống Thế Giới Xe Điện - có trụ sở chính trên đường Ba Tháng Hai, Q.10, TPHCM - đang trưng bày xe máy điện của gần 20 thương hiệu như Honda, Yadea, Giant, Vespa… với giá từ 18-20 triệu đồng/chiếc. Tất cả đều đang được giảm giá từ 5 - 11%, hỗ trợ trả góp 0% lãi suất qua thẻ tín dụng hoặc trả góp với lãi suất thấp thông qua các công ty tài chính. Đại diện Thế Giới Xe Điện cho hay: “Xe máy điện, xe đạp điện thường chỉ hút khách vào đầu năm học mới do phụ huynh cần sắm xe cho con đi học. Vừa qua, khi nhiều cây xăng ở TPHCM đóng cửa, lượng người đến tìm hiểu các dòng xe điện ở hệ thống Thế Giới Xe Điện trên cả nước tăng đáng kể, nhiều nhất là ở TPHCM”.

Những ngày qua, lượng khách đến hỏi giá, xem các mẫu xe máy điện của hệ thống xe máy Quang Phương - trụ sở chính trên đường Nguyễn Tri Phương, Q.5, TPHCM - cũng tăng gấp 2-3 lần so với trước. Tại đây, ngoài các dòng xe máy điện có giá từ 18- 20 triệu đồng/chiếc, còn có các dòng xe máy điện phân khối lớn của Yadea, VinFast với giá trên 30 triệu đồng/chiếc, chưa tính tiền pin (giá pin là 20 triệu đồng). Nhiều dòng xe có giá bán 40-80 triệu đồng/chiếc, ngang bằng các dòng xe máy tay ga cao cấp.

Nhiều khách đến các cửa hàng tìm hiểu về xe điện nhưng ít người quyết định mua - ẢNH: THANH HOA
Nhiều khách đến các cửa hàng tìm hiểu về xe điện nhưng ít người quyết định mua - Ảnh: Thanh Hoa

Các nhà sản xuất, phân phối xe máy điện như VinFast, Datbike, Pega… gần đây cũng đẩy mạnh các chiến dịch tiếp thị. Datbike tiếp thị dòng xe điện dành cho nhóm khách hàng trẻ, sinh viên, những người năng động; Pega tiếp thị xe điện có mẫu mã khá giống với các dòng xe sang chạy xăng, như Pega S giống với xe SH của hãng Honda, sản phẩm Aura S giống xe Vespa của hãng Piagio…

Xe đạp điện cũng được người tiêu dùng quan tâm, tìm hiểu nhiều hơn. Anh Trần Minh Thiện - chủ cơ sở lắp ráp xe điện hiệu Asaka, ở Q.Bình Tân, TPHCM - cho biết, lúc bình thường, cơ sở này lắp ráp và cung ứng cho các đại lý khoảng 100 sản phẩm/tháng thì nay, lượng xe được đặt đã tăng gấp đôi. Tại các cửa hàng chuyên sửa chữa xe đạp điện, lượng khách đến tìm mua xe đạp điện cũ đã tân trang cũng tăng.

Anh Quang - chủ một cửa hàng sửa xe và bán xe điện cũ - nói: “Đầu tháng 10/2022, khi các cây xăng đóng cửa, nhiều gia đình nhờ có xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện mà đưa rước con đi học hoặc đi làm kịp giờ. Hiện nguồn cung xăng đã ổn định nhưng nhiều người vẫn có nhu cầu mua xe điện, nhất là các sản phẩm cũ đã được tân trang. Xe đạp điện cũ có giá từ 2-4 triệu đồng/chiếc, xe máy điện có giá từ 7-10 triệu đồng/chiếc”.

Nhiều người tìm hiểu nhưng vẫn ít người mua 

Theo đại diện hệ thống Thế Giới Xe Điện, so với cách đây 1-2 năm, lượng tiêu thụ các dòng xe điện tăng từ 10 - 20% do người tiêu dùng ngày càng có ý thức bảo vệ môi trường. Hiện thị trường đang có khoảng 20 thương hiệu sản xuất xe điện. Tuy nhiên, thực sự thì xe điện có giá khá cao, còn nhiều bất tiện so với xe chạy bằng xăng. Do đó, khách thường đắn đo khi muốn mua xe điện, nhất là dòng xe động cơ có công suất lớn. Mấy tuần qua, dù đông người đến hệ thống tham khảo giá, xem mẫu xe nhưng số người mua thực sự vẫn không tăng nhiều so với trước đó.

Đại diện hệ thống xe máy Quang Phương cũng cho hay, sau khi xem xét, nhiều khách hàng cho rằng xe điện bất tiện hơn xe chạy bằng nhiên liệu. Hiện giá xe điện đắt hơn. Giá xe máy chạy bằng nhiên liệu 50 phân khối hiện nay từ 10-15 triệu đồng/ chiếc, xe máy 100 phân khối từ 17-20 triệu đồng/ chiếc.

Trong khi đó, xe máy điện có công suất tương đương 50 phân khối có giá từ 18-20 triệu đồng/chiếc, xe máy điện tương đương 100 phân khối có giá 33,5 triệu đồng/chiếc chưa tính tiền pin. Tiền mua pin là 20 triệu đồng/chiếc. Nếu không mua mà chọn thuê pin thì tiền thuê là 350.000 đồng/tháng. Tính ra, tiền mua một chiếc xe điện cộng với pin lên đến hơn 50 triệu đồng/chiếc. Với những người chọn thuê pin, tổng chi phí thuê pin và sạc điện là 500.000 đồng/tháng, cao hơn so với chi phí đổ xăng hằng tháng nếu chạy xe máy. Nếu mua đứt pin, khách chỉ được công ty bảo hành trong sáu tháng, thời gian sử dụng pin bắt đầu giảm sau khoảng 15 tháng.

“Lý do quan trọng nhất khiến người tiêu dùng chưa chuộng xe điện là quãng đường chạy được sau mỗi lần sạc pin quá ngắn, chỉ từ 60 - 100km tùy công suất của xe, không phù hợp khi di chuyển xa” - đại diện hệ thống Quang Phương phân tích.

Ông Lê Yên Thanh - CEO Công ty cổ phần Công nghệ Phenikaa MaaS - đánh giá, phát triển giao thông điện là xu thế toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông ở Việt Nam đang là một trở ngại lớn cho sự phát triển xe điện. Hiện nay, ngoài khoảng 200 trạm sạc điện của VinFast, hầu như chưa có hạ tầng phục vụ xe điện. Hiện chi phí sản xuất xe điện cao hơn từ 40 - 50% so với xe chạy xăng.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Ô tô Việt Nam, công nghệ sản xuất pin ngày càng tốt và rẻ nhưng tới năm 2030, giá xe điện vẫn cao hơn 9 - 10% so với xe chạy bằng xăng, dầu. “Trạm sạc cho xe điện quá ít. TPHCM thường kẹt xe; nếu xe hết điện giữa đường thì người dùng phải đẩy bộ về nhà. Muốn xe điện được dùng phổ biến, phải có các trạm sạc với tần suất dày như các cây xăng và giá bán xe điện phải rẻ hơn nữa” - ông Lê Yên Thanh nói. 

Thanh Hoa

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI