Thi lớp Mười tại TPHCM: “Mách nước” cách làm tốt môn tiếng Anh

26/05/2023 - 11:18

PNO - Dự báo đề thi tiếng Anh lớp Mười tại TPHCM năm nay sẽ tăng độ khó ở một số phần nên thí sinh lưu ý nắm vững kiến thức, kỹ năng và làm bài cẩn thận.

 

Học sinh TPHCM thi môn tiếng Anh tại kỳ thi vào lớp Mười năm học 2022-2023 - ẢNH: P.T
Học sinh TPHCM thi môn tiếng Anh tại kỳ thi vào lớp Mười năm học 2022-2023 - Ảnh: P.T

Phần đọc hiểu có thể tăng độ khó

Đây là năm thứ hai đề thi tiếng Anh tăng thời gian làm bài từ 60 lên 90 phút, cấu trúc đề tăng từ 36 lên 40 câu. Thời gian làm bài tăng nên dự báo độ dài và độ khó của bài đọc hiểu sẽ tăng. Sở GD-ĐT TPHCM định hướng đề thi năm nay sẽ chú trọng phần từ vựng, còn ngữ pháp chiếm khoảng 1/3. Ma trận đề tuyển sinh gồm các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Trong đó mức độ vận dụng tập trung vào phần loại từ và viết lại câu.

Cô Nguyễn Ngọc Thu - giáo viên tiếng Anh Trường THCS Tô Ký (huyện Hóc Môn) - cho biết, phần 1 cơ bản không đổi gồm 14 câu trắc nghiệm, trong đó sẽ có 4 câu về phát âm và trọng âm, 10 câu còn lại về giới từ, đoạn hội thoại giao tiếp, kiến thức từ vựng. Điểm mới là với câu 15-16, thay vì cho dạng biển báo giao thông bằng hình ảnh như những năm trước, thì năm nay sẽ cho biển báo có chữ. Như vậy, thí sinh phải hiểu được nghĩa của chữ trong biển báo để chọn đáp án đúng. Cô cho rằng độ khó 2 câu này sẽ tăng so với những năm trước. 

Đối với các câu từ 17-22 là chọn từ trắc nghiệm để điền vào chỗ trống đoạn văn, đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng đọc hiểu. Có khi các đáp án tương tự nhau chỉ khác loại từ, hoặc cả 4 đáp án cùng loại từ... Do đó, thí sinh không chỉ cần hiểu nội dung mà còn phải xác định được chỗ trống là từ loại gì, số ít, số nhiều... để chọn đúng đáp án. 

Phần nâng cao sẽ rơi vào các câu 27-28 xác định chủ đề của bài đọc; các câu từ 29-34 về viết lại từ loại, câu 37-40 về viết lại câu... Để làm tốt bài thi, học sinh cần tập trung ôn luyện kiến thức phát âm, đọc hiểu, từ loại, nắm vững ngữ pháp. Năm nay, phần đọc hiểu đoạn văn có thể tăng độ khó, sẽ có những từ mới không có trong chương trình học, học sinh cần cố gắng đọc thêm, mở rộng vốn từ. 

Phần viết lại câu tuy khó nhưng nếu tập trung luyện tập các dạng quen thuộc đã ra những năm qua, các em vẫn có thể làm tốt phần này. Với học sinh trung bình, yếu cần ôn luyện để làm chắc phần trắc nghiệm vì dễ lấy điểm nhất. Đối với phần phát âm, cần nắm cơ bản về cách phát âm của ed, e, es. Còn phần trọng âm và các cách phát âm còn lại đòi hỏi kiến thức rộng, các em nên tăng cường ôn luyện trong sách giáo khoa lớp Chín.

Lưu ý một số “bẫy” trong đề

Thầy Trần Hữu Thắng - giáo viên tiếng Anh Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) - cho hay với phần đọc hiểu, học sinh lưu ý có thể có một số “bẫy”. Các em nên đọc lướt để nắm nội dung cơ bản của đoạn văn để hiểu đúng về câu hỏi. Với bài đọc hiểu điền từ, cần lưu ý đôi khi câu hỏi ở dạng phủ định của từ, đặc biệt là với tính từ và trạng từ.

Đối với bài đọc hiểu chọn đúng/sai (true or false), học sinh phải nắm vững được những từ chỉ số lượng. Chẳng hạn ở đoạn văn cho từ almost (hầu như), ở câu hỏi có các từ a lot of, most (đa số) thì đồng nghĩa (chọn true). Nhưng nếu ở đoạn văn là always (luôn luôn) mà câu hỏi là never (không bao giờ) thì là trái nghĩa (chọn false).

Đặc biệt, cần để ý những từ như only, just (chỉ) trong câu hỏi, bởi có khi trong đoạn văn cho 2 hoặc 3 yếu tố tác động, nếu bỏ lỡ các trạng từ này trong câu hỏi sẽ dẫn đến chọn sai. Hoặc có một số từ đồng nghĩa nhau, như ở đoạn văn ghi nửa triệu đồng, ở câu hỏi là 500.000 đồng, ở trên cho 2/3 dân số, ở dưới dùng từ most of (hầu hết) thì vẫn là true.

Đối với phần khó của đề là viết lại câu, học sinh phải nắm được cấu trúc câu, ngữ pháp, chú trọng nội dung ngữ pháp chính trong sách giáo khoa lớp Chín như: mệnh đề wish, câu bị động, câu gián tiếp, câu điều kiện loại 1 và 2, mệnh đề quan hệ... Các em phải biết cách chuyển đổi từ thì quá khứ sang thì hiện tại hoàn thành hoặc ngược lại.

Ở phần trắc nghiệm, học sinh hay có thói quen đọc đến chỗ trống thì dừng lại để tìm đáp án. Tuy nhiên, đối với một số câu, đặc biệt là với từ nối (however, although, because, so...), bắt buộc các em phải đọc cả câu. Với loại trắc nghiệm mà 4 đáp án đều là từ nối thì nên dịch câu đó sang tiếng Việt để chọn chính xác nhất.

Theo thầy, đề gồm 40 câu, mỗi câu 0,25 điểm cho nên chỉ sai 1 lỗi rất nhỏ cũng bị mất điểm cả câu. Học sinh phải để ý lỗi chính tả, dấu câu, với những câu yêu cầu có dấu phẩy ở giữa nếu thiếu sẽ bị trừ hết điểm. Ngay cả đáp án nếu ghi không rõ chữ b hay d, hoặc đối với câu đúng/sai không viết rõ true hoặc false mà viết tắt T hoặc F... cũng không có điểm.

“Kinh nghiệm qua các năm cho thấy học sinh đạt điểm 10 là những em không chỉ giỏi mà còn cẩn thận. Sau khi làm xong, các em thường kiểm tra lại bằng cách viết hẳn đáp án ra nháp để phát hiện sai sót” - thầy Trần Hữu Thắng nói. 

Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI