Thêm nhiều hãng bay, đi máy bay có rẻ hơn?

04/09/2019 - 11:30

PNO - Chưa biết giá vé máy bay có rẻ hơn, chất lượng có tốt lên… không nhưng đang hiện có khá nhiều hãng đang chờ bay trong bối cảnh các sân bay xuống cấp và xuất hiện các hình thức cạnh tranh không lành mạnh giữa các hãng.

Năm 2019, thị trường hàng không sôi động hẳn khi các hãng mới được thành lập. Hiện Vinpearl Air của Tập đoàn Vingroup và Vietravel Airlines được Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đủ điều kiện lập hãng. Hãng Hàng không Cánh Diều (KiteAir) thuộc Tập đoàn Thiên Minh và mới nhất là Vietstar Airlines thuộc Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt vừa được Cục Hàng không Việt Nam cấp chứng nhận khai thác máy bay sau nhiều năm chờ bay. 

Đáng chú ý, một số hãng hàng không mới chọn các sân bay nhỏ làm nơi “đồn trú”. Chẳng hạn, Vietravel Airlines chọn Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Theo đại diện hãng này, việc chọn Phú Bài sẽ không tạo áp lực lên hai sân bay lớn là Tân Sơn Nhất và Nội Bài hay Đà Nẵng, đồng thời doanh nghiệp định hướng khai thác các đường bay phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước theo hình thức thuê chuyến (charter). 

Vietravel Airlines đặt mục tiêu cung cấp khoảng 55% số ghế để đáp ứng khoảng 35-40% nhu cầu của khách du lịch bằng đường hàng không tại công ty mẹ Vietravel. KiteAir mới thành lập giữa tháng 6/2019, đăng ký tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam. Dự kiến, nếu mọi thủ tục thông suốt, quý I năm sau, hãng sẽ khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên. 

Them nhieu hang bay, di may bay co re hon?
Hiện còn khá nhiều hãng bay đang chờ được bay

Theo tiến sĩ kinh tế Đinh Thế Hiển, việc xuất hiện các hãng bay mới là tín hiệu vui cho ngành hàng không: tránh được tình trạng độc quyền nên khách hàng sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất; các hãng sẽ đánh vào phân khúc khách hàng khác nhau, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng… Với các hãng bay mới, điều mà người dân quan tâm là dịch vụ tốt hay không.

Hiện thị trường hàng không Việt Nam được chia thành hai nhóm: Vietnam Airlines (VNA) được xếp vào phân khúc cao do giá vé cao hơn hẳn các hãng hiện có, lượng khách tiếp cận hãng bay này không thực sự đa dạng; nhóm 2 bao gồm hàng không giá rẻ như Vietjet Air, Jetstar. Dù ưu thế về giá nhưng hai hãng này thường xuyên vấp phải tranh cãi về chất lượng dịch vụ, đặc biệt là về giờ giấc. Phân khúc giá rẻ vẫn chưa có một cái tên nào đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng, trở thành phân khúc đang “khát” nhà đầu tư. 

Bamboo Airways dù chỉ mới tham gia thị trường hàng không một thời gian ngắn nhưng đang có vẻ “lấy lòng” được khá nhiều khách hàng. Giá vé không cao như VNA, cũng không thấp như các hãng giá rẻ nhưng Bamboo “biết thay đổi nhược điểm của những cái tên đi trước”, có nghĩa dịch vụ tốt như hãng truyền thống nhưng mức giá lại cạnh tranh với hãng giá rẻ. 

Theo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), sau thời gian tăng trưởng “nóng”, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thường xuyên quá tải từ đường bay trên trời cho đến đường cất hạ cánh, đường lăn, nhà ga và sân đỗ, gây không ít khó khăn cho công tác quản lý điều hành bay.  Lượng hành khách thông qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trong năm 2018 đạt 38,5 triệu, gấp 1,5 lần so với công suất thiết kế 25 triệu hành khách/năm. Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cũng không khá hơn: có thời điểm, số chuyến bay đi/đến lên 42 chuyến/giờ, trong khi năng lực khai thác của sân bay là 37 chuyến/giờ.

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho rằng, cơ sở hạ tầng xuống cấp là tình trạng có thể giải quyết được. Các hãng bay mới có thể tránh các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất và lựa chọn đặt “căn cứ” ở các sân bay nhỏ hơn. Việt Nam hiện không thiếu sân bay mà quan trọng nhất là quy hoạch các sân bay cho toàn diện. 

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI