Kỷ niệm 64 năm ngày truyền thống Bộ đội biên phòng (3/3/1959 - 3/3/2023)

Thắt chặt tình quân dân

02/03/2023 - 06:45

PNO - Ngày hội Biên phòng toàn dân năm 2023 đã diễn ra trong không khí ấm áp tình quân dân. Ở đó là những buổi thăm hỏi động viên, là những mái ấm biên cương có được từ sự đóng góp của các đơn vị dành cho nhiều gia đình tại xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TPHCM.

Rất nhiều chiến sĩ biên phòng được hỗ trợ xe máy làm phương tiện đi lại
Rất nhiều chiến sĩ biên phòng được hỗ trợ xe máy làm phương tiện đi lại

Thêm công trình dân sinh 

Nhìn căn nhà mới đang mọc lên trên nền nhà cũ, chị Đặng Thị Mỹ Kim - xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ - chia sẻ: “Nhiều năm lam lũ làm lụng nhưng vẫn không có dư để sửa lại căn nhà lá. Nền nhà thấp nên trời mưa là nước ngập quá mắt cá chân. Nhìn con cái bì bõm đi lại tôi rất lo. Rồi lại sợ mưa gió làm sập nhà bất tử”. 

Anh Huỳnh Công Toàn - chồng chị Kim - lao động chính trong nhà, đi làm thuê đủ nghề với thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Mấy tháng gần đây, anh thuê lại ruộng muối để làm, nhưng chưa làm ra được hạt muối nên chưa có thu nhập. Còn chị Kim ở nhà chăm con nhỏ và làm nội trợ. Buổi trưa, chị tranh thủ gửi con để ra ruộng muối phụ chồng. 

Vợ chồng anh Toàn - chị Kim là 1 trong 12 gia đình được hỗ trợ kinh phí xây sửa nhà trong chương trình “Mái ấm biên cương” của ngày hội Biên phòng toàn dân năm nay. Các đơn vị đã hỗ trợ 620 triệu đồng để xây mới 1 căn nhà và sửa 11 căn cho nhân dân và cán bộ chiến sĩ khó khăn về nhà ở. 

Anh Toàn cho biết, với 50 triệu đồng được hỗ trợ, anh sẽ xây dựng kiên cố phần móng, nâng cao nền, phần vách sẽ kết hợp giữa tường với tôn để giảm chi phí. Ngôi nhà mới sẽ có 2 phòng ngủ, nhà trước, nhà bếp, nhà vệ sinh. Anh Toàn dự trù sẽ vay mượn thêm để căn nhà được hoàn thiện hơn. “Có sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng, các đơn vị, nhà tài trợ, tôi mới có căn nhà tươm tất” - anh Toàn nói. 

Cách đó không xa, tại tuyến đường Cầu Đò, xã Lý Nhơn, khi hoàng hôn buông xuống, 2 cha con anh Sang - cư dân sống tại bến đò Lý Nhơn - ra ngồi hóng gió biển. Anh Sang phấn khởi: “Bến đò hoạt động từ khoảng 5g30 - 18g30. Trước đây, không có đèn đường, buổi tối chẳng ai ra đường cả. Mấy ngày nay có đèn chiếu sáng, xe cộ và bà con đi lại nhiều hơn, bến đò Lý Nhơn cũng đông đúc hơn. Đến 7 - 8g tối mới hết tiếng xe”. Ông Năm Lang - một người dân sống trong khu vực - nói: “Bám trụ tại bến đò này bao năm, nay được nhìn thấy đèn thắp sáng, tôi rất phấn khởi”. 

Ở trên là công trình “Ánh sáng vùng biên” - một trong rất nhiều công trình dân sinh vừa được Bộ đội biên phòng, các đoàn thể chính trị - xã hội TPHCM khánh thành. Công trình thắp sáng gần 1km dọc đường Cầu Đò với 14 trụ đèn năng lượng mặt trời, kinh phí hơn 25 triệu đồng.

Lễ khởi công xây dựng và sửa chữa nhà tình thương  tại xã Lý Nhơn,  huyện Cần Giờ  trong ngày hội  Biên phòng toàn dân
Lễ khởi công xây dựng và sửa chữa nhà tình thương tại xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ trong ngày hội Biên phòng toàn dân

Trao "cần câu" cho nhiều gia đình

Ngắm nghía chiếc tủ kính, chị Nguyễn Thị Hồng - ấp Lý Hòa Hiệp, xã Lý Nhơn - cho biết: “Có chiếc tủ này, tôi tin chắc mình sẽ bán đắt hàng hơn. Nhìn mọi thứ đều tươm tất, sạch sẽ thì bà con sẽ ủng hộ”. 

Chị Hồng mới bán bò nướng lá lốt và gà nướng gần đây, khi con trai 14 tuổi xin mẹ cho mở bán để kiếm tiền đóng học phí. Khởi đầu, chị Hồng sang mượn mặt bằng và dùng điện nhờ nhà chị gái. Thấy mẹ con ham làm, chồng chị tận dụng đồ cũ đóng cái bàn, làm cây dù; riêng chiếc lò nướng thì được bán thiếu, trả dần. 

Trước khi buôn bán, chị Hồng đi may hàng gia công. Do sức khỏe không được tốt (chị bị thoái hóa đốt sống cổ, lưng), chị buộc phải nghỉ làm và sống phụ thuộc vào đồng lương thợ hồ của chồng cho đến khi 2 con xin mẹ cho buôn bán. Việc bán buôn đã duy trì được hơn 6 tháng nay, mỗi ngày kiếm được 100.000-200.000 đồng, tạm đủ chi tiêu trong gia đình và có tiền để dành đóng học phí cho 3 đứa con. 

Cũng tại ấp Lý Hòa Hiệp, chị Vũ Thị Tươi vui mừng khi gia đình chị được tặng 1 cuộn bạt che để phục vụ việc làm muối. Công việc làm thuê thất thường nên vợ chồng chị Tươi đã thuê lại hơn 1ha ruộng làm muối từ hơn năm nay. Do tấm bạt cũ mua lại có quá nhiều chỗ thủng, làm mất nước, khiến sản lượng muối thu được không đạt, thu nhập vì vậy cũng bị ảnh hưởng. Để có thêm thu nhập, ngoài thời gian làm muối, chồng chị còn tranh thủ làm nhiều công việc khác. Với tấm bạt được tặng, chị Tươi sẽ bọc lại ruộng muối hoặc che đậy, bảo quản muối khi cần nhằm tránh bị thất thoát. 

Ngoài chị Tươi, chị Hồng, ngày hội Biên phòng toàn dân năm nay còn tặng 15 phương tiện sinh kế, 22 phương tiện thiết yếu, 11 xe đạp, 139 thẻ bảo hiểm y tế và hơn 500 phần quà các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn… với kinh phí gần 740 triệu đồng. 

Để mỗi người dân vùng biên là một “chiến sĩ biên phòng”

Ngày hội Biên phòng toàn dân năm nay thể hiện sự đoàn kết, huy động các nguồn lực cùng hướng về biên giới, biển đảo, xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biển cũng như khẳng định mối quan hệ máu thịt giữa quân và dân TPHCM. 

Muốn phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững, chúng ta phải xây dựng được thế trận lòng dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc, nâng cao ý thức cảnh giác, tinh thần trách nhiệm của nhân dân các dân tộc, cùng bộ đội biên phòng quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới; đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, gắn với củng cố quốc phòng - an ninh; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, để mỗi người dân vùng biên giới là một “chiến sĩ biên phòng”. 

Bà TRẦN KIM YẾN - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM

Hơn 1,5 tỉ đồng chăm lo cho dân và chiến sĩ biên phòng

Kỷ niệm 64 năm ngày truyền thống Bộ đội biên phòng (3/3/1959 - 3/3/2023) và 34 năm ngày hội Biên phòng toàn dân (3/3/1989 - 3/3/2023), Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Thành đoàn, Hội LHPN, Hội Cựu chiến binh và Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TPHCM phối hợp tổ chức ngày hội Biên phòng toàn dân tại xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ vào ngày 25/2 vừa qua. Ngày hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thực hiện các công trình dân sinh, chăm lo sức khỏe, tặng quà gia đình chính sách và người khó khăn, xây sửa nhà, tặng phương tiện sinh kế… cho người dân và các chiến sĩ biên phòng. Tổng kinh phí thực hiện trên 1,5 tỉ đồng.

Hơn 1,2 tỉ đồng chăm lo phụ nữ vùng biên tại các tỉnh Quảng Trị, Gia Lai

Trong 2 năm 2021 và 2022, Hội LHPN TPHCM và Bộ đội biên phòng TPHCM đã phối hợp tổ chức chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, giai đoạn 2021-2025. 2 đơn vị đã đồng hành trao tặng 6 mái ấm tình thương, 10 phương tiện sinh kế, 10 con bò giống, nhiều phương tiện thiết yếu trong cuộc sống như bồn chứa nước sạch, máy vi tính, máy in, áo choàng lông, tổ chức chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân tại các xã thuộc các huyện Chư Prông, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) và huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị). Tổng kinh phí thực hiện chương trình trên 1,2 tỉ đồng. 
Dự kiến, trong năm 2023 này, 2 đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện chương trình tại xã Ia Chía, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. 

 Thiên Ân

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI