Tập huấn công tác kiểm tra, giám sát bầu cử

23/02/2021 - 20:29

PNO - Ngày 23/2, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác kiểm tra, giám sát bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (ĐBHĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 cho hơn 7.000 đại biểu tại 64 điểm cầu trên toàn quốc.

 

Điểm cầu TPHCM tại Hội nghị tập huấn công tác kiểm tra, giám sát bầu cử.
Điểm cầu TPHCM tại Hội nghị tập huấn công tác kiểm tra, giám sát bầu cử

Việc kiểm tra, giám sát công tác bầu cử tập trung vào 9 nội dung cơ bản: giám sát việc thành lập, hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương; kiểm tra, giám sát việc giới thiệu người ứng cử ĐBQH, ĐBHĐND và việc nộp hồ sơ ứng cử của người ứng cử, người được giới thiệu ứng cử (diễn ra từ ngày 22/2 đến 17g ngày 14/3); kiểm tra, giám sát việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử (từ ngày 20/3 đến ngày 13/4); giám sát việc lập, niêm yết danh sách cử tri (ngày 13/4 đến 23/5); giám sát việc lập, niêm yết danh sách những người ứng cử (ngày 23/4 - 13/5)...

Công tác kiểm tra, giám sát bầu cử góp phần đảm bảo bảo đảm cho cuộc bầu cử thật sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm.
Công tác kiểm tra, giám sát bầu cử góp phần đảm bảo cho cuộc bầu cử thật sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm

Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phan Văn Vượng cho biết, đối tượng kiểm tra là Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp dưới; đối tượng giám sát là các tổ chức phụ trách bầu cử, Thường trực HĐND, UBND cùng cấp, cấp dưới và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

MTTQ Việt Nam các cấp sẽ kiểm tra, giám sát việc tuyên truyền, vận động bầu cử từ khi triển khai, tổ chức bầu cử đến khi kết thúc cuộc bầu cử; giám sát trình tự bỏ phiếu, việc kiểm phiếu (từ 5g đến 21g ngày 23/5); kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác bầu cử (từ ngày 17/2 đến 30/6) và kiểm tra việc triển khai thực hiện kiểm tra, giám sát bầu cử.

TPHCM và 62 tỉnh, thành trên cả nước đã hoàn thành Hội nghị hiệp thương lần I.
TPHCM và 62 tỉnh, thành trên cả nước đã hoàn thành Hội nghị hiệp thương lần I

Phó chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo công tác bầu cử Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh nhấn mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát đối với công tác bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND các cấp là để nắm bắt tình hình, kết quả tổ chức triển khai công tác bầu cử tại các địa phương nhằm phát hiện khó khăn, vướng mắc, những vi phạm pháp luật về bầu cử để hướng dẫn hoặc đề xuất với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền các biện pháp khắc phục kịp thời, góp phần bảo đảm cho cuộc bầu cử thật sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm và thật sự là ngày hội của nhân dân.

5 tỉnh, thành dự kiến số lượng cụ thể những người tự ứng cử 

Cùng ngày, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có báo cáo kết quả Hội nghị hiệp thương lần I bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Hiện, cả 63 tỉnh thành trên cả nước đã tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần I, thống nhất phân bổ giới thiệu ứng cử ĐBQH là 1.076 người, đạt tỷ lệ bình quân 2,15 lần so với tổng số đại biểu dự kiến được bầu (tỷ lệ này của kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV là 2,04 lần).

Về bầu cử ĐBHĐND, tổng số người được phân bổ giới thiệu ứng cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 7.656 người, đạt tỷ lệ bình quân 2,06 lần trên số đại biểu được bầu (cuộc bầu cử năm 2016 là 1,66 lần). Trong đó có: 1.690 ứng cử viên nữ (đạt 22,1%); 748 người dân tộc thiểu số (9,8%); 814 người trẻ tuổi (10,6%); 555 người ngoài Đảng (7,2 %); dự kiến 20 người tự ứng cử.

Đến nay, chỉ có 5 tỉnh, thành (Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nam, Yên Bái, Tuyên Quang) dự kiến số lượng cụ thể những người tự ứng cử ĐBQH khóa XV và ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (một số nơi dự kiến số lượng người tự ứng cử cao). 58 địa phương còn lại không dự kiến hoặc không thể hiện rõ số người tự ứng cử.

Tam Bình

 

 

 

 

 

 

 
TIN MỚI