Tắm thảo dược có đẹp da?

12/04/2014 - 20:00

PNO - PNO - Hiện em thấy có rất nhiều nơi giới thiệu cách ngâm, tắm, đắp bằng thảo dược và các loại cây cỏ, hoa quả thiên nhiên để làm đẹp, làm trắng da toàn thân như: trà xanh, thuốc bắc, hỗn hợp trân châu, nhân sâm, trứng gà, sữa...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Thu Nhi (Q. Thủ Đức, TP.HCM)

Tam thao duoc co dep da?

Ảnh minh họa: internet

BS Lê Hoàng Sơn, Khoa Y học cổ truyền, ĐH Y Dược TP.HCM, tư vấn:

Thực sự để làm đẹp da có rất nhiều vấn đề. Y học Cổ truyền ngày xưa và cả y học ngày nay đều quan niệm sức khỏe là tổng hòa của 4 yếu tố: tinh thần, thể chất, mối quan hệ với xã hội và mối quan hệ với môi trường sống. Da đẹp hay không cũng tùy thuộc vào cả 4 yếu tố kể trên. Người đẹp không phải là một con búp bê mà là một con người sống động, da cũng như vậy.

Tinh thần bên trong (bao gồm tình cảm) được “dịu dàng, yên tĩnh”, có sự hiểu biết sâu rộng là một phần để cấu tạo nên một làn da đẹp. Đồng thời, cơ thể khỏe mạnh, có chế độ ăn uống hợp lý thì làn da mới khỏe và đẹp. Song song đó, muốn có làn da đẹp thì không được để các yếu tố bất lợi của tự nhiên, môi trường gây tổn hại da. Hơn nữa, khái niệm đẹp còn tùy thuộc mỗi dân tộc và nền văn hóa. Mối quan hệ với xã hội có hài hòa thì da mới đẹp.

Da không phải là cơ quan hấp thụ thuốc mà ngược lại là một hàng rào chống lại bất kỳ sự xâm nhập nào từ bên ngoài vào cơ thể. Hàng rào này không chỉ bao bọc quanh thân thể, mà còn bao bọc cả chân lông tóc, các tuyến bã nhờn và tuyến mồ hôi. Bất kỳ loại thuốc nào, muốn có tác dụng cho da phải thẩm thấu qua được hàng rào này. Có 2 con đường thuốc có thể thấm qua da:

-Qua nang lông, tuyến mồ hôi: hai cơ quan này đều đi xuyên từ bề mặt da vào sâu đến hạ bì. Thuốc hấp thụ qua con đường này rất ít, chỉ một số thuốc tan trong chất béo mới có thể thấm qua nang lông.

-Qua lớp sừng: các chất cũng không dễ dàng đi qua lớp này, đặc biệt khi lớp sừng càng dày, trừ khi có những chất làm giãn nở hay chất béo. Khi tắm, ngâm, đắp, muốn các thảo dược làm đẹp thấm qua da cần phải có chất dẫn đồng thời da phải mỏng.

Như vậy, khó có thể nói loại thảo dược, hoa quả thiên nhiên nào dùng để tắm thực sự có công dụng làm đẹp da, vì chúng chỉ là một phần rất nhỏ của yếu tố thứ 4. Nhìn chung, để làm đẹp da từ bên ngoài có nhiều cách:

Dùng tinh thể các chất bao phủ da, che lấp đi các nếp nhăn, vùng da xấu, bít các lỗ chân lông, lỗ tuyến nhờn, tuyến mồ hôi,… làm cho trắng (thí dụ trân châu, trà xanh, albumin trong trứng gà, bơ,…) tạo vẻ đẹp về thị giác.

Dùng các chất vừa bao phủ da như trên, đồng thời thêm một số chất khác vừa làm sạch và mềm dịu da (như: mật ong, bơ, sữa, trà xanh,…) tạo vẻ đẹp xúc giác (sờ mịn dễ chịu) hay cảm giác (cảm thấy mát mẻ dễ chịu).

Dùng các chất thấm vào da, nuôi da cho mềm mại, tươi tắn với điều kiện phải có chất dẫn để chúng có thể thấm qua da (như các loại khoáng, sinh tố, mật ong, nghệ,…). Riêng muối khoáng sẽ thấm vào da qua các lỗ chân lông, lỗ tuyến mồ hôi, bã nhờn, nhưng vào được rất ít.
Ngoài các vấn đề nêu trên, để làm đẹp còn phải lưu ý thêm về thời gian. Tắm có rất ít tác dụng so với ngâm, đắp.

Thực ra, da trắng hay không tùy thuộc rất lớn vào yếu tố di truyền, chủng tộc, môi trường… Theo tôi, nếu ngâm, tắm, đắp làm cho trắng da ngay sau một hay vài lần áp dụng thì chỉ là trắng “giả”. Có thể là do phản chiếu ánh sáng trắng ra ngoài; do cảm tưởng trắng vì thấy chất mình dùng có màu trắng và đắt tiền; hoặc do lớp biểu bì chứa hắc tố bị tróc ra (lột da, sau vài tuần sẽ trở lại màu như cũ). Không có thứ thuốc Đông y nào ngâm, tắm, đắp có thể làm cho trắng da thật cả.

An Hà (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI