Tài sản có nghi vấn, dứt khoát phải điều tra

25/10/2018 - 11:51

PNO - “Nếu đã là tài sản có nghi vấn, dứt khoát phải đưa vào quá trình điều tra, phải tịch thu tiền mặt. Cả hai biện pháp dự án luật đưa ra đều là biện pháp nửa chừng”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói.

Rối xử lý tài sản không rõ nguồn gốc

Sáng 25/10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Trong đó xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải thích không hợp lý về nguồn gốc vẫn là vấn đề "nóng", gây tranh cãi.

Báo cáo giải trình đưa ra hai phương án tại Điều 52 về “Xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc” để Quốc hội cho ý kiến. Cụ thể, phương án 1 được quy định theo hướng, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc sẽ do tòa án xem xét, quyết định.

Phương án 2, trường hợp kết luận có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành kết luận xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền để thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định.

Về phương án thu thuế, bà Lê Thị Nga phân tích: “Ưu điểm của phương án này là xử lý nhanh, kịp thời tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc bằng công cụ kinh tế (thuế), hạn chế được tâm lý nặng nề đối với người có nghĩa vụ kê khai so với việc xử lý thông qua con đường tòa án”

Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là chưa thể hiện được thái độ thật nghiêm khắc của Nhà nước trong xử lý tài sản, thu nhập có dấu hiệu không minh bạch trong PCTN, có thể dẫn đến việc trùng lặp trong thu thuế hoặc bỏ lọt hành vi phạm tội trốn thuế.

Tai san co nghi van, dut khoat phai dieu tra
Bà Lê Thị Nga cho biết, UBTVQH đề nghị lựa chọn phương án xử lý, giải quyết tại tòa án

Đồng thời, mức thuế suất 45% như dự thảo luật do Chính phủ trình cần được đánh giá tác động, nghiên cứu đầy đủ để đưa ra mức thuế phù hợp và phải được bổ sung trong Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Về phương án xem xét, giải quyết tại tòa án, ưu điểm của phương án này là: Thể hiện được thái độ mạnh mẽ của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc.

“Tuy nhiên, theo phương án này thì UBTVQH phải ban hành Pháp lệnh để quy định về thủ tục giải quyết cũng như việc thi hành để tòa án thực hiện và phán quyết của tòa án mới thi hành được”, bà Lê Thị Nga nói

Qua cân nhắc kỹ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, UBTVQH đề nghị lựa chọn phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc qua thủ tục tố tụng tại tòa án, vì đây là phương án có nhiều ưu điểm hơn.

"Cả hai phương án đều không đảm bảo"

Phát biểu tại hội trường, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) khẳng định, cả hai phương án đều không đảm bảo.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng phân tích, nếu sử dụng tòa án hành chính thì Việt Nam không có khái niệm này. Còn nếu sử dụng tố tụng dân sự thì có hai vấn đề quan trọng. Một là phải có hợp đồng, hai là có thiệt hại ngoài hợp đồng.

"Nếu chúng ta sử dụng khái niệm “thu hồi tài sản” thì có nghĩa chúng ta đã khẳng định rằng đó là tài sản lấy của người khác không hợp pháp. Trong khi đó, Bộ Luật dân sự còn quy định, có chiếm hữu tài sản bất hợp pháp ngay tình. Sau bao nhiêu năm có thể sở hữu. Vậy vấn đề này sẽ giải quyết mối quan hệ như thế nào?".

"Đành rằng, tòa án là cơ quan được giao những chức năng rất quan trọng, nhưng tòa án không thể thực hiện vượt qua các quy định của pháp luật", ĐB tỉnh Bến Tre nói.

Tai san co nghi van, dut khoat phai dieu tra
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng khẳng định, cả hai phương án xử lý tài sản không rõ nguồn gốc đều là... nửa chừng, không đảm bảo

Liên quan tới phương án thu thuế, ĐB Lưu Bình Nhưỡng đồng tình với nhiều đại biểu. Nếu đánh thuế tài sản không hợp lý nguồn gốc thì đương nhiên coi đó là tài sản hợp pháp. “Nếu đã là tài sản có nghi vấn, dứt khoát phải đưa vào quá trình điều tra, phải tịch thu tiền mặt. Cả hai biện pháp dự án luật đưa ra đều là biện pháp nửa chừng”, ĐB Nhưỡng nói.

Tranh luận với ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng: “Nếu nói như ĐB Nhưỡng thì chúng ta không có lối thoát”. Cá nhân ĐB Hồng lựa chọn phương án hai - xử lý tài sản không rõ nguồn gốc bằng cách thu thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thanh Hồng đề nghị xem lại một số nội dung trong điều Luật.: "Cần sử dụng biện pháp kinh tế để xử lý vấn đề kinh tế. Đất nước chúng ta đang thiếu nguồn lực, nếu xử lý tốt vấn đề này, sẽ huy động để phát triển kinh tế. Đề nghị không chỉ thuế thu nhập đặc biệt mà sửa lại là áp các quy định về thuế, để xử lý vấn đề này. Nếu thuế thu nhập đặc biệt phải là tài sản hợp pháp. Nếu chưa biến tài sản không rõ nguồn gốc này là tài sản hợp pháp thì chưa thể thu được".

Minh Quang

 
TIN MỚI