Sự nôn nóng, lơ là đều có thể trả giá bằng nhân mạng

05/05/2021 - 11:23

PNO - Đại dịch COVID-19 đến nay đã gây ra hậu quả khủng khiếp với hơn 153 triệu ca mắc và 3,2 triệu người tử vong trên toàn cầu.

Bài học về sự nôn nóng phục hồi kinh tế ở Mỹ và gần nhất là Ấn Độ đã phải trả cái giá quá đắt khi không những con người - nguồn lực của mọi sự phát triển - bị tổn hại và cả nền kinh tế cũng suy sụp nặng nề. Đường đường là một cường quốc về dược phẩm và vắc-xin, do chủ quan, Ấn Độ đã “thất thủ” trước COVID-19.

Các công nhân làm việc liên tục tại lò hỏa táng ở New Delhi, Ấn Độ
Các công nhân làm việc liên tục tại lò hỏa táng ở New Delhi, Ấn Độ

Cho đến tháng 3/2021, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã kiểm soát dịch bệnh thành công với số ca nhiễm và tử vong ở mức khá thấp. Sau đó, Ấn Độ bắt đầu cho phép tập trung đông người, đáp ứng nhu cầu tổ chức các lễ hội tôn giáo, bỏ qua cảnh báo của các chuyên gia dịch tễ, ưu tiên cho các lợi ích kinh tế, chính trị. 

Cũng cần nói thêm, với dân số gần 1,4 tỷ người, “bài toán” phải tiêm vắc-xin trong tình trạng kiểm soát COVID-19 được xem là quá tốt khiến chính quyền New Delhi chần chừ trong việc chọn thái độ kiên quyết hơn về tiêm chủng. Thế nhưng, việc “mở cửa” kinh tế, xã hội mà gặp vi-rút biến chủng, “bài toán” giờ đây đã có một đáp án đau lòng. Hơn 222.000 người Ấn Độ đã chết vì vi-rút SARS-Cov-2 và  trung bình có gần 400.000 ca mắc mới mỗi ngày.

Bên cạnh những con số thống kê, hình ảnh hệ thống y tế và mai táng tê liệt, cảnh tang thương của những con người sống bên bờ sông Hằng, sự trả giá của chính phủ Ấn Độ… là lời cảnh tỉnh và thúc đẩy trách nhiệm của mỗi chúng ta.

Việt Nam tự hào đạt “mục tiêu kép” vừa khống chế dịch bệnh hiệu quả, vừa giữ vững phát triển kinh tế. Sự tự hào đó là chính đáng, nhưng cũng đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là trong việc phòng, chống dịch ở một số địa phương và trong một bộ phận dân chúng. 

Theo thông báo của Bộ Y tế chiều 4/5, Việt Nam có thêm 15 ca mắc mới, gồm các bệnh nhân từ 2.982 đến 2.996. Trong đó, ngoài các ca nhập cảnh được phát hiện kịp thời, đưa vào cách ly, còn có các ca mắc trong cộng đồng, lần lượt tại TP.Đà Nẵng và TP.Hà Nội.

Trước đó, đã xuất hiện ca mắc trong cộng đồng ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nam và Hưng Yên. Đặc biệt, bệnh nhân 2.985 ở TP.Hà Nội ngồi gần hai chuyên gia Trung Quốc trên chuyến bay VN160 từ Đà Nẵng ra Hà Nội ngày 29/4. Trước đó, hai chuyên gia này đã bị cách ly sau khi nhập cảnh tại tỉnh Yên Bái từ ngày 9 đến 23/4. Từ ngày 25/4 đến nay, trung bình mỗi ngày, Việt Nam phát hiện hơn 16 ca nhiễm mới.

Công điện khẩn 570/CĐ-TTg ngày 2/5 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: các bộ, ngành, địa phương, trên hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý nhập cảnh. 

Ngay trong trạng thái “bình thường mới”, Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng luôn đề cao tăng trưởng kinh tế bất chấp đại dịch. Nhưng cần nhớ rằng, mọi sự nôn nóng đều có thể dẫn đến hậu quả nặng nề. Chưa có ai tính toán được các chi phí cũng như tổn thất sức khỏe, tinh thần của cộng đồng kể từ khi dịch bùng phát đến nay nhưng chắc chắn đó là con số không nhỏ.

Sai lầm nào cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến con người. Làn sóng thứ tư của COVID-19 đang quét qua châu Á. Sinh mạng và tăng trưởng kinh tế là chi phí trực tiếp đã rất đắt, nhưng chi phí gián tiếp sẽ đắt hơn, đó là tương lai, đói nghèo, thiếu hụt nguồn nhân lực... nhưng cái giá đó hoàn toàn có thể tránh được bằng ý thức, trách nhiệm, sự chấp nhận thiệt hại kinh tế trong ngắn hạn khi cần thiết của quốc gia, người dân. 

Đoàn Vệ Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI