Sở GD-ĐT TP.HCM “ôm” tuyển dụng nhân sự?

18/03/2020 - 10:05

PNO - Đó là thắc mắc chưa có lời đáp của nhiều hiệu trưởng trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên… tại TP.HCM - những đơn vị “trực thuộc” sở từ chuyên môn cho đến con người.

Mới đây, ngày 9/3, sở ra văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc báo cáo tình hình nhân sự. Theo đó, mỗi hiệu trưởng sẽ được sở nhắn tin tên và mật khẩu trực tiếp đến điện thoại cá nhân để đăng nhập vào link, nhập đầy đủ số liệu báo cáo tổng hợp tình hình nhân sự năm học 2019-2020, dự kiến nhân sự cho năm học tới. Hạn chót nhập số liệu là ngày 11/3. Sở căn cứ báo cáo để giao dự kiến định mức số người làm việc cho từng đơn vị. Chiều 12/3, hiệu trưởng sẽ đăng nhập trở lại để biết năm tới mình được “cấp” bao nhiêu người, nếu đồng ý thì nhấn xác nhận, không thì “đề nghị xem xét”. Những ai chưa thống nhất sẽ làm việc với sở ngay ngày hôm sau: từ 8-10g là hiệu trưởng trường THPT, từ 10-11g30 là thủ trưởng các đơn vị trực thuộc. 

Tuy nhiên, có hiệu trưởng cho biết: ngày 10/3, văn bản mới đến các trường mà ngay tối hôm sau liền đóng hệ thống báo cáo. Như vậy là quá gấp gáp. Nhiều người cũng đặt câu hỏi tại sao sở vẫn tiếp tục “ôm” tuyển giáo viên dù Bộ Nội vụ đã quy định quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp từ lâu. Nhiều nơi đã làm và TP.HCM cũng đã giao quyền tự định biên chế, tuyển dụng giáo viên cho hai trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và Trần Đại Nghĩa từ năm học 2018-2019. Theo lộ trình, tiếp theo sẽ là các trường THPT thực hiện mô hình tiên tiến, trường THPT có lớp chuyên như Lê Quý Đôn, Nguyễn Thượng Hiền, Gia Định, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Du, Nguyễn Hiền… Với lộ trình đề ra, sau năm 2020 sẽ có 100% trường THPT được tự chủ về nhân sự. Thế nhưng, đó vẫn chỉ là… lời hứa. 

Thực tế, trường là đơn vị sử dụng lao động nhưng sở tuyển dụng và phân bổ người về. Khi nhận nhân sự, hiệu trưởng chẳng biết người đó ưu, khuyết thế nào, thi tuyển giáo viên đạt bao nhiêu điểm… Hiệu trưởng chỉ biết nhân sự đã đậu tuyển dụng và được cử về trường. Điều này gây khó khăn không ít cho các trường. Bị động, không có quyền lựa chọn, nhận về rồi dạy được hay không được, thiếu đủ ra sao… phải báo ngược về sở chờ giải quyết. Có trường hợp giáo viên đậu tuyển dụng của sở nhưng phân về trường dạy không được, muốn điều chuyển cũng không dễ. 

Không chỉ bị động, hiệu trưởng một số trường còn chỉ ra sự bất cập: người thì sở tuyển nhưng đến khi giáo viên có sai phạm bị kỷ luật thì hiệu trưởng ra quyết định. Hiệu trưởng không có quyền chọn nhân sự nhưng khi nhân sự sai thì phải chịu trách nhiệm. 

Cũng có ý kiến lo ngại, việc để hiệu trưởng, thủ trưởng các đơn vị giáo dục tự chủ cả tuyển dụng thì hiệu trưởng sẽ là “vua một cõi”, dễ nảy sinh tiêu cực. Nhưng có phải phân quyền tự chủ sẽ đi kèm với tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý vẫn giám sát và thanh tra quá trình thực hiện? Để giám sát chất lượng và đảm bảo tính công khai, minh bạch, sở có thể thẩm định hồ sơ của tất cả ứng viên trúng tuyển trước khi trường ký hợp đồng chính thức. 

Nếu “sợ” hiệu trưởng tiêu cực thì liệu có dám chắc cuộc tuyển dụng do đơn vị khác thực hiện sẽ trong sạch? 

Gia Tuệ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • manh 20-03-2020 10:47:18

    người dậy hợp đồng như tôi đã dậy được 4 năm tại 1 trường nhưng kí hợp đồng năm một năm nào cũng được lao động tiên tiến thì có được xét làm viên chức không

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI