Riêng tư, văn minh và vô cảm…

04/01/2022 - 06:04

PNO - Bạn sẽ chọn điều gì trong ba điều trên? Dĩ nhiên là 1, 2 còn 3 bị loại. Thế nhưng, câu chuyện đau lòng về cái chết của cô bé tám tuổi tại một chung cư cao cấp đang khiến cộng đồng mạng chao đảo lại cảnh báo chúng ta rằng ranh giới giữa chúng mong manh lắm.

Trước dịch COVID-19, công viên nội khu của chung cư tôi ở là nơi tập trung nhiều người giúp việc. Họ mang em bé trong xe nôi, người già trên xe đẩy… dạo lòng vòng, tám chuyện với nhau. Bỗng một hôm, sảnh lễ tân ồn ào: anh thanh niên trong lúc chạy tập thể dục ngang qua đã chứng kiến một người giúp việc quát mắng cụ già ngồi trên xe lăn. Sau đó, anh chàng tốt bụng liên lạc với ban quản lý (BQL) tòa nhà, yêu cầu BQL thông báo tình trạng trên cho người thân của bà cụ.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCKShutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

“Chị ta đang ngược đãi người yếu thế, vô ơn với chính nguồn sống của mình; chị ta đang vi phạm pháp luật. Các anh phải có trách nhiệm nhắc nhở. Tôi không muốn cộng đồng nơi mình sinh sống lại có người ứng xử thiếu văn minh như vậy”. Dĩ nhiên anh chàng này đúng và được ủng hộ khi vụ việc xảy ra nơi công cộng, hành vi phi đạo đức như vậy rất đáng bị lên án. Nếu sự ngược đãi bà cụ ở cấp độ cao hơn việc lớn tiếng, chẳng hạn gây thương tích trực tiếp, gây nguy hiểm đến cơ thể và tính mạng nạn nhân, chắc chắn không ai làm ngơ mà không can thiệp.

Song, nếu chuyện ngược đãi xảy ra trong khuôn khổ gia đình, trong phạm vi căn hộ của bà cụ (tương tự như câu chuyện của cô bé tám tuổi đang làm tan vỡ trái tim của các bà mẹ), những cư dân khác dù tích cực và nhân hậu đến mấy cũng khó can thiệp vì kẻ hành hung có một lá chắn an toàn - sự riêng tư của mỗi cá nhân, gia đình, cũng chính là quyền được pháp luật bảo vệ. Ở khía cạnh ấy, văn minh lại là “Không nhòm ngó chuyện nhà người khác”. 

Tôn trọng riêng tư cá nhân, là biểu hiện của văn minh?

Sinh sống trong những chung cư cao cấp, bạn sẽ không ngạc nhiên khi một người không hề biết hàng xóm của mình là ai, đã dọn đến bao lâu, căn hộ đó có mấy người, làm nghề gì, họ ra khỏi nhà hay trở về khi nào… Có khi, bạn chỉ gặp hàng xóm vào đúng ngày anh ta dọn nhà đi nơi khác sau hàng năm trời sát vách nhà bạn.

Thậm chí, mùa dịch vừa qua, nhờ có các nhóm cư dân, nhiều người mới biết cô A, anh B là hàng xóm nhà mình, nhưng biết là biết qua nick thế thôi chứ mặt mũi họ ra sao sau khẩu trang, tên đầy đủ của họ là gì cũng chưa chắc đã rõ nếu họ không chủ động chia sẻ. 

Một trong những đặc điểm nhận diện cuộc sống hiện đại trong xã hội công nghiệp là mỗi cá nhân đều có ý thức đề cao sự riêng tư của bản thân cũng như tôn trọng cuộc sống của những người xung quanh. Đây trở thành một ưu thế, điểm nhấn của các chủ đầu tư khi rao bán, quảng bá bất động sản là chung cư cao cấp. Với kết cấu cách âm, cách nhiệt tốt, việc đóng kín cửa các căn hộ sẽ càng khiến tính riêng tư được nâng cao. 

Nói như vậy không có nghĩa là mọi hoạt động trong căn hộ thì hàng xóm đều không ai hay biết. Bạn cứ thử chặt gà, giã vài trăm gam hạt tiêu mỗi ngày vào một khung giờ khác nhau hoặc điển hình nhất là khoan tường, bắt vít… lập tức sẽ được nhắc nhở.

Vấn đề ở chỗ, dù tiếng ồn có khiến hàng xóm cảm thấy khó chịu, tiếng kêu khóc có làm cho hàng xóm thấy bất an thì việc sang gõ cửa, nhắc nhở trực tiếp cũng rất hạn chế, nếu không nói là chẳng ai làm.

Để tôn trọng nhau, lịch sự và văn minh, người ta chỉ nghe thấy mà không cần hiểu rõ ngọn ngành, nguyên nhân tiếng ồn, sẽ nhấc điện thoại gọi hay gửi email cho BQL tòa nhà, phản ánh trong nhóm cư dân.

Tóm lại, dù có dịch COVID-19 hay không, ở các chung cư cao cấp cũng không ai tương tác trực tiếp với hàng xóm. Lại cũng rất chuyên nghiệp, văn minh và đảm bảo riêng tư, BQL sẽ có một email cảnh báo căn hộ gây tiếng ồn. Quá ba lần vi phạm, căn hộ này có thể bị ngưng cung cấp nước hoặc một hình thức khác. Cá biệt, với những hiện tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật như tụ tập bài bạc, bay lắc, BQL hoặc cư dân mới gọi chính quyền. 

Chính vì sự kín đáo và tôn trọng riêng tư được đề cao này mà nhiều chung cư cao cấp được xem là nơi ẩn trú lý tưởng cho các đối tượng muốn bay lắc, trốn nợ, các quý ông muốn nuôi giấu phòng nhì…

Tiếng kêu khóc thường xuyên của một đứa trẻ 7-8 tuổi, tiếng đập phá, đánh đập… có vọng đến các căn hộ xung quanh, bên trên, bên dưới không? Chắc chắn là có. Cư dân có phản ánh không? Câu trả lời cũng là có. Sau tất cả, chỉ là nhắc nhở. Như đã nói, đảm bảo sự riêng tư tuyệt đối cho mỗi cư dân, khách thuê… là một trong những điểm cộng được quảng bá của các chung cư hay khu nghỉ cao cấp. Việc gắn camera ở khu vực hành lang từng tầng cũng có khi vấp phải sự phản đối của nhiều cư dân khó tính. 

Đóng kín cửa cũng là biểu hiện văn minh, để người khác không buộc phải nhìn thấy sinh hoạt riêng tư trong căn hộ. Vậy thì muốn tố giác việc bạo hành, ngược đãi người già, trẻ em, hàng xóm dù có muốn, có nghe thấy, có suy đoán… cũng rất khó có chứng cứ. Lẽ nào, nhân danh tính riêng tư mà những nơi được coi là kiểu mẫu của văn minh lại vô tình bao che cho những hành vi nhẫn tâm đến mức phi nhân tính?

“Không chỉ chung cư cao cấp ở thành phố lớn, nhà phố hay nhà ở quê, vách liền vách, sân liền sân, cửa sổ mở ra hay cửa lớn khép hờ, chắc chắn phụ huynh có dạy con bằng roi mây hay dây điện cũng không ai xông vào nhà người ta mà can thiệp được” - N.Q.T., một phóng viên điều tra, cho biết ý kiến về quyền chống xâm nhập gia cư bất hợp pháp, một trong những quyền tối quan trọng.

“Tuy vậy, những người tố giác có thể liên lạc 111, hotline chống bạo hành và xâm hại trẻ em. Vấn đề là tôi không hiểu BQL chung cư và hàng xóm ở chung cư trên đã sử dụng quyền này của mình chưa. Tôn trọng quyền riêng tư không có nghĩa là bỏ qua các hành vi phạm tội trong không gian thuộc sở hữu riêng của họ. Chúng ta có quyền tố giác với các tổ chức có pháp nhân và chức năng đúng để bảo vệ nạn nhân” - N.Q.T. nói.

Chẳng ai vô cảm đâu, nhưng…

“Trách móc cư dân ở tòa nhà em bé xấu số sinh sống là vô cảm cũng là oan cho chúng tôi” - N.H.C., một phụ nữ sống cùng tòa nhà bé V.A. vừa qua đời, cho biết. Khác với những người quá bận rộn đến vô tâm với hàng xóm, cô tần ngần khi nghĩ đến việc có thể mình đã gặp chính cô bé đáng thương ấy vài lần trong một năm qua.

“Nếu có cơ duyên, chú tâm một chút thôi, biết đâu tôi đã có thể nhìn thấy chân tay bé bầm tím để gặng hỏi xem giúp được gì” - N.H.C. day dứt vì cũng là một người mẹ, cũng bất bình khi chứng kiến đâu đó người lớn cầm roi trừng phạt lũ trẻ nhưng cô thường tặc lưỡi bỏ qua vì xem đó là quan điểm và cách giáo dục riêng của nhà họ.

Chị nói trong ân hận: “Chúng ta quen dần với việc tự nhủ rằng đó không phải việc của nhà mình, chả ảnh hưởng gì đến mình, nói làm gì có khi lại mang rắc rối, lại bị mắng là nhiều chuyện cũng nên. Sau câu chuyện thương tâm và đáng phẫn nộ này, tôi nghĩ mình sẽ xem lại khái niệm văn minh, tính riêng tư và quyền bảo vệ, trách nhiệm bảo vệ những người yếu thế xung quanh. Nếu ai cũng có ý thức như vậy, từ những suy nghĩ cần thay đổi, hành động và thói quen mới thay đổi được.

Tôi không biết 111 là tổng đài tiếp nhận thông tin cấp báo khi trẻ em bị bạo hành, nhiều người trong tòa nhà có thể cũng như tôi và không hề gọi nhờ hotline này can thiệp. Nếu chúng tôi liên lạc thì biết đâu chuyện thương tâm đã không xảy ra. Cả đời chúng ta có thể day dứt về việc bỏ lỡ cơ hội cứu sống ai đó cho dù ranh giới giữa vô cảm - vô tâm và tôn trọng quyền riêng tư thật mong manh”. 

Lê Lan Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI