Ra chợ gặp hàng quê

08/09/2020 - 08:55

PNO - Xu hướng tìm mua thực phẩm ở quê gia tăng khiến những mặt hàng này lúc nào cũng đắt như tôm tươi, dù giá có đắt hơn bình thường do ảnh hưởng dịch bệnh. Nhiều người dân Sài Gòn lập nhóm, tổ chức phiên chợ, đưa hàng quê lên mạng để trao đổi, buôn bán…

Đồ quê hút khách Sài Gòn

Dạo buổi chợ sớm, chị Lê Thị Thanh (Q.3, TP.HCM) mừng rơn khi phát hiện rổ nấm mối tươi ngon còn lấm lem bùn đất trong một quầy rau ở chợ Vườn Chuối (Q.3, TP.HCM). “Lúc còn ở quê Bình Phước, mẹ tôi thường chế biến các món ngon từ nấm mối như đổ bánh xèo, nấu cháo hoặc bọc giấy bạc nướng mọi… Món nào cũng ngon hết sẩy! Gần chục năm theo chồng lập nghiệp ở Sài Gòn, dù có tiền cũng không mua được món này vì rất ít nơi bán, nghe nói các nhà hàng chay thu gom hết. Nay gặp món quê, tôi mừng như gặp lại cố nhân” - chị Thanh xúc động.

Không chỉ có đặc sản nấm mối ở chợ, mà những loại rau dại mang từ quê cũng xuất hiện ở nhiều chợ tại Sài Gòn như Hoàng Hoa Thám, Bến Thành, Tân Định… Rau cỏ năng xanh um mảnh dẻ chấm với mắm kho, ăn hoài không chán. Rau đắng đất tươi non, cơn mưa như pha loãng bớt vị đắng, giòn hơn, ngọt hậu, chấm với cá kho tộ thì còn gì bằng. Rau đọt choại xoắn xéo nhau, ăn mát miệng… Rau dại quê bán theo từng mớ, mỗi bó từ 15.000-50.000 đồng tùy theo độ lớn nhỏ. 

Phiên chợ quê với chõng tre, lá chuối
Phiên chợ quê với chõng tre, lá chuối

Các loại rau chùm ngây, bình bát, chùm bao, khổ qua rừng, măng tre/trúc… tự nhiên cũng về nhiều ở các chợ, cửa hàng đặc sản. Món rau rừng này sau khi rửa sạch có thể nấu canh tôm, thịt hoặc nấu chay, xào với tỏi đều rất ngon, bổ dưỡng. Như khổ qua rừng luộc chấm mắm, nấu canh tôm non hay nấu canh lá thác lác đều ngon. Lá cóc, đọt xoài vị chua chua, chát chát cuốn cùng bánh tráng, thịt luộc chấm mắm nêm giúp hương vị món ăn thêm phần hấp dẫn…

Chị Linh (tiểu thương chợ Lê Văn Quới, Q.Bình Tân, TP.HCM) cho biết: “Tôi bán rau chở từ miền Trung vào hơn hai năm nay. Trước đây, mang sọt rau ra chợ bán thì toàn bị chê xấu, rau sâu hoặc không mỡ màng nhưng giờ thì bán nhanh lắm. Thi thoảng mà có buồng chuối hay mớ cá, mớ tôm cua bắt được, mọi người còn tranh nhau mua. Vì là hàng quê, không phải lúc nào cũng sẵn, nhiều bà nội trợ nhiều khi muốn mua phải dặn trước”.

Những món quê “cây nhà lá vườn”
Những món quê “cây nhà lá vườn”

Hàng quê lên mạng được xem là nghề tay trái của nhiều chị em công sở. Giới kinh doanh nhỏ này lúc đầu tưởng rằng chỉ làm ăn cò con, kiếm thêm đồng ra đồng vào cho vui nhưng không ngờ thu nhập còn cao hơn lương chính. Chị Thanh Nga (nhân viên truyền thông một công ty ở Q.1, TP.HCM) bộc bạch: “Quê tôi ở Bến Tre, gia đình dưới đó trồng nhiều rau trái nên cuối tuần về nhà, tôi lại khuân đủ thứ trứng, tôm cá, rau củ, trái cây… lên cùng. Lúc đầu, tôi biếu bạn bè, sau có nhiều người hỏi mua nên tôi quyết định bán hàng online. Từ lúc tôi bắt đầu buôn bán, mẹ tôi cũng không cần phải đem rau ra chợ bán mà gửi xe lên trong ngày, hàng tươi ngon, khách lại đặt trước nên không bao giờ có hàng tồn”.

Trên trang mạng dành cho các bà mẹ, những chủ đề bán các mặt hàng nông sản quê cũng không kém phần sôi nổi. Chị em văn phòng chỉ cần ngồi một chỗ, xem hàng và gọi điện. Một lúc sau, hàng đã được mang đến tận nơi, mặc dù giá có lúc cao hơn nhưng chất lượng thì miễn bàn, vì là hàng tuyển. “Tôi thích mua trứng gà ở quê, gà thả vườn nên ăn thơm ngon chứ không như các loại trứng nuôi bằng thức ăn công nghiệp” - một “fan” đồ nhà quê chia sẻ.

Phiên chợ quê “độc nhất vô nhị”

Sáng Chủ nhật mỗi cuối tuần, phiên chợ quê (7 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM) lại bày những món hàng xinh xinh, độc lạ từ rau củ, hoa trái đến chiếc áo dài lụa “hiếm có, khó kiếm”.

Đặc sản quê được bày bán tại nhiều chợ ở TP.HCM

Đặc sản quê được bày bán tại nhiều chợ ở TP.HCM

 

Cẩn thận chất lên chiếc chõng tre gần chục ký ổi sẻ, sa-bô-chê, dăm trái lê-ki-ma, mấy nải chuối, đặc biệt là rổ thanh trà vàng ươm, cô bán hàng có nụ cười tươi rói tên Lê mặc chiếc áo dài tím giới thiệu: “Đây là trái cây đa số từ vườn nhà ở Đồng Nai và Bến Tre, không phân thuốc. Tôi chở hai chuyến xe từ hôm qua đến giờ mới hết hàng để góp vào phiên chợ”.

Nâng niu trái thanh trà nhỏ bằng ngón tay út, chị Hoàng Mai (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bồi hồi: “Đây là món ăn gắn với nhiều kỷ niệm tuổi thơ của tôi khi còn ở An Giang. Sau này, tôi kết hôn, về Sài Gòn sinh sống, mỗi lần đến mùa thanh trà vẫn thấy người bán bên đường nhưng trái to, lo phân thuốc nên có thèm cũng chẳng dám mua. Từ lúc biết chợ quê này, gặp lại những món quà quê quen thuộc, với tôi, như gặp lại tri kỷ”.

Chị Nguyễn Thị Hoa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lần đầu đến phiên chợ bộc bạch, lâu lắm mới được ăn lại món bánh mì kẹp bột lọc, gói trong lá chuối nóng hổi. Cô chủ xúc từng cái bánh bột lọc nho nhỏ, mằn mặn do chính cô làm, rồi kẹp vô bánh mì làm nhân, thêm chút mắm chua cay. Vậy thôi mà ngon quên lối về! Tưởng món này chỉ có ở Đà Nẵng, Huế, không ngờ cô bán hàng giới thiệu đặc sản Phan Thiết làm chị Hoa rất bất ngờ.

Dưới bóng đa cổ thụ tỏa bóng mát rượi, các cô bán hàng ở chợ quê đều mặc áo dài, áo bà ba, đội nón lá với nụ cười tỏa nắng. Góc này bày bán trái cây sạch theo mùa, góc kia thơm lừng mùi bánh khoai mì, bánh tráng mè nướng, bánh bèo, bánh lọc hay nước tắc, nước me… Chợ “nói không” với túi ni-lông, rau củ gói trong lá chuối be bé, xinh xinh, cột bằng dây chuối. Khách tới chợ thường chuẩn bị sẵn giỏ tre, hộp trữ thực phẩm để đựng hàng đem về. Ai quên thì chủ sạp tặng túi giấy chứ không dùng túi xốp, bao nhựa.

Chợ còn có riêng những góc bày bán đồ mây tre lá, lụa Mã Châu hay áo dài cho người lớn, trẻ nhỏ. Còn có mấy đôi guốc mộc đủ màu, mấy bó đũa tre quen thuộc hay đồ dùng bằng gỗ đơn sơ. Có cả một sạp chuyên bán sách cho các bà mẹ và các em nhỏ. Sách cũ, mới đủ loại nhưng phần lớn là sách văn hóa, giáo dục. Vào những dịp lễ tết, chợ còn tổ chức chương trình dạy làm tò he, xếp lá dừa, làm tranh gạo; khi lại nghe nhạc cổ, tìm hiểu nghề gốm của đồng bào Chăm; xuôi về miền Trung nghe kể về nghề làm lụa; tìm hiểu về áo dài từ xưa đến nay…

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, quản lý phiên chợ quê, cho biết: “Chợ bày bán các loại rau, quả dân dã, trái cây, bánh trái đã chế biến. Nhà nào có quà bánh, cây trái trồng được thì đem ra trao đổi, mua bán ở chợ. Các sản phẩm được bày bán ở đây đều đảm bảo nguồn gốc tự nhiên, không phun thuốc, không chất hóa học”. 

Tin nhau là chính

Những món quà quê không chỉ gợi nhớ ký ức tuổi thơ đối với người xa xứ mà còn đáp ứng nhu cầu tìm nguồn thực phẩm sạch của rất nhiều người ở Sài Gòn. Tuy nhiên, ngoài những thứ rất ít ỏi gia đình “tự sản, tự tiêu”, phần lớn người tiêu dùng lẫn người bán thực phẩm quê, thực phẩm sạch giao dịch với nhau bằng niềm tin là chính. Hầu hết các nguồn cung cấp thực phẩm quê đều do người bán quảng cáo và người mua tự kiểm chứng chất lượng bằng mắt nhìn chứ không hề qua cơ quan kiểm định chất lượng như hàng hóa bày bán trong siêu thị.

Vì thế, việc buôn bán thực phẩm quê chủ yếu dựa trên lòng tin giữa người bán với người mua. Các bà nội trợ mỗi khi đặt hàng thường rỉ tai nhau những mối hàng quen mà nhiều người đã tin tưởng đặt hàng trước đó. 

Thiên Thiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • Lễ hội kén rể ngàn năm tuổi ở Hà Nội

    Lễ hội kén rể ngàn năm tuổi ở Hà Nội 

    12-03-2024 06:21

    Lễ hội kén rể được người dân thôn Đường Yên, xã Xuân Nội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội tổ chức nhằm tưởng nhớ công ơn của nữ tướng Lê Hoa.

  • Nhọc nhằn nghề chà nhám đồ mộc

    Nhọc nhằn nghề chà nhám đồ mộc

    10-03-2024 06:16

    Vất vả, thường xuyên tiếp xúc với bụi, hóa chất song nhiều phụ nữ ở xã Quỳnh Hưng vẫn chọn làm thợ chà nhám đồ mộc vì chủ động được thời gian.