Chờ ngày rủ nhau ... đi chợ

23/08/2020 - 15:07

PNO - Các mẹ quê tôi, những ngày này, ngoài nỗi sợ hãi bao trùm vì dịch, còn mang thêm nỗi rầu rĩ khó chia sẻ, liên quan đến… chợ.

Quê tôi, thành phố hiện đại bậc nhất miền Trung, bao quanh nó ba bề là đồng ruộng mướt mát, rừng núi xanh rì, một bề kia thì mở ra mênh mông là biển. Thành phố đáng sống nhất Việt Nam - từ ngày cái danh hiệu đó như áo gấm móc lên, giống lửa được tiếp thêm xăng, dân xứ tui vốn nổi tiếng với tật nói dóc thấm trong căn cốt bao đời lại càng thêm dịp được “nổ”. 

Thành phố đáng sống, khách du lịch đang kéo tới ầm ầm, bỗng một ngày bị “con cô vi” úp thúng, người nhiễm bệnh có, người qua đời cũng có, rồi cách ly xong phong tỏa, đủ thứ trên đời. Người ta sợ, lo lẫn phiền. Sợ chớ! Khi không đang yên đang lành, chín giờ tối tắt đèn đi ngủ, sáng năm giờ dậy đi thể dục một vòng quanh biển về, tự dưng nghe tin dịch tái bùng phát.

Hết một ngày, nghe khu bên kia sông có người nhiễm rồi, hết ngày nữa nghe có thêm người nhiễm rồi, cách nhà mình có mấy trăm mét thôi, mấy ngày sau lại có người mất. Phong tỏa bệnh viện, cách ly một khu phố, hai khu phố, toàn thành phố, dịch cứ luẩn quẩn đầu này ngách nọ như một bóng ma, làm sao không sợ? 

 

Cách ly thì cách ly, dịch mà, nhưng mà rầu quá. Tự dưng chân đang quen đi, giờ bị bắt ở yên một chỗ, nhất là không được sáng sáng xách làn đi tới cái chỗ “được sống”. Từ Sài Gòn gọi về quê, trong mọi câu chuyện với mẹ, với bà dì, bà cô ruột ở nhà, thứ tôi nghe than phiền nhiều nhất, là không được đi chợ.

Nói tới đây, sẽ có người hấm hứ, có mà, có phát thẻ đi chợ ngày chẵn, ngày lẻ mà. Trời ơi, đi chợ như rứa thà không đi còn hơn. Chưa kể, mới mẻ quá, có hôm cắp đít đi chợ, nắn túi coi thử đã có tiền chưa mà đâu nhớ cái thẻ. Thế là tới nơi, lại ton tả chạy về, mất hứng chi đâu. Mà đi chợ đang khi có dịch thì cũng chán phèo, người bán người mua lấm lét, sờ sợ, rụt rè. “Chợ chi kinh òm!”, mẹ tôi nói.

Đi chợ - là một cái trường thiên thích thú, tao nhã, sung sướng và vui vẻ của các bà ở xứ mình. Từ Bắc vô Nam, trên núi xuống tới đồng bằng, đâu đâu cũng vậy, chợ - nhất định là đông vui. Đi chợ đâu phải chỉ để đi mua mớ rau, miếng thịt, con cá rồi về; cái thú đi chợ còn là để nhặt nhạnh về những thứ không bán mua được bằng tiền, lại có tác dụng an thần, kích thích trí tưởng tượng, mặn mà hơn cả mấy món xào nấu đưa cơm… mà ta gọi bằng: nhiều chuyện.

Ở chợ, không khó để bắt gặp hai bà một đôi, bốn bà một tụ, sáu bà một nhúm, râm ran hỉ hả, giọng bổng giọng trầm, xì xầm chỉ trỏ. Chuyện thì chẳng có gì đặc sắc, kịch bản quay quanh một nếp nhà cụ thể, mấy con người đích danh, thường bắt đầu bằng “tao nghe nói là…”. Những chuyện “tao nghe nói là…” thường có hai công thức: nếu không nêu gương gia đạo hài hòa thì chỉ có bàn tán chuyện gia cang lục đục, nếu không tán dương ai đó đạo đức sáng ngời thì chỉ có bĩu môi người gì ăn bạc ở tệ, không thì thào thằng đó thì cũng than thở con kia. 

Con nớ hôm qua hỗn với chồng bị cho ăn hai bạt tai, tức mình đòi xách con về nhà mẹ đẻ, đàn bà chi mà ngu mà dại. Thằng nớ lấy vợ hai năm rồi không thấy bầu bì chi, mẹ hắn lo thúi ruột, ờ có một thằng con độc nhất, sợ vô sinh á chớ, bởi thời chừ, tại trẻ ăn chơi bừa bãi chớ chi nữa…

À rứa hả, cái bà… hả, chu cha, mới lên trưởng phòng, hồi ở dưới thấp thấp cái nư đã thấy gai mắt, lên cao rứa rồi ai chịu cho thấu trời. Ời cái thằng cha nớ hắn say xỉn miết, không lo chi cho vợ con hết trơn, vô hậu thiệt chớ… Đó, một vài mẩu chuyện tiêu biểu trong bốn vạn tám ngàn câu chuyện diễn ra nơi cái chợ ở xứ sở này đó. 

Hỡi ơi, sau lớp khẩu trang, với lớp màn sợ sệt bủa giăng, với cái phiếu hai, ba ngày một lượt đi chợ chẵn, lẻ giãn cách hai mét mua xong là về, cái thú vui của các bà làm sao mà còn đất trổ cành xanh lá! Biểu không buồn, làm sao mà được. Cái sự đi chợ, thiệt là quan trọng lắm…

Càng dịch dã, các bà quê tôi càng nhớ da diết cái chợ là vậy. Lẩn quẩn quanh bốn bức tường nhà, đi ra đụng cửa, đi vô đụng tường, có mấy mươi ngày mà buồn tưởng như thiên thu vạn thuở. Cửa mở đó, mà đố dám ra đường. Mẹ tôi vẫn than thở về mớ đồ đông lạnh trong tủ để ăn dần những ngày vắng chợ, nó… chán òm.

Rồi, cách ly rồi mấy bà ở Điện Bàn, Đại Lộc không đem mớ rau nhà trồng, mớ thịt heo nhà nuôi ra thành phố bán như mọi khi được nữa, hội cô dì không gặp nhau ở hàng mì bà Tịnh, hàng khô bà Tuyết được nữa; chị tui nằm thiu thiu ở nhà nghe Thái Thanh ca Nghìn trùng xa cách, vẫn mơ ngày được hớn hở cầm xấp tiền nhuận bút dịch sách mới nhận hồi đầu hè, quẩy làn đi chợ Cây Me với chị em chúng bạn trong tâm thế của một con mẹ nhà giàu mới nổi; con em họ tui vẫn rấm rứt chờ ngày lao vô chợ Cồn không còn cách ly để lại được mồ hôi mồ kê đầm đìa, sục sạo đống “đồ bành” mười lăm ngàn cái quần hai chục ngàn cái áo, mặc cho mẹ nó - một bà buôn giàu có tiếng cũng ở cái chợ ấy - phải suốt ngày nghiến răng ken két đứa con gái trời đánh làm cha mẹ “dị òm” trước các bạn buôn trong chợ bởi thú vui khác người của nó.

Ôi những cái chợ quê hương xứ sở. Cái chợ Cồn lẫy lừng đệ nhất xứ Tourane mà bao lần các bà càm ràm lẫn chửi đổng mỗi lúc túm tụm quanh chuyện người ta đòi thay chợ bằng “cái dự án mo mo (mall) bất nhơn chi đó”. Chợ Hàn có hàng bán mắm ngon nhức răng (mẹ tui khen vậy). Chợ Siêu Thị (ngày xưa cái chợ nằm sau lưng siêu thị Bài Thơ nên các bà gọi luôn là chợ Siêu Thị) dập dìu chen chúc người xe ghé lại lựa bông hoa, trái cây khi cận kề giêng hai một chạp. Băng qua bên kia sông, chợ Thọ Quang, chợ Mai năm chầy tháng đoạn tanh rình mùi mực mùi cá. 

Xa hơn nữa, ngược vô hướng Quảng Nam, theo quốc lộ, vừa đổ một dốc cầu là gặp chợ Bà Rén lúc nào cũng thúi ùm mùi phân heo. Muốn thanh tao thì về chợ Hội An lưng quay ra sông quanh năm gió mát thổi lên lồng lộng, có mấy bà bán hương trầm xông thơm lừng một góc ngã tư… Còn hàng trăm, hàng ngàn cái chợ khác ở mỗi góc phố, góc làng, góc đường, góc hẻm, nhỏ to khác nhau mà “nội công” đều siêu quần bạt tục, kiếm chi cũng có. Mỗi chợ một mùi, mỗi chợ một kiểu nhưng chợ nào cũng mang một đời sống um tùm hết cỡ, mà ở trong là triệu triệu cái đời sống khác cũng um tùm chẳng kém.

Cái đời của chợ cũng là cái đời kỳ vĩ, phong phú “dỡ tồn” đã bị “con cô vi” giựt mất tự tay các bà, các mẹ. Bao nhiêu cơn muộn phiền con nghịch cháu hư chồng đổ đốn, bình thường có bà Tám con Chín bu vào xúm xít giải tỏa cho bằng những cơn lên giọng xuống giọng rổn rảng, giờ chẳng có nơi phát tiết, trút vô bốn bức tường thì nó vọng lại, dộng ngược vào người.

Mong lẹ lẹ tới ngày lại được thấy mẹ tui đủng đỉnh đi chợ về, mở xoạch cái cửa rồi vói miệng qua nhà cô hàng xóm cất lên cái tiếng gọi hú vía âm linh: Thanh, đi chợ chưa? 

                                                                                                                                             Tự Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI