“Quý bà vải lanh” và hành trình giúp phụ nữ dân tộc Mông vươn lên

06/09/2023 - 08:24

PNO - Nhiều ông chồng người Mông đi uống rượu về không làm việc nhà mà bắt vợ vừa đi làm nương về phải làm hết. Trong cơn say khật khưỡng, họ ôm đống vải lanh vợ mới dệt quẳng ra ngoài đường, giọng méo xệch đi: “Cái đất của tao chỉ trồng bắp, trồng lúa, mà bà Mai dám vận động trồng lanh”. Nhưng bà Mai không sợ…

Dám làm điều "ghê gớm"

Ngoài 60 tuổi, bà Vàng Thị Mai (thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, đúng tố chất của người từng mấy chục năm đứng đầu hội phụ nữ xã; vẫn hồn nhiên như những cô gái Mông chưa phải về nhà chồng.

25 năm trước, bà Mai giật mình: phụ nữ Mông biết và còn giữ nghề dệt lanh ít quá. Bấy giờ bà đã có gần 20 năm làm Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Lùng Tám. Đau đáu trước nguy cơ mai một nghề truyền thống của người Mông, bà đi khắp xã tìm gặp những cụ bà ở ngưỡng tuổi đã gần với tiên tổ để xin truyền dạy hết những “ngón nghề” dệt lanh, nhuộm vải, vẽ sáp ong…

Sau khi được truyền nghề, bà Vàng Thị Mai đứng ra vận động bà con xã Lùng Tám góp vốn mở cơ sở dệt lanh ngay tại thôn Hợp Tiến. Vận động, thuyết phục mãi mới được 10 người tham gia, tổng số vốn góp là 13 triệu đồng. May mắn, bà tiếp cận được với dự án “Duy trì và phát triển làng nghề truyền thống” trong chương trình hợp tác Việt Nam - Thụy Điển. 3 năm sau, Hợp tác xã (HTX) Dệt lanh Hợp Tiến ra đời (nay là HTX Lanh Lùng Tám), đánh dấu bước tiến mới của thổ cẩm Lùng Tám. 

Bà Vàng Thị Mai bên khung dệt truyền thống của người Mông - ẢNH: U.N.
Bà Vàng Thị Mai bên khung dệt truyền thống của người Mông - Ảnh: U.N.

Được chính quyền địa phương và đoàn thể ủng hộ, dự án tạo điều kiện, song việc cầm tay chỉ việc cho chị em cũng không đơn giản. Bởi từ cây lanh, phải qua 41 công đoạn hoàn toàn thủ công mới hình thành nên tấm vải. Tranh thủ thời gian, phụ nữ Mông đi trên đường cũng quấn quanh người vỏ cây lanh để vừa đi vừa tách sợi. Sợi lanh được tách phải đều nhau, không bị đứt lưng chừng, sau đó được cuộn chặt, bỏ vào cối giã cho bong hết bột, chỉ còn trơ lại sợi dai, rồi phải qua vài lần luộc với nước tro bếp và 1 lần luộc nước sáp ong để sợi trắng, mềm…

Công việc hết sức công phu, nhưng bà Mai và phụ nữ Lùng Tám cảm thấy nó dễ gấp trăm lần các ông chồng của họ. Trong quan niệm của người Mông, việc của phụ nữ là nương rẫy, heo gà và phục vụ chồng, còn làm những việc khác là điều gì đó rất ghê gớm và rất khó chấp nhận. Bởi thế, việc vận động chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, từ cây lương thực như bắp, lúa sang cây lanh - nguyên liệu để dệt vải lanh - là vô cùng khó khăn. 

Nhưng bà Mai không nản. Bà kể: “Tôi thấy phụ nữ Mông quá vất vả và tôi nghĩ phải làm gì giúp họ thoát ra khỏi sự vất vả đó. Nhưng để thu hút được những chị em nghèo, cơ cực, những người phụ nữ yếu thế, thường bị chồng đánh đập là rất khó”. Và cách của bà là tới nhà rủ chị em đến HTX làm việc cùng và nói với họ về việc phải làm chủ kinh tế để bớt khổ, bớt bị chồng đánh. Các chị nghe theo.

Nhưng có chị vừa đến cổng HTX là ông chồng say rượu cũng có mặt, đánh vợ té sấp, đầu va vào đá, máu chảy ướt mặt. Bà Mai tức tốc lên xã yêu cầu chính quyền cho HTX “xin” 1 công an, hoặc phó chủ tịch xã làm “trưởng ban kiểm soát” cho phụ nữ.

Càng khó càng phải cố gắng

Nhiều ông chồng người Mông đi uống rượu về không làm việc nhà mà bắt vợ vừa đi làm nương về phải làm hết. Trong cơn say khật khưỡng, họ ôm đống vải lanh vợ mới dệt quẳng ra ngoài đường, giọng méo xệch đi: “Cái đất của tao chỉ trồng bắp, trồng lúa, mà bà Mai dám vận động trồng lanh”.

Nhưng bà Mai không sợ… Đã “xin” được cả trưởng công an và phó chủ tịch xã làm trưởng và phó ban kiểm soát rồi, hễ ông chồng nào say rượu, đánh vợ là ban kiểm soát mời lên khênh đá, làm vệ sinh các công trình công cộng, đi lấy nước, lấy đất làm các công trình cho ủy ban.

Ngày HTX phát lương, bà Mai cắp chai rượu đến nhà mời mấy ông chồng và nói chuyện: “Mai ông có đến tham dự, nhận tiền công dệt lanh cùng vợ ông không? Ông nhận tiền về rồi sửa cái chuồng gà đi, tháng sau lại có tiền thì sửa cái chuồng heo nữa”. Ông chồng ngượng ngùng: “Được như thế à!”. Từ bấy, các bà vợ mới đỡ khổ” - bà Mai rổn rảng.

Khi HTX thành lập, bà Mai mới thuyết phục được 30 chị em tham gia. Nhưng đến nay đã có 130 thành viên, 9 tổ sản xuất, thu nhập của hầu hết các thành viên đều đạt 6 triệu đồng/tháng. Có những người già, 70 tuổi, vẫn kiếm được 3,5 triệu đồng mỗi tháng từ dệt lanh. 

Ở Lùng Tám có gia đình có đến 7 đứa trẻ mồ côi không cha không mẹ, chen nhau ngủ trên một chiếc giường. Bà Mai bàn với chính quyền địa phương đưa 7 đứa trẻ về HTX để dạy nghề. 

Nhưng bà Mai và HTX Lanh Lùng Tám cũng đã phải trải qua 3 năm COVID-19, không làm lụng, bán buôn gì được vì không có khách du lịch. Là người chèo lái con thuyền, bà Mai động viên chị em cố gắng.

Hồn nhiên, chân chất, nhưng không kém sắc sảo, bà nhận định: “Có lẽ phải 3 năm nữa mọi thứ mới trở lại như trước”. Vì thế, bà mong chị em xã viên biết tìm cách bán hàng mà không phụ thuộc quá nhiều vào khách du lịch. “Chị em chúng tôi, cả những người già 60-70 tuổi, rất muốn được các chuyên gia dạy cho cách bán hàng trên mạng xã hội, bán hàng trên xe buýt” - bà chia sẻ. Với khao khát ấy, bà đã tham gia dự thi một chương trình truyền hình để được học miễn phí.

Bà Vàng Thị Mai (thứ hai từ phải qua) tham dự cuộc thi “Khi phụ nữ làm chủ” do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức - Nguồn ảnh: VTV
Bà Vàng Thị Mai (thứ hai từ phải qua) tham dự cuộc thi “Khi phụ nữ làm chủ” do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức - Nguồn ảnh: VTV

Ở cuộc thi đó, lần đầu tiên bà biết đến khái niệm “sáng tạo nội dung số”. Vừa là thí sinh lớn tuổi nhất, lại đến từ cộng đồng thiểu số heo hút trên địa đầu Hà Giang, hỏi bà có thấy khó không? Bà nói ngay: “Khó chứ, tôi phải học từng li, từng tí. Lúc nào thì bấm cái này, lúc nào bấm cái kia. Đứng ở góc này thì phải nói gì, đứng ở góc kia thì phải hoạt động ra sao”.

Bà Mai bảo rằng, mỗi cái mới đều khó, vượt qua được đều đáng nhớ. Để học cách bán hàng, có lần bà khoác bị lanh đi mấy chặng xe, xuống đến Hà Nội chỉ còn 6.000 đồng, bà ăn mì tôm, ôm lanh đi bán. Có lần mang nhiều hơn nhưng tiền bán lanh không đủ trả tiền nhà nghỉ, bà phải để lại chứng minh nhân dân. Hôm sau đeo bị lanh đi bán, trên người không có giấy tờ tùy thân, nhiều người lại dè chừng khi bà ăn mặc “kỳ dị”, bà vừa bán vừa lo…

Rồi bà đúc rút: “Không chỉ có phụ nữ Mông chúng tôi mà cả 54 dân tộc Việt Nam, phụ nữ của dân tộc nào cũng muốn làm được điều gì đó. Nhưng mọi người đều sợ, đều không dám vượt qua để có thể tự làm chủ. Tôi quyết tâm phải làm được để thế hệ trẻ, nhất là phụ nữ, thấy mà noi theo. Già vầy mà tôi còn làm được, thì không có lý do gì mà các cháu trẻ khỏe, giỏi giang lại không làm được”. 

Bà Vàng Thị Mai từng được tôn vinh là “nữ hoàng thổ cẩm” bởi bà là người đầu tiên đưa thổ cẩm lên máy bay sang giới thiệu ở Pháp, Nhật Bản, Thụy Điển…

Nhiều năm, Đại sứ quán Pháp mời bà tham gia hội chợ Phụ nữ năng động sáng tạo toàn cầu. Năm 2014, giải thưởng Kova tôn vinh bà là một trong những tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội. Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn bà là 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017.

Hiện nay, bà Mai được biết đến nhiều với tên gọi “quý bà vải lanh”. Lật vuông thổ cẩm với chấm son là trung tâm, bà bảo: “Trong gia đình hay trong cộng đồng, phụ nữ đều là trung tâm. Tôi muốn từng bước giúp đỡ chị em, không phải để cho họ kiếm được một đống tiền, mà để họ có tiền mua thuốc chữa bệnh, mua muối, mua mỡ… Phụ nữ phải tự mình làm chủ, phải biết làm chủ để dần dần thoát khỏi bạo hành và có tiếng nói”.

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI