Nữ doanh nhân tìm cách “đưa thuyền vượt sóng dữ”

18/08/2023 - 06:25

PNO - Hậu COVID-19 và những biến động trên thế giới khiến kinh tế đang hết sức khó khăn. Trong bối cảnh ấy, các nữ doanh nhân phải chật vật xoay xở, tìm mọi cách để doanh nghiệp tồn tại và không phải sa thải nhân viên hàng loạt.

Chắt chiu để vượt khó

Nhà đầu tư Hoàng Thị Kim Dung - Giám đốc quốc gia tại quỹ đầu tư Genesia Ventures Việt Nam - nhận định, trong thời điểm kinh tế khó khăn, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như người khởi nghiệp phải tính toán chi phí sao cho hợp lý cho từng hoạt động.

Thời điểm này cũng không nên khuếch trương quảng cáo nhiều, mà cần tập trung vào số lượng khách hàng đang sẵn có, khách hàng trung thành. 

Chương trình Hawee Connect với chủ đề “Service Excellence - Nâng tầm doanh nghiệp bằng dịch vụ xuất sắc” do Hội Nữ doanh nhân TPHCM tổ chức vào tháng 7/2023 - Ảnh: Diễm Trang
Chương trình Hawee Connect với chủ đề “Service Excellence - Nâng tầm doanh nghiệp bằng dịch vụ xuất sắc” do Hội Nữ doanh nhân TPHCM tổ chức vào tháng 7/2023 - Ảnh: Diễm Trang

Bà Kim Dung phân tích: “Doanh nghiệp phải kiểm soát được chi phí chi hợp lý cho từng khách hàng, từ đó mới tăng được tỉ lệ giữ chân khách - thành tố quan trọng trong việc tăng doanh thu, tăng lợi nhuận. Khách hàng quay lại sử dụng sẽ chi tiêu nhiều hơn 33% so với khách hàng mới, và tỉ lệ giữ chân khách hàng tăng 5% sẽ mang lại lợi nhuận tăng 25 - 95%. Trong bối cảnh chi phí thu hút khách hàng mới ngày càng trở nên đắt đỏ, phung phí tiền vào việc tìm khách hàng mới, bỏ quên những khách hàng trung thành là một lựa chọn gây ảnh hưởng tới doanh thu trên một vòng đời khách hàng (Customer Lifetime Value) và doanh thu trên một lần sử dụng của khách hàng (Customer One Time Value). Phần hao hụt này sẽ không thể bù đắp được chi phí thu hút khách hàng”.

Chị Đặng Trần Cẩm Vân - Giám đốc nhà hàng Le Chef, người đang chắt chiu chi phí và tập trung vào bán hàng thay vì chi cho quảng cáo - cho hay: “Le Chef hoạt động tốt từ năm 2012 cho đến khi có dịch COVID-19, lệnh giãn cách xã hội liên miên khiến nhà hàng thường xuyên phải đóng cửa. Tôi cứ ngỡ đại dịch là những năm kinh tế khó khăn nhất, nhưng hậu quả sau đại dịch mới làm doanh nghiệp thấm đòn. Kinh tế sụt giảm khiến doanh thu của nhà hàng cũng giảm theo. Gần 1 năm nay, lượng khách đến nhà hàng giảm hẳn nên chúng tôi chưa thể thực hiện các món mới”.

Trước dịch, Le Chef nhập nhân sâm từ Mỹ về để chế biến các món ăn Âu, nhưng nay phải chế biến thành các loại nhân sâm đen. Vụn nhân sâm thì nấu phở bò nhân sâm. Ngoài ra, nhà hàng cũng tìm cách chế biến nhiều món ăn nhà hàng thành món ăn nhanh và bán hàng qua mạng. 

Vì không muốn “thâm hụt ngân sách” cho quảng cáo sản phẩm mới nên chị Cẩm Vân phải đến từng sự kiện kinh doanh để quảng bá sản phẩm của mình. Đi đâu chị cũng mang theo sản phẩm để có dịp là tranh thủ quảng cáo, như những người khởi nghiệp.

“Tính toán hợp lý, chắt chiu từng đồng. Khách hàng dù ít hơn trước, nhưng là khách lâu năm. Giữ được họ còn quý hơn tìm được nhiều khách hàng mới nhưng chỉ là khách vãng lai. Phải có doanh thu thì mới nuôi sống được doanh nghiệp” - chị Cẩm Vân chia sẻ.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Hawee vẫn nỗ lực với các hoạt động hướng về cộng đồng.  Trong ảnh: Hawee trao học bổng cho học sinh khó khăn tại Quảng Ngãi năm 2022-2023 - ẢNH: DIỄM TRANG
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Hawee vẫn nỗ lực với các hoạt động hướng về cộng đồng. Trong ảnh: Hawee trao học bổng cho học sinh khó khăn tại Quảng Ngãi năm 2022-2023 - Ảnh: Diễm Trang

Nỗ lực để ổn định đời sống nhân viên

Chị Lâm Thúy Ái - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Mebipha - cho biết, để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, ban giám đốc công ty đã phải tự giảm lương và cắt giảm chi phí phụ cấp công tác.

Dù thường xuyên đi công tác, nhưng chị Thúy Ái phải tự bỏ tiền túi. “Chúng tôi bám sứ mệnh và nhiệm vụ đặt ra từ ngày đầu thành lập công ty. Dù phải trải qua nhiều cơn sốc của thị trường nhưng công ty vẫn tuân thủ pháp luật và lấy con người làm trung tâm. Không có nhân sự nào phải mất việc từ khi dịch bệnh tới nay. Trong suốt thời gian qua, chúng tôi vẫn giữ nguyên mức lương, thưởng cho nhân viên, thậm chí chế độ tăng lương hằng năm cũng vẫn giữ nguyên” - chị Thúy Ái nói. 

Và để giữ nguyên lương, thưởng cho nhân viên, Mebipha phải xoay xở chật vật, như: cắt giảm chi phí hành chính, chuyển công việc giấy tờ sang trực tuyến, giảm chi phí marketing, tiết kiệm chi phí giới thiệu sản phẩm.

Ngoài ra, công ty cũng dùng quỹ để dành hằng năm, đàm phán để có giá nguyên liệu hợp lý. Nhờ áp dụng cùng lúc nhiều chính sách mà công ty không chỉ lo được cho nhân viên mà còn thực hiện được những cam kết với xã hội. 

Nữ doanh nhân Cẩm Vân giới thiệu món phở bò  nấu sâm - ẢNH: MỸ HUYỀN
Nữ doanh nhân Cẩm Vân giới thiệu món phở bò nấu sâm - Ảnh: Mỹ Huyền

Doanh nghiệp phải giữ được doanh thu để cân bằng chi phí đầu tư. Để cân bằng, Công ty cổ phần Bột - Thực phẩm Tài Ký (TaikyFood) - một công ty có thế mạnh ở thị trường xuất khẩu - đã phải quay về đầu tư vào thị trường nội địa khi xuất khẩu đang gặp khó khăn, không thể mở rộng thị trường.

“Khi thị trường nước ngoài chưa mở rộng được, chúng tôi trở về với khách hàng truyền thống bằng cách đẩy mạnh marketing thị trường trong nước. Công ty rất mong được các ban ngành hỗ trợ tham gia các chương trình thương mại trong nước nhiều hơn để thu hút khách hàng. Ngoài ra công ty cũng rất mong được kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu để có thể mang các thương hiệu bánh của TaikyFood đến với kiều bào nước ngoài” - chị Trần Thùy Dương - Phó giám đốc TaikyFood - mong mỏi.

Hội Nữ doanh nhân TPHCM (Hawee): Đồng hành, hỗ trợ nữ doanh nhân cùng tiến bước

Trong chương trình Hawee Connect do Hội Nữ doanh nhân TPHCM (Hawee) cùng Câu lạc bộ Các giám đốc Sales & Marketing Việt Nam (CSMO) tổ chức vào tháng Bảy vừa qua, các chuyên gia đã trao đổi những phương pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp từ việc lắng nghe đến phục vụ tận tâm nhằm đáp ứng nhu cầu tốt nhất cho khách hàng. 

Đây là kỳ thứ tư Hawee tổ chức chương trình trong chuỗi sự kiện Hawee Connect - xây dựng kênh cho các doanh nhân cùng giao lưu, có cơ hội học hỏi và phát triển cùng nhau. Nội dung mỗi kỳ đều được lựa chọn theo nhu cầu thực tế - những khó khăn, thuận lợi mà nữ doanh nhân đang gặp phải. 

Trong những tháng tiếp theo, Hawee sẽ tiếp tục nâng chất chuỗi sự kiện này gắn với các chủ đề như: hùn mà không hạp, xây dựng đội ngũ, thương thuyết tạo ảnh hưởng. 

Ngoài chuỗi sự kiện trên, để đồng hành, hỗ trợ nữ doanh nhân cùng tiến bước, từ đầu năm đến nay, Hawee luôn tìm cơ hội để giúp hội viên tham gia các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế, tổ chức diễn đàn. 

 

Diễm Trang 

Dù khó khăn vẫn nỗ lực vì cộng đồng

Theo đại diện lãnh đạo Hawee, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ nhau để cùng phát triển, các nữ doanh nhân ở TPHCM luôn chú trọng các hoạt động hỗ trợ cộng đồng.

Hawee hiện nhận đỡ đầu 30 trẻ em mồ côi do dịch COVID-19, mỗi suất 18 triệu đồng/năm, kéo dài trong 3 năm. Năm nay, hội phối hợp thực hiện chương trình khám bệnh, tặng quà cho phụ nữ và trẻ em, tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp… với tổng kinh phí trên 1,5 tỉ đồng.

Trong 8 năm hoạt động (từ 2015 đến 2023), hội đã dành 100 tỉ đồng cho những hoạt động cộng đồng xã hội và từ thiện trong 8 năm qua. Chỉ tính riêng những thời điểm đặc biệt như đại dịch COVID-19, Hawee đã đóng góp và vận động ủng hộ tiền mặt cùng hàng hóa hơn 75 tỉ đồng.

Hawee cũng ghi dấu ấn khi tổ chức và phối hợp tổ chức thành công hơn 200 chương trình, diễn đàn có nội dung đa dạng và hấp dẫn nên đã thu hút gần 20.000 lượt người trong và ngoài hội tham dự. Ngoài ra, hoạt động kết nối giao thương với hơn 40 hội nữ doanh nhân, hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh, thành phố khắp cả nước; với các tổ chức - hiệp hội doanh nhân nước ngoài.

Song An

 

Mỹ Huyền

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI