Quan tâm đặc biệt công tác chữa cháy tại chỗ

18/01/2024 - 06:25

PNO - Lực lượng chữa cháy tại chỗ có đủ khả năng dập tắt vụ cháy ngay từ đầu, kéo giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất nếu được đào tạo, tập huấn tốt.

Rạng sáng 15/1, ở TP Hà Nội, đã xảy ra vụ cháy nhà khiến 4 người tử vong. Trước đó 1 ngày, ở TPHCM, 1 căn nhà 3 tầng cũng bị lửa thiêu rụi. Đang giữa mùa khô nên số vụ cháy nhiều hơn, mật độ dày hơn. 

Lực lượng chức năng diễn tập phòng cháy chữa cháy tại điểm sơ chế thực phẩm của Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền - Ảnh: S.V.
Lực lượng chức năng diễn tập phòng cháy chữa cháy tại điểm sơ chế thực phẩm của Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền - Ảnh: S.V.

Năm 2023, cả nước xảy ra 3.440 vụ cháy, làm chết 146 người, bị thương 109 người, thiệt hại về tài sản khoảng 878 tỉ đồng. Riêng ở TPHCM, trong năm 2023, xảy ra 493 vụ cháy làm chết 11 người, bị thương 12 người, tài sản thiệt hại ước tính hơn 8 tỉ đồng. 

Cả nước hiện có 1.738 chợ truyền thống, trong đó có 1.260 chợ kiên cố, 375 chợ bán kiên cố và 103 chợ tạm. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các chợ truyền thống thường có diện tích lớn, bố trí nhiều ki ốt, sạp hàng liền kề, kinh doanh các mặt hàng đa dạng và có nhiều loại hàng hóa dễ cháy, nổ. Từ năm 2021 đến hết tháng 11/2023, cả nước xảy ra 69 vụ cháy chợ, gây thiệt hại về tài sản ước tính trên 190 tỉ đồng; riêng trong 11 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 22 vụ cháy chợ, gây thiệt hại trên 70 tỉ đồng. Trong tháng 12/2023, những vụ cháy chợ gây thiệt hại lớn tiếp tục xảy ra.

Một cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PC07), Công an TPHCM cho biết, cháy chợ thường gây thiệt hại rất cao về tài sản, khiến hoạt động kinh doanh của tiểu thương bị đình trệ, tác động xấu đến an sinh xã hội. 

Một vụ cháy chợ có thể khiến hàng trăm, hàng ngàn gia đình khốn đốn. Thế nhưng, nhiều tiểu thương lại chủ quan, lơ là việc phòng cháy, chữa cháy ở chợ. Ở một số chợ cũ, hệ thống đường dây điện, thiết bị điện xuống cấp, nhiều tiểu thương còn tự ý đấu nối, câu móc dây, thiết bị điện nên rất dễ xảy ra chập, cháy. Theo thống kê, 70% vụ cháy chợ trong năm 2023 ở Việt Nam là do chập điện.

Không khó để ngăn ngừa hiểm họa cháy, nổ do sự cố điện ở các chợ. Để ngăn ngừa, ban quản lý các chợ chỉ cần bố trí tách biệt hệ thống điện phục vụ kinh doanh, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống điện phục vụ thoát nạn và chữa cháy, đồng thời lắp đặt thiết bị bảo vệ (áp-tô-mát) cho toàn bộ hệ thống điện. 

Về chữa cháy, nhất thiết phải xây dựng lực lượng chữa cháy tại chỗ thạo việc để sẵn sàng xử lý khi có cháy, nổ. “Thời gian vàng” để chữa cháy tại chỗ, không để cháy lan là dưới 5 phút kể từ khi xảy ra cháy. Do vậy, nếu cứ trông chờ vào lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp của ngành công an thì sẽ bỏ lỡ khoảng thời gian quý báu này.

Lực lượng chữa cháy tại chỗ có đủ khả năng dập tắt vụ cháy ngay từ đầu, kéo giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất nếu được đào tạo, tập huấn tốt. Thực tế ở TPHCM cho thấy, 5 năm qua, lực lượng tại chỗ đã xử lý thành công khoảng 1.360 vụ cháy, chiếm 63% tổng số vụ. 

Để nâng cao năng lực cho lực lượng chữa cháy tại chỗ, các cơ sở cần đầu tư đủ các trang thiết bị cần thiết, mời cơ quan chuyên môn đến tập huấn việc sử dụng chúng một cách nhuần nhuyễn và cũng cần có chế độ, chính sách để thu hút người tham gia lực lượng chữa cháy tại chỗ. 

Phòng cháy bao giờ cũng quan trọng và cần được hết sức quan tâm. Việc phòng cháy, chữa cháy sẽ đạt hiệu quả tối ưu nếu có sự đồng hành, tham gia của toàn dân. Do đó, mỗi người dân phải tự trang bị cho mình các kiến thức cơ bản về phòng cháy và chữa cháy, chấp hành nghiêm nội quy, quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Sơn Vinh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI