Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em: Truyền thông rất nhiều nhưng chưa... tới!

19/03/2021 - 07:27

PNO - “Hội Phụ nữ và các ban ngành đoàn thể đã truyền thông rất nhiều nhưng chưa... tới!“ - ông Trịnh Hoàng Nam, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Q.6 - thẳng thắn tại buổi tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” tại Q.6 vào sáng 17/3 vừa qua.

Tắm rửa sạch sẽ rồi mới đi tố cáo!

Bà Lê Thị Kim Thủy, Phó chủ tịch Hội LHPN Q.6, chua xót kể về một vụ bé gái chưa đầy sáu tuổi bị gã hàng xóm xâm hại nhưng phải kéo dài thời gian điều tra vì bị mất chứng cứ. Khi phát hiện con gái bị người hàng xóm lợi dụng, người mẹ đã hoảng loạn. Thay vì đưa con đến ngay công an phường, hoặc điện thoại cho các cơ quan chức năng, thì người mẹ lại tắm rửa cho cháu, giặt giũ bộ quần áo cháu mặc khi bị xâm hại xong rồi mới đưa con đi. Sự thiếu hiểu biết ấy đã làm cho cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác điều tra.

Bà Thủy nói: “Nghe lại trình tự bảo vệ con của những người cha, người mẹ mà phát ức. Chuyện làm mất chứng cứ cứ như chuyện bình thường trong hầu hết các vụ xâm hại trẻ em. Có bé mang thai gần đến ngày sinh gia đình mới hay. Có bé bị xâm hại nhiều lần đến học hành sa sút, cha mẹ cũng không hay”.  

Theo báo cáo, từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn Q.6 xảy ra năm vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong đó có một bé dưới sáu tuổi. Đáng chú ý thủ phạm đều là người có mối quan hệ quen biết với nạn nhân (là hàng xóm, họ hàng, thậm chí là người thân trong gia đình). Hiện đã khởi tố ba vụ, một vụ thủ phạm bỏ trốn, một vụ chưa đủ chứng cứ.

Theo báo cáo, trong hai năm, từ 2019-2021, Q.6 có năm vụ xâm hại tình dục trẻ em,  nhưng các đại biểu cho rằng con số này chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”
Theo báo cáo, trong hai năm, từ 2019-2021, Q.6 có năm vụ xâm hại tình dục trẻ em, nhưng các đại biểu cho rằng con số này chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Trịnh Hoàng Nam cho rằng, sự thiếu thông tin, thiếu hiểu biết của các bậc phụ huynh và cả nạn nhân đã vô tình đẩy khó cho cơ quan chức năng; cũng vô tình gây “hàm oan” cho cảnh sát điều tra. Nhất trí quan điểm này, ông Lê Anh Tuấn - Đội phó Đội Cảnh sát điều tra, Công an Q.6 - nói: “Không một điều tra viên, kiểm sát viên nào muốn bỏ lọt người, lọt tội trong các vụ xâm hại trẻ em. Trẻ đã bị dụ dỗ quan hệ với người khác giới trong một thời gian, thậm chí là nhiều lần, vậy mà người thân hoàn toàn không hay biết. Khi tố cáo, hầu hết đều rất muộn màng. Đã thế, nạn nhân và người thân lại tự xóa hết dấu chứng cứ! Ngoài việc thiếu hiểu biết làm mất chứng cứ, hoặc chứng cứ, lời khai mơ hồ (do sự việc qua quá lâu), vấn đề còn là chính nạn nhân, người thân các cháu cố tình che giấu vụ việc, tiếp tay con kẻ phạm tội”.

Tuyên truyền cần vừa rộng, vừa sâu, theo nhóm

Vì “truyền thông rất nhiều nhưng chưa “tới!” nên ông Trịnh Hoàng Nam đề nghị Hội Phụ nữ cùng các ban ngành, đoàn thể cần xem lại công tác phòng ngừa đấu tranh tội phạm bạo lực, xâm hại trẻ em. Theo tôi, Hội phụ nữ không chỉ có vai trò giám sát những vụ việc, vụ án xảy ra trên địa bàn mà các chị cần phải tuyên truyền để phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em. Nạn nhân của năm vụ xâm hại được phát hiện ở Q.6 đều là trẻ em gái, nhưng không phải không có nạn nhân là trẻ em trai. Công tác tuyên truyền của Hội cần phải đi trước, vừa rộng (cái này hiện các chị làm rất tốt) nhưng cũng cần chiều sâu, đi theo từng nhóm đối tượng. Mỗi nhóm đối tượng chúng ta lưu ý tuyên truyền việc phòng chống xâm hại trẻ em với cách thức khác nhau. Đơn cử, với nhóm những người kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, chúng ta hoàn toàn chưa tuyên truyền cho họ. Họ không biết (hoặc cũng có thể cố tình nói rằng mình không có thông tin!) việc cho trẻ em dưới 16 tuổi lưu trú có nguy cơ trẻ bị xâm hại tình dục. Nhiều khách sạn, nhà nghỉ không gắn camera quan sát, không xem chứng minh nhân dân, căn cước của người thuê phòng… Đây chính là một lỗ hổng trong quản lý nói chung nhưng ảnh hưởng không nhỏ khi tìm chứng cứ chứng minh tội phạm trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em. Tôi chỉ mong sao Hội tuyên truyền đến nhóm người làm việc và kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, khi thấy trẻ em dưới 16 tuổi vào nhà nghỉ mà có dấu hiệu nghi vấn (ví dụ như không đi cùng cha mẹ, có thái độ sợ sệt, hoang mang...) thì phải báo cho cơ quan công an nơi trú đóng để có thể kịp thời ngăn chặn tội phạm, tội ác...”.

Chia sẻ với ý kiến này, bà Lê Thị Thanh Nhã - nguyên Phó phòng Gia đình, Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM - cho rằng thời gian qua, Hội LHPN các cấp đã phối hợp rất tốt với các trường để truyền thông phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em. Thế nhưng có làm bao nhiêu vẫn là không đủ. Bởi người lớn nghe chuyện thì tâm tư, còn trẻ con, nghe đó rồi quên đó, chúng có để nỗi ưu tư, sự cảnh giác nào trong lòng đâu. Tuyên truyền cho trẻ phải mọi lúc mọi nơi, ở nhà, ở trường, nói đi rồi nhắc lại; chuyên gia nhắc, thầy cô dạy, cha mẹ thủ thỉ, dặn dò… Nhưng cũng cần chú ý, trẻ không chỉ bị xâm hại, bạo lực trực tiếp mà hoàn toàn có thể bị đầu độc tinh thần bằng nhiều hình thức gián tiếp khác nữa trên không gian mạng, trên các web đen, youtube…

Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh - Chủ tịch Hội LHPN P.13 - cũng cho rằng Hội cần thay đổi cách tuyên truyền trong lĩnh vực bảo vệ an toàn cho phụ nữ, trẻ em. Cần cả các ấn phẩm truyền thông, các cẩm nang, tờ rơi về nhà, về khu nhà trọ, sổ tay cho từng người… để khi xảy ra sự việc phải biết cách ứng phó. Bà Linh trăn trở: “Người ta nói xâm hại trẻ em, toàn nghi trẻ bị xâm hại tình dục mà quên rằng người lớn đánh chửi, gây áp lực tinh thần như ép học, đòi hỏi thành tích… cũng là hình thức xâm hại trẻ. Chính vì vậy, theo tôi con số thống kê với các vụ xâm hại trẻ vô cùng ít so với thực tế. Đã đến lúc chúng ta nhìn thẳng vào sự thật, rất nhiều trẻ em chưa được bảo vệ đến nơi, đến chốn; rất nhiều người lớn chưa biết mình đã và đang vô tình xâm hại trẻ”. 

Nghi Anh
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI