Phố thị ruổi rong vọng tình miệt thứ

19/06/2021 - 07:04

PNO - Như phù sa bồi lở miệt Cà Mau, thơ Khét trong Mình mắc cạn vào nhau gieo vào lòng người đọc những câu từ, ý tứ dung dị, chân phương mà bàng bạc nỗi niềm

Khét vốn dĩ là gã miệt thứ đúng điệu hào sảng như bất kỳ người con nào của xứ sông chín nhánh. Một thời gian, thi đàn xôn xao về một giọng thơ rặt miền Tây với sự kết hợp nhuần nhuyễn phương ngữ, âm điệu và khí chất thơ. Riêng bút danh Khét cũng khiến nhiều người tò mò bởi có mấy ai làm thơ mà để cái tên cà khịa như thói giỡn đời ngạo nghễ.

Không ai biết Khét, nhưng chất riêng từ những bài thơ được ký bút danh này thì chẳng lẫn vào đâu được. Cứ đọc dăm ba câu, người đọc sẽ bị cuốn lấy đến khó dứt. Thơ Khét khiến hồn ta cứ quẩn quanh với sóng nước phù sa, với câu hoài lang, điệu buồn vọng cổ. Tình đất, tình người, tình đời trong thơ Khét như sóng nước miệt thứ, vỗ nhẹ êm mà bời bời tâm can.  

Mãi gần đây, với giải nhì cuộc thi thơ đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 và giải khuyến khích cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ năm 2021, Khét mới được nhận diện. Anh chính là thầy giáo Trần Đức Tín, 30 tuổi, nhưng đã kịp “lận lưng” nhiều giải thưởng lớn về thơ, đã xuất bản tập thơ đầu tay Rồi mình cũng xa lạ nhau vào năm 2018. Gần ba năm sau, Tín (giờ là Khét) lại trình làng tập thơ Mình mắc cạn vào nhau.

Như phù sa bồi lở miệt Cà Mau, thơ Khét trong Mình mắc cạn vào nhau gieo vào lòng người đọc những câu từ, ý tứ dung dị, chân phương mà bàng bạc nỗi niềm. Dường như những ngày bôn ba thị thành đã cho Khét những lời thơ da diết:

“anh nhấn nhá mần chi chiều châu thổ 
thời gian thì có chờ đợi ai đâu 
nước dưới kinh có nước lớn nước ròng 
chớ ai biểu hẹn chi để ai lở bồi theo con nước…
***
mẹ rầy em: là con gái giữ nết na châu thổ 
không thương người mà phụ đất bỏ quê nghen! 
em trở về nghe chiều đứt mấy sợi dạ hoài lang 
đưa ngón tay đếm nuột dừa chái bếp 
tính tháng tính năm rồi tính mùa con nước nổi 
nghe điên điển mé sàn lãng trước nhà rụng nhòe cả mùa em
***
em xách cái giỏ trống không như lòng em trống 
bơi xuồng dìa đựng tiếng bìm bịp dưới kinh 
lòng nhắc lòng chiều nay con 
nước lớn châu thổ mùa này buồn như vọng cổ quê em”.

(Vọng cổ)

Lang bạt một mình giữa đô thành xa hoa, cái hào sảng phương Nam gặp phải thói đời bon chen, những đãi bôi phố thị lắm khi khiến lòng người thanh niên miệt thứ chênh vênh. Để rồi, Khét lại quay về cùng thơ. Mượn thơ để trải lòng.

Những đứa trẻ lạc đường 
đi hoang như chưa từng có mẹ 
thổi khúc tiêu dao, trâu mỏi mòn gặm nhấm 
thèm uống nửa trưa đồng nắng hạ, nứt nẻ chân đất soi bóng những hố bom 
con lia thia quẫy đuôi không trôi được nỗi buồn…

(Lạc)

Chẳng quá cao siêu; không dồn ý, thúc nhịp, ghép từ, thơ Khét cứ đôn hậu, hiền lành, đậm đà sắc vị đồng bưng. Thơ Khét có mỗi chữ thiệt: thiệt lòng, thiệt dạ, thiệt thà. Lâu lắm rồi thi đàn mới có một giọng thơ giữ gìn nét thô mộc mà tỏa rạng cái hồn của câu chữ như thế. 

“…Cà Mau không có lá me dài
chỉ ngăn ngắn để vừa đủ người dưng thương nhớ
tôi trở về ở độ ba mươi
mưa nắng xứ người đấp đởm
nhịp song lang hụt hơi mấy bận…

(Quê tôi ba mươi)

Đọc thơ Khét, giữa những ruổi rong thị thành, đôi khi lòng âm vọng những niềm riêng. Tập thơ như nói hộ tiếng lòng rất nhiều kẻ tha hương chọn phố phường đô hội để lập thân.

Trúc Thiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI