Núp bóng vay ngang hàng để “chém đẹp” khách

12/05/2022 - 06:06

PNO - Một số công ty lấy danh nghĩa cho vay ngang hàng (P2P lending) để chiếm đoạt vốn của nhà đầu tư hoặc cho vay với lãi suất “cắt cổ”.

Các điểm cầm đồ đua nhau cho vay 

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), công ty làm dịch vụ cho vay ngang hàng chỉ như một sàn giao dịch, đứng giữa kết nối người đi vay với người cho vay và thu phí. Tuy nhiên, trên thực tế, loại hình này đang bị biến tướng. Nhiều công ty mang danh nghĩa cho vay ngang hàng, đăng ký kinh doanh là công ty kết nối, tư vấn dịch vụ tài chính nhưng sau đó liên kết với một công ty làm dịch vụ cầm đồ, tạo ra các ứng dụng (app) hoặc trang web để cho vay với lãi suất cao.

Công ty TNHH Sofi Solutions đăng ký ngành nghề hoạt động là tư vấn quản lý, lập trình máy tính, dịch vụ công nghệ thông tin, nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận nhưng lại đang có website cho vay tiền trực tuyến là Findo.vn và app Findo. 

Nhiều người vay qua các ứng dụng bị tính phí và lãi suất rất cao, nếu thanh toán chậm sẽ liên tục bị nhắn tin đe dọa (ảnh do một số người vay cung cấp)
Nhiều người vay qua các ứng dụng bị tính phí và lãi suất rất cao, nếu thanh toán chậm sẽ liên tục bị nhắn tin đe dọa (ảnh do một số người vay cung cấp)

Trang này rao miễn phí khoản vay đầu tiên là 0% đến 30 ngày, sau đó áp dụng lãi suất 12 - 20%/năm. Tuy nhiên, theo phản ánh của anh H.A.T. - người vay qua ứng dụng Findo - khi vay 2,5 triệu đồng trong một tháng, tổng phí và lãi mà anh phải trả là 1,5 triệu đồng, tương đương 60%/tháng và 720%/năm. Khách vay phải thanh toán khoản vay cho chủ tài khoản là Công ty TNHH Fincap VN. Đây có thể là công ty đứng ra cho vay nhưng ngành nghề đăng ký là dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ dịch vụ tài chính, hoạt động dịch vụ liên quan đến cuộc gọi, bán lẻ ô tô và đồ gia dụng.

Tương tự, Công ty TNHH Bisiness Master có ngành nghề đăng ký kinh doanh là đại lý, môi giới, đấu giá, lập trình máy tính, tư vấn quản lý tài chính nhưng trên trang web tienoi.com.vn và app Tiền ơi, công ty này giới thiệu mình là đơn vị cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng online. 
Chị H.L. (TPHCM) cho hay, chị đăng ký vay 1 triệu đồng qua app Tiền ơi, sau hai tháng, số tiền phải thanh toán là 2.050.000 đồng, tức lãi suất 50%/tháng, tương đương 600%/năm. Được biết, khi đến hạn, khách vay phải thanh toán với tên tài khoản thụ hưởng là Công ty TNHH Nhựt Tân Thành Phát, có ngành nghề kinh doanh là dịch vụ cầm đồ, môi giới, đấu giá, buôn bán ô tô và máy tính. 

App Senmo quảng cáo cho vay với lãi suất 0% cho khoản vay đầu tiên, tức nếu khách vay 4 triệu đồng thì số tiền thanh toán là 4 triệu đồng. Tuy nhiên, anh T.P. (TPHCM) cho biết, ngày 14/4, anh đăng ký vay từ app Senmo 2 triệu đồng trong thời hạn một tháng. Đến ngày 14/5, tổng số tiền anh phải thanh toán là 3.160.000 đồng. Nếu không có tiền thanh toán, anh P. được quyền gia hạn đến năm ngày sau với phí gia hạn 220.000 đồng, gia hạn càng lâu thì số tiền càng nhiều. Đơn vị thụ hưởng các khoản vay và lãi suất của khách hàng là Công ty TNHH Dịch vụ Phúc Lộc Thọ với ngành nghề kinh doanh chính là dịch vụ cầm đồ. 

Đằng sau nhiều trang web là nhiều app cho vay mà người vay khó biết rõ công ty đứng ra kết nối, cho vay là ai. Trang web m.vay6.com ghi địa chỉ giao dịch là số nhà ở đường Tú Mỡ, P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy, cam kết cho vay lãi suất chỉ 10 - 15%, không chi phí, nhưng khi khách hàng đăng ký vào đây thì được kết nối vay từ các app ODong, ADong, TiVay, FDong, HVay với lãi suất “cắt cổ”. 

Chẳng hạn, nếu vay từ app Odong và TiVay 3 triệu đồng trong bảy ngày thì lãi suất mỗi ngày là 14.000 đồng, phí dịch vụ là 1.986.000 đồng. Nếu vay từ app ADong, FDong, HVay 1,1 triệu đồng trong bảy ngày thì lãi suất là 5.600 đồng/ngày và phí dịch vụ là 894.400 đồng. 

Lách luật để cho vay nặng lãi 

Các công ty cho vay ngang hàng đúng nghĩa đều sử dụng công nghệ big data, blockchain nên toàn bộ hoạt động vay, trả lãi đều được nền tảng trực tuyến ghi nhận và lưu trên các bảng điện tử để minh bạch hóa mọi thông tin về giao dịch, hợp đồng.

Tiến sĩ Lê Đạt Chí (Khoa Tài chính, Trường đại học Kinh tế TPHCM) nhận định, hình thức vay ngang hàng đã có mặt ở Việt Nam và Trung Quốc từ nhiều năm qua nhưng lại không có các công nghệ kể trên, không có hợp đồng thông minh mà chỉ do một công ty lập ra website, tạo ra các app rồi kết nối người cho vay và người đi vay. Phía sau các công ty này là các đơn vị, cá nhân có nguồn tiền không minh bạch hoặc tín dụng “đen”. Có không ít công ty lách luật bằng cách kết nối với một công ty khác của cùng một chủ và cho vay. 

Theo ông, để quản lý mô hình vay ngang hàng, NHNN cần quy định lại điều kiện hoạt động, ví dụ như quy mô vốn như thế nào, ký quỹ trong NHNN ra sao, tín chỉ cho vay ngang hàng phải dựa trên nền tảng công nghệ nào. Các nền tảng này phải có một bên nào đó đứng ra cung cấp, được công bố công khai để người có nhu cầu tiếp cận được, đồng thời phải được các bên liên quan - trong đó có NHNN - giám sát để tránh bị “sập” hoặc phá sản. 

Nguyên tắc vay ngang hàng là không gặp nhau trực tiếp nên cần có nền tảng để chủ nợ giám sát được người vay, cách thanh toán, có hợp đồng thông minh để đôi bên thỏa thuận. “Vay ngang hàng không phải là tạo app để mọi người rao bán nhu cầu của mình và app không phải là nền tảng của vay ngang hàng. Chỉ khi làm rõ mô hình vay ngang hàng, nhà quản lý mới có cơ sở dẹp bỏ các app cho vay nặng lãi trá hình này” - ông Lê Đạt Chí phân tích. 

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, thay vì chỉ làm trung gian kết nối, nhiều công ty còn đứng ra huy động vốn và cho vay tiền nhưng lại không cần xin phép hoạt động, hoặc không giới thiệu mà sử dụng tiệm cầm đồ làm công cụ để cho vay với lãi suất cao. 
Ông nói: “Trong giai đoạn thử nghiệm, các công ty tham gia hoạt động vay ngang hàng phải hoạt động đúng chức năng, tức chỉ kết nối bên vay và cho vay; phải có địa chỉ rõ ràng, có vốn điều lệ nhất định. Nếu quản lý tốt, với ưu điểm không cần tài sản thế chấp, có lãi suất hợp lý, thủ tục nhanh gọn, mô hình vay ngang hàng sẽ góp phần giảm bớt áp lực cho hệ thống tín dụng, giúp người đi vay tránh được các kênh tín dụng “đen”. 

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM - Luật Các tổ chức tín dụng không cho phép doanh nghiệp đứng ra cho vay và hoạt động như một tổ chức tín dụng. Việc các công ty làm dịch vụ cầm đồ đứng ra cho khách hàng vay tiền là trái quy định. 

Theo thông tin từ Bộ Công an, cả nước đang có khoảng 100 công ty cho vay ngang hàng, hoạt động biến tướng, không đúng bản chất của loại hình này. Các công ty này đang cấu kết với tiệm cầm đồ kinh doanh tài chính, bán dữ liệu, thông tin cá nhân người vay để quảng cáo, môi giới, tiếp thị theo hình thức cho vay nặng lãi truyền thống. Có công ty thu hút 14.000 tổ chức cá nhân tham gia làm bên cho vay và 1,5 triệu cá nhân tham gia với vai trò người vay chỉ sau ba năm hoạt động. 
Cơ quan công an đã lập hồ sơ về 51 tổ chức, công ty liên quan đến tín dụng “đen”, trong đó có 15 công ty của Việt Nam, bảy công ty của Trung Quốc, hai công ty của Singapore, một công ty của Mỹ và một công ty của Scotland, 25 công ty chưa xác định được nơi đặt trụ sở chính. Công an cũng đã lập danh sách theo dõi 25 website huy động vốn để cho vay với lãi suất cao, bắt giữ 114 đối tượng liên quan. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI