Nuôi con thành thiên tài: Đừng mơ, thiên tài không nhiều vậy đâu!

13/12/2019 - 07:50

PNO - Phụ huynh luôn mơ ước có thể nuôi nấng con trở thành những tài năng vượt trội ở một lĩnh vực nào đó. Thế nhưng, theo các chuyên gia, thiên tài hay thần đồng đều là “hàng hiếm”, không phải như… lá rụng mùa thu.

Mỗi đứa trẻ là “phiên bản” riêng, có thể không phải thiên tài nhưng là duy nhất, có tiềm năng trở thành chuyên gia trong lĩnh vực phù hợp là thông điệp mà các chuyên gia gửi gắm tới các bậc cha mẹ tại hội thảo “Không phải thiên tài, con là duy nhất” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Q.Gò Vấp và Viện Di truyền y học tổ chức ngày 12/12. 

Mẹ có phải mẹ người ta đâu mà đòi con phải như con người ta

Một phụ huynh có con đang học lớp Năm tâm sự, chị không biết phải làm sao khi con chị đã “bật” thẳng: “Mẹ có phải là mẹ người ta đâu mà đòi con phải như con người ta”. Câu chuyện khiến cả hội trường giật mình vì ai cũng đã từng làm điều không phải này với con mình.

Chị Huyền, ngụ tại P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM, chia sẻ: “Tôi cũng hay so sánh con mình với các bạn trong lớp. Mình không thể ngờ việc so sánh ấy lại khiến cho con trẻ khó chịu đến như vậy”.

Đành rằng tất cả các ông bố, bà mẹ khi so sánh con mình với con nhà người ta đều xuất phát từ mục đích muốn con mình tốt hơn, cố gắng hơn. Nhưng theo thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A, giảng viên Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM, việc so sánh như vậy là sai lầm, khiến trẻ bị tổn thương. 

Nuoi con thanh thien tai: Dung mo, thien tai khong nhieu vay dau!
Phụ huynh thắc mắc về những phương pháp dạy con tốt nhất hiện nay

Thạc sĩ Tô Nhi A cho biết, trong giáo dục có một biện pháp được gọi là nêu gương, cách dạy trẻ được khoa học công nhận nhưng với điều kiện phụ huynh phải nêu gương đúng cách. So sánh là một trong những biểu hiện của nêu gương nhưng so sánh con mình với con nhà người ta là sai. Khi đứa trẻ “trả treo” lại cha mẹ tức là đã bị tổn thương và muốn phản kháng trở lại.

Theo vị chuyên gia này, đứa trẻ bị so sánh sẽ thiếu sự tự tin vì chính cha mẹ đã không thừa nhận nó. Hơn nữa các hoạt động kết nối xã hội mà cụ thể là kết nối với bạn bè của trẻ sẽ rất tiêu cực. Trẻ sẽ ghét đứa bạn mà cha mẹ mình đem ra so sánh. 

Tai hại hơn, trẻ cũng không chấp nhận cha mẹ, vì trẻ nghĩ cha mẹ không thừa nhận mình. Từ đó, trẻ không chia sẻ vấn đề của mình với cha mẹ. Một là trẻ sẽ có xu hướng chống đối và bạo lực, hỗn láo, không nghe lời... Nếu trẻ không thể hiện những hành vi đó lên người khác mà lại hành động với chính mình thì sẽ dẫn đến stress, trầm cảm và tệ nhất là tự tử. 

Do đó, thạc sĩ Tô Nhi A khuyên phụ huynh thay vì so sánh thì nên tạo động lực cho con bằng cách nêu gương, kể ra hoàn cảnh, trường hợp cụ thể của “con nhà người ta” và cách “con nhà người ta” giải quyết tình huống hoặc hoàn cảnh của bạn ấy để con mình học hỏi thay vì chỉ so sánh kết quả.

Con bạn có phải là thiên tài tiềm ẩn?

Khi truyền thông đại chúng đang tung hê những “thần đồng” tính nhẩm, “thiên tài” ngoại ngữ… thì cũng là lúc nhiều cha mẹ đặt hy vọng đang nuôi nấng một “thiên tài” trong nhà.

Tại hội thảo, không ít phụ huynh trăn trở con mình chỉ giỏi vận động mà không giỏi toán, ngoại ngữ, thậm chí có em chẳng giỏi được môn nào… Điều này cũng dễ hiểu, bởi ở trường, một học sinh có điểm 10 thể dục sẽ rất hiếm cơ hội được tôn vinh trước cờ; một học sinh ngoan nhưng chỉ có học lực trung bình càng “chìm nghỉm” giữa đám bạn. Nhưng nếu con bạn “siêu” toán, lý, hóa, tiếng Anh, có thể “chinh chiến” giành huy chương ở các cuộc thi sẽ giúp trường thêm thành tích, cha mẹ “nở mày nở mặt”. 

Phụ huynh luôn mơ ước có thể nuôi nấng con trở thành những tài năng vượt trội ở một lĩnh vực nào đó. Thạc sĩ Tô Nhi A thừa nhận, ai cũng từng một lần mong muốn mình, con mình trở thành thiên tài. Thế nhưng, theo các chuyên gia, thiên tài hay thần đồng đều là “hàng hiếm”, không phải như… lá mùa thu.

Ở góc độ y học, bác sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Viện Di truyền y học, khẳng định: mỗi đứa trẻ có gen di truyền khác nhau nên sẽ có khả năng về thể chất, trí tuệ khác nhau. Các phụ huynh cần hiểu con mình để định hướng cho trẻ về học tập, rèn luyện... phù hợp nhất với chính năng khiếu của trẻ. Đừng bắt con mình phải giỏi như con nhà người ta. 

Theo bác sĩ Nguyên, phụ huynh thường quan niệm đứa trẻ thông minh là đứa trẻ có tư duy logic và toán học tốt. Điều này không đúng hoàn toàn, nó cũng chỉ là một loại khả năng. Có em sẽ có khả năng về thần kinh vận động, có em sẽ vượt trội khả năng ngôn ngữ… Cho nên, nếu con mình không có năng khiếu này cũng không hẳn là “ngu” hay dở, không nên ép buộc. Thay vào đó nên tìm ra năng khiếu riêng của con để phát triển. 

Vị chuyên gia này phân tích: “Có năng lực, nhân tài, thiên tài là những cấp độ biểu hiện năng lực khác nhau của con người từ thấp đến cao. Nó còn phụ thuộc vào sự nhìn nhận của người khác, của xã hội, của thế giới về năng lực đó. Đối với tôi, phân cấp này không quan trọng. Quan trọng là bạn có năng khiếu hay không và bạn có đang làm tốt nhất khả năng của mình không”. 

Một phụ huynh đặt câu hỏi: “Có thể nuôi dưỡng trẻ trở thành thiên tài được không?”. Thạc sĩ Tô Nhi A cho rằng, thiên tài cần có nhiều điều kiện. Cốt gen là cơ sở vật chất nhưng không có nghĩa cơ sở vật chất tốt là đủ. Đứa trẻ phải được khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển. Đứa trẻ phải tự nguyện theo đuổi quá trình trở thành thiên tài.

Một người chưa hẳn là thiên tài nhưng có dấu hiệu tài năng rất rõ là thủ thành số 1 Việt Nam hiện nay Đặng Văn Lâm. Cốt gen về năng lực vận động của thủ môn này cực tốt, hãy nhìn vào gia tộc nhà anh ấy trong lĩnh vực nghệ thuật múa Việt Nam. Nhưng năng khiếu đó chưa đủ, nếu không có quá trình dùi mài từ Nga qua lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai, đến câu lạc bộ Hải Phòng thì còn lâu mới có Lâm Tây hôm nay. Anh ấy đã chuyên tâm theo đuổi và có sự ủng hộ từ cha mẹ, được tạo điều kiện ở những lò đào tạo năng khiếu “chất” nhất. 

Theo thạc sĩ Tô Nhi A, đứa trẻ nào cũng chịu sự tác động giáo dục gia đình và môi trường. Có thể trở thành thiên tài hay không sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố. Có những yếu tố bạn không thể can thiệp được, chẳng hạn như cốt gen, nhưng có những yếu tố bạn phải chuẩn bị cho con điều kiện tốt nhất: tâm lý, tiến trình trưởng thành của đứa trẻ phải thuận lợi, không bị gián đoạn. Ở đó, tính luôn yếu tố vật chất mà đứa trẻ được thụ hưởng.

Nói như vậy không có nghĩa bắt cha mẹ phải gồng lên cho bằng cha mẹ khác, những thứ đơn giản như: bữa ăn, giấc ngủ, lịch trình sinh hoạt, môi trường giáo dục, lời nói ứng xử là phải làm tốt nhất. 

Khoa học chỉ hiểu 1%  chức năng gen của con người

Bác sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Viện Di truyền y học cho biết: nhìn nhận về hiện tượng thần đồng, xét ở góc độ khoa học, chúng ta biết bộ gen của mỗi người là yếu tố cơ bản nhất để quy định khuynh hướng phát triển của một người về mọi mặt thể chất cũng như tài năng. Tuy nhiên, hiện nay khoa học chỉ hiểu được khoảng 1% chức năng của bộ gen người. Đến nay, ba tố chất mà khoa học có thể xác định được bằng gen và có bằng chứng mạnh là: sức mạnh cơ bắp; khả năng học ngôn ngữ; tính cách như khuynh hướng hướng nội, hướng ngoại, mạnh mẽ hay nhạy cảm… 

Về khía cạnh năng khiếu khác như: trí thông minh logic, suy luận, năng khiếu về mỹ thuật, vận động hình thể... thì khoa học chưa xác định được gen nào ảnh hưởng. Các trường hợp có năng khiếu vượt trội như trong chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam thì càng chưa có đáp án.

Theo bác sĩ Nguyên, thần đồng là rất hiếm và biểu hiện năng khiếu cực kỳ vượt trội nên sẽ phát hiện được ngay. Do đó, hầu hết con mình không phải thần đồng. Mình không nên mơ ước cái gì không thể có. Tuy nhiên, con có những năng khiếu riêng và cha mẹ khuyến khích con theo đuổi những đam mê đó. Làm tốt điều mình thích sẽ hạnh phúc và cũng sẽ thành công. Ví dụ hoạt ngôn có thể thành người dẫn chương trình, thể chất giỏi có thể trở thành vận động viên…

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI