Nở rộ cộng tác viên bán thực phẩm online

24/08/2021 - 06:30

PNO - Trong thời gian giãn cách xã hội, hình thức bán hàng, nhất là thực phẩm nở rộ. Nhiều người tiêu dùng có thể thấy rất nhiều người quen của mình rao bán hàng trên mạng xã hội nhưng thật ra là chỉ có một số người bán hàng thực sự, phần lớn còn lại là cộng tác viên đăng tin, chốt đơn cho người bán để hưởng hoa hồng.

Rao bừa rồi… cười trừ 

Chị Thảo - ở Q.Phú Nhuận, TPHCM - kể, sau khi lớp yoga đóng cửa do giãn cách xã hội, giáo viên kiêm chủ cơ sở yoga nơi chị học tạo một nhóm (group) trên Zalo gồm hơn 100 học viên để vừa dạy yoga online, vừa đăng bán thực phẩm. Thấy cô giáo bán hàng, giá cả cũng phải chăng và giao tận nơi, một số học viên liền đặt mua ủng hộ. Chị Thảo cũng đặt mua hàng ba lần, lần nào cũng gặp “vấn đề”. Tìm hiểu, chị Thảo mới biết cô giáo chỉ làm cộng tác viên (CTV) đăng tin, gom đơn cho các mối hàng, hưởng hoa hồng chứ thực sự cô không trực tiếp nhập hàng về bán.

“Một nải chuối gần 5kg, giá hơn 100.000 đồng nhưng để qua một ngày thì hư thối hơn một nửa, nửa còn lại còn xanh. Cô rao bán trứng gà ta, giá 40.000 đồng/chục, cao hơn giá thị trường nhưng khi giao, trứng bé như trứng gà ác. Tôi đặt mua 1kg rau nhưng giao tới 2kg, trả đủ tiền 2kg nhưng mở ra thì thấy rau dập nát gần một nửa. Chỗ quen mình tin tưởng nên mua, nhưng quen quá lại ngại không dám trả hàng hay góp ý. Lướt Facebook, Zalo, tôi thấy mấy người tôi quen trước đây từng bán bảo hiểm, làm nhân viên ở trung tâm Anh ngữ, làm tóc gần nhà tôi cũng đăng quảng cáo bán thực phẩm. Phần lớn họ làm CTV đăng tin, chốt đơn chứ không trực tiếp bán hàng nên khi hàng có vấn đề, họ chỉ cười trừ cho qua” - chị Thảo than. 

Rất nhiều lời rao bán hàng online trên mạng nhưng thực chất là của các cộng tác viên, không phải của các chủ hàng thực sự
Rất nhiều lời rao bán hàng online trên mạng nhưng thực chất là của các cộng tác viên, không phải của các chủ hàng thực sự

Trên nhiều trang bán hàng online, chợ online theo quận, liên tục xuất hiện hình ảnh, thông tin hàng hóa kèm lời mời chào mua hàng hấp dẫn để khách tin tưởng, nhưng khi lướt qua hai, ba nơi, chúng tôi bắt gặp những hình ảnh rau củ, trái cây, thịt, cá, bánh và cả lời rao y chang nhau, từ nhiều người bán khác nhau. Hóa ra, họ làm CTV rao cho cùng một chủ hàng và chốt đơn, hưởng hoa hồng. 

Thấy tài khoản Facebook Huyen My đăng hình ảnh chuối sáp miền Tây, bắp tươi với hình ảnh bắt mắt, chúng tôi nhắn tin hỏi mua hàng thì người này báo “vừa hết hàng” rồi đưa ra bản danh sách gồm hàng chục món hàng khác mời mua, gồm trái cây, thịt heo, bò, gà, cá biển, cá đồng, lạp xưởng, chả lụa, bánh bao, xúc xích, viên thả lẩu, bánh pía, bánh bông lan, chè dưỡng nhan… Người này lúc đầu một mực khẳng định “hàng nhà em bán, đảm bảo chất lượng”, nhưng khi chúng tôi hỏi kỹ về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, người này đành thừa nhận chỉ là CTV bán hàng và thực sự “không rành về hàng hóa lắm”.

Chị Thu Hoa - ở đường Dương Quảng Hàm, Q.Gò Vấp, TPHCM, chuyên bán gà, vịt, đậu hũ, cua xay - cho biết, trước đây, chị bán hàng ở chợ An Nhơn, Q.Gò Vấp, giờ thì chị chuyển sang bán hàng online. Do không rành về mạng nên chị tìm CTV bán hàng. Nhiều người trẻ trong xóm nhận đăng thông tin, hình ảnh hàng hóa, nhận đơn khách rồi báo chị giao hàng. Chi phí trả cho CTV tùy vào số lượng đơn hàng và trị giá đơn hàng, trung bình mỗi người khoảng 200.000 - 300.000 đồng/ngày. Tận dụng CTV, chị nhập thêm rau củ, trái cây, hải sản về bán.

Chỉ lo chốt đơn, không chịu trách nhiệm

Khi dùng CTV, chủ hàng có thêm nhiều khách hàng, đơn hàng hơn, các CTV cũng có thêm việc làm, thu nhập. Tuy nhiên khi gặp vấn đề với chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng (NTD) không biết kêu ai.

Chị Thu Hoa cho biết, phần lớn CTV chỉ lo tiếp cận nhiều khách hàng, chốt nhiều đơn để tăng thu nhập, còn hàng hóa thế nào thì CTV không biết. Người bán có đạo đức thì lo đảm bảo chất lượng hàng hóa cho khách, còn người bán nào chỉ biết lợi nhuận thì khách chịu thiệt. 

Công việc đơn giản, có thêm nguồn thu nhập nên cùng lúc, một người có thể nhận làm CTV cho nhiều đầu mối bán hàng, bán từ thực phẩm đến đồ gia dụng, khẩu trang, thiết bị y tế, thực phẩm chức năng, đồng hồ, mắt kính… Ban đầu, đa số khách mua chủ yếu để ủng hộ người quen nhưng càng về sau, thấy họ đăng bán càng nhiều sản phẩm, người mua tinh ý nhận ra họ chỉ là CTV hưởng hoa hồng chứ không phải bán hàng của mình.

Theo luật gia Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TPHCM - trong thời gian giãn cách xã hội, có nhiều cá nhân tham gia vào các nhóm cư dân online, làm trung gian giới thiệu đủ món hàng hoặc khi có người đăng lên nhóm cần mua cá, thịt, trứng, hành… liền có người vào nhận “có hàng” rồi chốt đơn nhưng sau đó họ đưa đơn về cho nguồn hàng hoặc đi mua chỗ khác về bán lại kiếm lời. Vì vậy, đã xảy ra tình trạng cùng một người bán hàng nhưng lúc thì bán cá tươi, cân đủ nhưng khi lại bán thịt ôi, cân thiếu, khách mua loại cá này lại giao loại cá khác. 

Luật gia Phan Thị Việt Thu lưu ý, khi mua hàng qua mạng, dù mua từ “chính chủ” hay CTV, NTD cũng nên biết rõ người bán là ai, ở đâu và họ phải cam kết đảm bảo chất lượng hàng hóa, cho phép đổi, trả khi hàng có vấn đề. Nếu người bán không cam kết trách nhiệm thì NTD không nên mua. NTD chỉ có thể khiếu nại khi bên bán có đăng ký kinh doanh, còn những trường hợp mua qua mạng từ cá nhân không đăng ký kinh doanh thì không xử lý được. Nếu không biết cả người bán và chủ hàng là ai mà vẫn mua hàng thì NTD phải chấp nhận rủi ro. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI