Những người vun trồng tương lai

15/11/2021 - 06:52

PNO - Ngày 13/11, Hội LHPN TP.HCM tổ chức tuyên dương cán bộ Hội cơ sở giỏi, phụ nữ tiêu biểu nhiệm kỳ 2016 - 2021 và những điển hình trong phòng, chống dịch.

Có 114 tấm gương được tuyên dương. Ở họ, chúng ta có thể nhìn thấy một điểm chung là tấm lòng yêu thương, trách nhiệm và trái tim trăn trở với thế hệ kế thừa.

1. “Có những điều trong cuộc đời mình muốn nhớ hoài, nhưng cũng có những điều mình không muốn nhớ” - bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - mở đầu cuộc trò chuyện bằng những dấu mốc trong cuộc đời mình. Ngày 1/7/2015, bác sĩ Tuyết được điều động từ Bệnh viện Từ Dũ sang Bệnh viện Hùng Vương trong điều kiện khủng hoảng nhân lực. Bỡ ngỡ với môi trường làm việc mới còn nhiều khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế và một “đầu tàu” như bà chưa biết phải bắt đầu từ đâu, bà từng nhiều lần bật khóc. Sau một thời gian, bà xác định “chất keo” gắn kết hoạt động của tất cả các nguồn lực bệnh viện là điều còn thiếu, nên đã bắt tay xây dựng. Và chỉ trong 5 năm, đến năm 2020, Bệnh viện Hùng Vương đã được Sở Y tế đánh giá hạng nhất trong 110 bệnh viện tại thành phố. “Chỉ cần có mục tiêu và quyết tâm, chúng ta sẽ làm được” - bác sĩ Tuyết khẳng định.

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết (phải) - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - cùng mạnh thường quân thăm những trẻ sơ sinh cách ly mẹ bị nhiễm COVID-19 tại Trung tâm H.O.P.E. - ẢNH: TAM BÌNH
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết (phải) - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - cùng mạnh thường quân thăm những trẻ sơ sinh cách ly mẹ bị nhiễm COVID-19 tại Trung tâm H.O.P.E. - ẢNH: TAM BÌNH

Năm 2021, bác sĩ Diễm Tuyết cùng tập thể y, bác sĩ bệnh viện đã đi qua những tháng ngày khắc nghiệt nhất của thành phố - cũng là những điều bà “không muốn nhớ”. Quả là có quá nhiều khó khăn, nhất là về nhân sự, khi bệnh viện phải chia nguồn nhân lực của mình để chia sẻ khó khăn với ngành y tế. Đặc biệt, khi dịch bệnh lên cao trào, biến chủng Delta khiến trong vòng năm tháng, Bệnh viện Hùng Vương tiếp nhận hơn 2.000 thai phụ nhiễm COVID-19. “Có những ngày chúng tôi tiếp nhận 50 thai phụ nhiễm COVID-19 chuyển biến nặng, suy hô hấp rất nhanh. Tâm trạng các y, bác sĩ lúc đó rất căng thẳng. Mục tiêu của chúng tôi là cứu sống người bệnh, nhưng không thể chuyển viện. Trong khi Bệnh viện Hùng Vương chuyên về sản - phụ khoa, không phải một bệnh viện chuyên về bệnh lý phổi hay hồi sức. Chúng tôi hạ quyết tâm phải làm gì đó chứ không thể để bệnh nhân tử vong trước mặt mình” - bà nhớ lại. Và những điều bà cùng đội ngũ của mình đã làm là học, trang bị để thích ứng với tình hình dịch bệnh. Bệnh viện phải tách làm hai để một bên tiếp nhận thai phụ bình thường, một bên điều trị những thai phụ bị nhiễm COVID-19. 

Trong 157 ngày hết sức khốc liệt đó, trung tâm H.O.P.E. (Have Only Positive Expectation), còn gọi là "Trung tâm của những mầm non hy vọng" được bác sĩ Diễm Tuyết lên ý tưởng và thành lập để cách ly trẻ sơ sinh với mẹ nhiễm COVID-19 nhằm giảm tỷ lệ nhiễm bệnh cho trẻ. Với 100 giường bệnh tại Khoa Sơ sinh, chỉ trong hai ngày, giường không còn trống, bệnh viện phải kê thêm nôi, thêm giường, huy động hết lực lượng để chăm sóc trẻ. Nhưng mọi cố gắng cũng được chỉ được một tuần thì quá tải, bác sĩ Tuyết đã bàn với Hội LHPN Thành phố tuyển bảo mẫu để hỗ trợ các y, bác sĩ. Trung tâm H.O.P.E. với ý nghĩa và việc làm cao đẹp đã lay động lòng người, khiến nhiều người đã gác lại nỗi lo gia đình để tình nguyện vào bệnh viện hỗ trợ việc chăm sóc trẻ theo nguyên tắc “ba tại chỗ, hai ca ba kíp”. Và như tên gọi, trong thời điểm khắc nghiệt nhất (từ ngày 25/8 - 30/10), Trung tâm H.O.P.E. đã giúp 259 trẻ sơ sinh có mẹ bị  COVID-19 chào đời và phát triển một cách an toàn.

2. Những ngày này, Nguyễn La Bảo Nhi (học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4) đang tập trung học tập để chuẩn bị cho một trong những kỳ thi lớn nhất cuộc đời mình. Với Nhi, việc còn được đi học đến hôm nay như một giấc mơ, bởi bốn năm trước em đã chuẩn bị tinh thần để nghỉ học vì nhà nghèo, ba mất, mẹ bị ung thư, cuộc sống gia đình hết sức chật vật. 

Chị Lê Thị Ngọc Dung (bìa trái) - Chủ tịch Hội LHPN P.6, Q.4 - đã giúp đỡ và vận động nhiều người chăm lo thiết thực nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong những năm qua
Chị Lê Thị Ngọc Dung (bìa trái) - Chủ tịch Hội LHPN P.6, Q.4 - đã giúp đỡ và vận động nhiều người chăm lo thiết thực nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong những năm qua

Là Chủ tịch Hội LHPN P.6, Q.4, chị Lê Thị Ngọc Dung thấy không đành lòng để một đứa trẻ ham học, học giỏi như Bảo Nhi phải chịu thiệt thòi vì hoàn cảnh gia đình. “Các em là thế hệ kế thừa. Đất nước trong tương lai có phát triển hay không cũng từ những thế hệ kế thừa này. Nghĩ vậy nên tôi quyết tâm phải làm gì đó thật sự ý nghĩa, kêu gọi lực lượng trí thức, cán bộ hưu trí chung tay để các em không thất học, mất phương hướng tương lai vì hoàn cảnh khó khăn” - chị Ngọc Dung kể. Thế là mô hình “Trí thức góp sức giảm nghèo” được chị bắt tay thực hiện từ năm 2017 bằng cách kêu gọi tất cả các nguồn lực xã hội, đặc biệt là đối tượng trí thức và cán bộ hưu trí chung tay. Nhờ vậy mà ngoài được nhận học bổng khuyến học của phường, Bảo Nhi còn được một cán bộ hưu trí nhận hỗ trợ dụng cụ học tập và tiền học hằng tháng là 300.000 đồng cho đến khi em tốt nghiệp phổ thông. Ngoài ra, Hội LHPN P.6 còn giới thiệu em học tiếng Anh miễn phí. Một người hảo tâm còn tặng em xe đạp làm phương tiện đến trường.
Để “xóa đói giảm nghèo” một cách căn cơ, ngoài việc giúp các em, chị Ngọc Dung còn thông qua tổ chức Hội để giới thiệu việc làm thêm, tặng phương tiện sinh kế, giới thiệu vay vốn để gia đình các em có đủ điều kiện vươn lên cùng chăm lo thế hệ tương lai.

Trong những năm qua, mô hình “trí thức góp sức giảm nghèo” đã đồng hành xuyên suốt cùng nhiều hoàn cảnh khó khăn, giúp các em tiếp tục đến trường. Hàng trăm suất học bổng cũng được trao đi cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác. 

3. Trong mùa dịch vừa qua, người dân ở khu phố 2, P.Phú Thuận, Q.7 ngạc nhiên khi thấy các cô giáo, kể cả cô Hiệu trưởng Trường mầm non Minh Phú gần đó, trở thành shipper. Đội ngũ “đi chợ giúp dân” ấy có sáu người, phụ trách nhận đơn, mua hàng, chia hàng, giao hàng đến từng nhà dân. Có những ngày, hàng mua về không ưng ý lắm, nhưng bà con cũng vui vẻ nhận chứ không nỡ trách cứ các cô giáo. 

Trong gần hai tháng, tập thể cô giáo Chi hội Phụ nữ Mầm non Minh Phú đã đi chợ giúp 1.000 đơn hàng. Ngoài ra, cô Hiệu trưởng kiêm Chi hội trưởng Nguyễn Thị Thương còn vận động hai con cùng tham gia công việc tình nguyện. Cô Thương nói: “Qua mùa dịch, nhờ những hoạt động đi chợ giúp dân, hỗ trợ nuôi trẻ mồ côi, nấu cháo cho người già neo đơn, chúng tôi mới có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với công tác Hội, từ đó, cảm thấy gắn bó, gần gũi hơn với những người xung quanh. Đó còn là cơ hội để chúng tôi trang bị những gì mình còn thiếu”. 

Cô Nguyễn Thị Thương (đứng giữa) - Hiệu trưởng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Trường mầm non Minh Phú, P.Phú Thuận, Q.7 - mong muốn đưa hoạt động Hội vào chính bài học thường ngày cho trẻ mầm non
Cô Nguyễn Thị Thương (đứng giữa) - Hiệu trưởng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Trường mầm non Minh Phú, P.Phú Thuận, Q.7 - mong muốn đưa hoạt động Hội vào chính bài học thường ngày cho trẻ mầm non

Là người luôn trăn trở với thế hệ kế thừa, năm 2006 cô Thương từ bỏ nghiệp vụ du lịch để rẽ sang mở trường mầm non khi hai đứa con lần lượt ra đời. Nhờ vậy mà ngôi trường mầm non tư thục Minh Phú với quy mô 500m2 tại P.Phú Thuận, có khả năng tiếp nhận hơn 100 học sinh, luôn đầy ắp tiếng trẻ thơ trong suốt 15 năm qua.
Năm 2017, tập thể giáo viên Trường mầm non Minh Phú của cô Thương tham gia tổ chức Hội với 29 thành viên, bắt đầu từ những phong trào văn nghệ. Từ một nhà quản lý giáo dục, cô Thương dần trở thành một cán bộ Hội giỏi, năng động, tích cực và có tư duy trong mọi phong trào.

Chị Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch Hội LHPN P.Phú Thuận - cho biết Trường mầm non Minh Phú là một trong những chi hội đặc thù, bởi hoạt động phù hợp với chuyên môn, trong đó, cô Nguyễn Thị Thương là một cán bộ chủ chốt của ban thường vụ Hội LHPN P.Phú Thuận nhiệm kỳ mới. Có được sự tin tưởng đó là do từ những năm đầu tiên tham gia tổ chức, cô Thương đã hỗ trợ Hội rất nhiều trong công tác chăm lo những hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em, sẵn sàng miễn giảm 50% học phí đối với con công nhân không có điều kiện đến trường. 

Về hoạt động của chi hội mình, cô Thương cho biết, do đặc thù công việc, các thành viên không có nhiều thời gian để giao lưu bên ngoài như các chị em. Tuy nhiên, tất cả những phong trào thi đua của quận, của phường, Chi hội Mầm non Minh Phú đều tham gia bằng các hoạt động tại trường. Có thể kể đến như hoạt động dạy bé kỹ năng biết phân loại rác thải tại nguồn, tọa đàm “mẹ và bé”, những chuyên đề về kỹ năng giáo dục con trẻ. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI