Những chặng dừng chân của Bác trên đường cứu nước

17/05/2020 - 15:27

PNO - Trong hành trình 30 năm tìm đường cứu nước kể từ 5/6/1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân tại nhiều nơi trên thế giới. Một số trong đó vẫn còn lưu giữ hình bóng của Người cho đến ngày nay.

Anh

Tại Anh có một biển di tích gắn ở khách sạn Carlton, trung tâm London - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng làm thuê để kiếm sống và hoạt động vào cuối năm 1913. Nơi này ngày nay là trụ sở của Đại sứ quán New Zealand.

Biển di tích tại nơi từng là khách sạn Carleton mà chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc từng làm việc vào năm 1913.
Biển di tích tại nơi từng là khách sạn Carlton mà chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc làm việc vào năm 1913

Ngoài ra, tại khu vực cảng Newhaven, hạt Sussex, còn có một tấm bia được cho là đánh dấu nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu đặt chân lên đất Anh vào năm 1913. Đi cùng với đó là câu chuyện Bác từng làm việc trên chuyến phà nối Dieppe với Newhaven ngay sau Đại chiến Thế giới thứ nhất vào khoảng năm 1917, dù vẫn còn nhiều hoài nghi về thông tin này.

Tấm bia tưởng niệm ghi dấu hình ảnh của Bác tại cảng Newhaven, Anh.
Tấm bia ghi dấu sự hiện diện của Bác tại cảng Newhaven, Anh

Pháp

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 4 lần tới nước Pháp; đó là vào năm 1911, giai đoạn 1917-1923, năm 1927 và năm 1946. 

Trong đó, ngôi nhà số 9 ngõ Compoint, quận 17, thủ đô Paris là nơi Người ở và hoạt động cách mạng từ 1921-1923: tham gia sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa Pháp,  thành lập tờ báo Le Paria (Người cùng khổ), gửi Bản yêu sách tám điểm của nhân dân An Nam đến Hội nghị hòa bình Versailles...

Ngôi nhà số 9 ngõ Compoint nằm trong khu lao động nghèo, nơi Bác sinh sống và làm việc suốt nhiều năm.
Ngôi nhà số 9 ngõ Compoint nằm trong khu lao động nghèo, nơi Bác sinh sống và làm việc suốt nhiều năm

Nơi Bác ở là một căn phòng hẹp, có diện tích hơn 9m2 trên tầng hai của ngôi nhà ba tầng. Khoảng thời gian sống ở đây, bên cạnh việc mưu sinh bằng mọi nghề như thợ ảnh, vẽ gốm… Bác tập trung hoạt động tuyên truyền, cổ động phong trào yêu nước.

Nhiều nguồn tư liệu cho rằng, chính những ngày sống ở ngôi nhà số 9 ngõ Compoint, chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị và bắt đầu viết Bản án chế độ thực dân Pháp với những dòng chữ đanh thép tố cáo tội ác của thực dân Pháp (xuất bản năm 1925).

Ngôi nhà số 9 ngõ Compoint ở hiện tại.
Ngôi nhà số 9 ngõ Compoint hiện nay
Tấm biển di tích tại ngôi nhà số 9 ngõ Compoint được gắn lên lần đầu vào năm 1983 nhưng phải tạm thời gỡ xuống khi người chủ ngôi nhà quyết định xây dựng lại. Đến năm 1999, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và chính quyền thành phố Paris đã gắn tấm biển cũ lên căn nhà xây mới.
Tấm biển di tích tại ngôi nhà số 9 ngõ Compoint được gắn lên lần đầu vào năm 1983 

Trong những năm 1960, Hội những người Việt Nam ở Pháp đã thuê lại căn phòng và trưng bày nguyên vẹn di tích. Dù ngôi nhà đã bị phá dỡ để xây mới hai lần nhưng các kỷ vật về Bác vẫn được lưu giữ an toàn. Ngày 28/11/1999, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và chính quyền thành phố Paris đã gắn biển di tích tại ngôi nhà số 9 ngõ Compoint.  

Hiện phần lớn di vật từ căn phòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại số 9 ngõ Compoint (như cánh cửa, ván lót sàn, thẻ Đảng viên Đảng cộng sản Pháp của Bác…) đang được trưng bày tại "Không gian Hồ Chí Minh" thuộc bảo tàng Lịch sử đương đại ở thành phố Montreuil (cách Paris khoảng 15 km về phía Đông). Tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được dựng ngay trong khuôn viên bảo tàng.

Không gian Hồ Chí Minh thuộc bảo tàng Lịch sử đương đại ở thành phố Montreuil .
"Không gian Hồ Chí Minh" thuộc bảo tàng Lịch sử đương đại ở thành phố Montreuil 
Tấm biển ghi nhận hình ảnh anh hùng, danh nhân văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Không gian Hồ Chí Minh thuộc bảo tàng Lịch sử đương đại ở thành phố Montreuil .
Tấm biển tại "Không gian Hồ Chí Minh" thuộc bảo tàng Lịch sử đương đại ở thành phố Montreuil

Trung Quốc

Di tích lưu niệm Trụ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội tại căn nhà số 13 và 13/1  (nay là 248 - 250) đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc là địa danh gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng Châu trong giai đoạn 1924 - 1927.

Căn nhà số 13 là trụ sở của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Tại đây, Bác Hồ cũng chủ trì xuất bản một tờ báo bí mật được dùng làm cơ quan ngôn luận và đấu tranh của tổ chức này. Đó là tờ Thanh Niên.

Di tích lưu niệm Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại đường Văn Minh ngày nay.
Di tích lưu niệm Trụ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội tại đường Văn Minh ngày nay
Địa danh này là nơi Bác đào tạo cán bộ cách mạng Việt Nam, thông qua những bài giảng còn lưu trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”.
Địa danh này là nơi Bác đào tạo cán bộ cách mạng Việt Nam, thông qua những bài giảng còn lưu trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”

Tại đây, Nguyễn Ái Quốc đã mở ba lớp huấn luyện chính trị, đào tạo cán bộ cách mạng Việt Nam (tổng số 75 người). Những bài giảng của Người được tập hợp lại và xuất bản thành cuốn “Đường Kách mệnh”.

Địa chỉ được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá quốc gia Trung Quốc. Năm 2002, Chính quyền thành phố Quảng Châu đã đầu tư tu sửa và khánh thành vào ngày 30/4, nhân kỷ niệm 112 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, trong thời kỳ 1940 - 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ yếu hoạt động ở vùng biên giới Trung Quốc, trong đó có tỉnh Quảng Tây, nơi tiếp giáp với hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng của Việt Nam.

Căn nhà số 2-1 phố Liễu Thạch tại Liễu Châu, Quảng Tây là căn cứ quan trọng nơi Bác triển khai các hoạt động cách mạng từ tháng 9/1943 đến tháng 8/1944. Căn nhà hai tầng có kết cấu gạch gỗ kiểu Trung Quốc, được xây dựng vào năm 1930, với tên gọi cũ là nhà trọ Nam Dương. Sau khi được chính quyền Tưởng Giới Thạch trả tự do, Bác Hồ đã lưu trú tại căn phòng phía đông, tầng 2 của nhà trọ này.

Sau khi được chính quyền Tưởng Giới Thạch trả tự do, Bác Hồ đã lưu trú tại căn phòng phía đông, tầng 2 của nhà trọ Nam Dương ở Liễu Châu.
Sau khi được chính quyền Tưởng Giới Thạch trả tự do, Bác Hồ đã lưu trú tại căn phòng phía đông, tầng 2 của nhà trọ Nam Dương ở Liễu Châu
Di tích hiện là nơi trưng bày các hiện vật mà Bác từng sử dụng, cũng như phổ biến những thông tin về giai đoạn Bác hoạt động tại tỉnh Quảng Tây.
Di tích hiện là nơi trưng bày các hiện vật mà Bác từng sử dụng, cũng như phổ biến những thông tin về giai đoạn Bác hoạt động tại tỉnh Quảng Tây.

Năm 2006, Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố Nhà ở cũ của Hồ Chí Minh tại Liễu Châu là đơn vị bảo tàng trọng điểm toàn quốc. Tầng 2 của bảo tàng có trưng bày hình ảnh núi Bàn Long, bao gồm cửa hang và nhà tù trong hang, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh bị giam giữ từ ngày 9/12/1942 và một số đồ vật còn lại của Bác.

Hình ảnh cửa hang và nhà tù tại núi Bàn Long, nơi Bác Hồ bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam giữ.
Hình ảnh cửa hang và nhà tù tại núi Bàn Long, nơi Bác Hồ bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam giữ.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Tây còn khá nhiều khu di tích gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh như khách sạn Lạc Quần, Liễu Châu - nơi hoạt động cách mạng của các nhà lãnh đạo Việt Nam; nhà số 1 Hồng Lầu, Liễu Châu - nơi ở khi Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai; văn phòng Bát lộ quân trên đường Trung Sơn Bắc, thành phố Quế Lâm…

Nga

Theo một số sách và tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thành phố Vladivostok, vùng Viễn Đông Nga ba lần vào các năm 1924, 1927 và 1934.

Tuy nhiên, thông tin về việc Bác từng làm gì ở Vladivostok không nói rõ trong tư liệu để lại, lý do vì các chuyến đi được thực hiện theo chỉ thị bí mật của Quốc tế cộng sản, sang Trung Quốc qua Vladivostok và quay trở về Moscow.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thành phố Vladivostok.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thành phố Vladivostok

Dù vậy, không ai có thể phủ nhận dấu ấn của Người tại thành phố Vladivostok. Đây cũng là lý do chính quyền thành phố quyết định dựng Bia tưởng niệm dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nhà ga trung tâm vào năm 2009.

Đến năm 2019, hành phố Vladivostok tiếp tục khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình có chiều cao 2,3m, đặt tại vị trí trang trọng trong vườn hoa trên phố Borishenko.

Ngoài ra, tại Nga còn có một số di tích, địa điểm khác liên quan đến Bác như Quảng trường và Tượng đài Hồ Chí Minh tại thủ đô Moscow; đại lộ và tượng đài Hồ Chí Minh tại quận Zasviyazhski, thành phố Ulyanovsk; tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên của Trường đại học Tổng hợp quốc gia Saint Peterburg…

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thủ đô Moscow.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thủ đô Moscow

Linh La (tổng hợp)

 
TIN MỚI

news_is_not_ads=