Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021)

Những bóng hồng kể chuyện Nhà Bác Hồ

04/06/2021 - 07:15

PNO - Những người thuyết minh ở Nhà Bác Hồ trong suốt 30 năm qua đến với công việc bằng cơ duyên khác nhau nhưng có điểm chung là lòng kính yêu Bác Hồ. Các chị đã làm sống dậy ký ức, truyền đi huyền thoại một vĩ nhân, để lòng yêu kính Bác Hồ cứ vậy mà âm thầm lan tỏa…

 

Nhà Bác Hồ, nơi thầm lặng ghi dấu chân son 

Căn nhà số 1-2-3 Quai Testard, Chợ Lớn, nay là số 5 đường Châu Văn Liêm thuộc phường 14, quận 5, TPHCM là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở chín tháng trước khi Người rời cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Nay căn nhà nhỏ ấy được gọi bằng cái tên gần gũi: Nhà Bác Hồ.

Tên đầy đủ của Di tích số 5 Châu Văn Liêm là “Nơi đồng chí Nguyễn Tất Thành ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước”. Căn nhà xưa vốn là trụ sở của Liên Thành phân cuộc, một chi nhánh của Liên Thành thương quán (tiền thân của Nước mắm Liên Thành ngày nay). Liên Thành thương quán là một trong ba bộ phận, gồm Liên Thành thương quán, Liên Thành thư xã và Dục Thanh Học hiệu của Công ty Liên Thành - một tổ chức kinh doanh do sĩ phu yêu nước ở tỉnh Bình Thuận thành lập năm 1906, trụ sở chính tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Trường Dục Thanh là nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã dạy học trước khi vào Sài Gòn. Sau thời gian dạy học tại đây, vẫn trăn trở về con đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành quyết định rời Phan Thiết vào Sài Gòn. Ngày 19/9/1910, được sự giúp đỡ của tổ chức Liên Thành, Nguyễn Tất Thành đến Sài Gòn với giấy tờ mang tên Nguyễn Văn Ba, cùng đi có cụ Trương Gia Mô và Hồ Bá Tang - hai vị nhân sĩ nổi tiếng ở Nam bộ, và là thành viên Ban Quản trị Liên Thành thương quán. Nguyễn Văn Ba đã sống ở căn nhà số 1-2-3 Quai Testard Chợ Lớn (nay là số 1-3-5 Châu Văn Liêm) làm việc và chờ dịp ra nước ngoài. 

Ngày 5/6/1911, theo con tàu Amiral Latouche-Tréville, từ cảng Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm đường giải phóng đất nước giải phóng dân tộc. Vào thời điểm đó, không ai biết rằng vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với quyết định ra đi của một con người mà lịch sử đã chứng minh là sáng suốt, phi thường ấy.

110 năm trôi qua, mỗi khi nhắc đến hành trình tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành, chúng ta thường nhắc con tàu Amiral Latouche-Tréville và địa danh bến cảng Nhà Rồng, mà ít người nhớ rằng, trên con đường Châu Văn Liêm tấp nập, vẫn có một địa chỉ đỏ, ngôi nhà nơi Người sống và làm việc suốt chín tháng ròng - nay đã trở thành Di tích lịch sử cấp quốc gia - lặng lẽ nép mình ở một ngã tư, dễ dàng lẩn khuất giữa dòng chảy nhộn nhịp của lịch sử và đời sống thường nhật… 

Nghi Anh

Những người yêu kính Bác cứ tìm về…

Một buổi sáng đầu tháng Sáu, chị Trần Thị Quyên dậy sớm bởi cuộc hẹn với một nhóm quân nhân tham quan Nhà Bác Hồ. Gần 5 năm qua, việc thuyết minh cho khách tham quan Di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà Bác Hồ (số 5 Châu Văn Liêm, phường 14, quận 5, TPHCM) đã là chuyên môn của chị. Chị Quyên kể, trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội, khách đến thăm Nhà Bác Hồ không nhiều như mọi năm, nhưng vẫn đều đặn.

Chị Trần Thị Quyên thuyết minh cho du khách tham quan Nhà Bác Hồ ẢNH: TAM NGUYÊN
Chị Trần Thị Quyên thuyết minh cho du khách tham quan Nhà Bác Hồ - Ảnh: Tam Nguyên

Trước đây, mỗi đoàn tham quan di tích có đến vài chục đến cả trăm người một lúc. Chị và các đồng nghiệp phải chia thành hai, ba tốp mới có thể hướng dẫn du khách. Chị hồn nhiên: “Cứ nghĩ tình hình dịch bệnh, việc đi lại hạn chế sẽ không có khách đến thăm nhà Bác. Thế nhưng những người đăng ký tham quan Nhà Bác Hồ từ 19/5 đến nay vẫn rất nhiều, dù một lần tham quan, mỗi đoàn chỉ được tập trung năm đến bảy người”. 

Chị Quyên từng là sinh viên Trường đại học Văn hóa TPHCM. Trước khi tốt nghiệp, chị thực tập ở Trung tâm Văn hóa quận 5 - nơi quản lý Di tích lịch sử Nhà Bác Hồ - hơn ba tháng, và không ngờ đó là cơ duyên khiến chị gắn bó hơn 10 năm ở khu di tích lịch sử quốc gia này.

Chị kể: “Gần đến ngày tốt nghiệp, tôi đến thăm các cô chú, anh chị ở Trung tâm Văn hóa, thì được biết chị Phan Thị Như Tuyết, một trong hai thuyết minh viên từng hướng dẫn tôi thực tập, sắp định cư nước ngoài. Chị hỏi tôi có muốn làm công việc này không và tôi liền nhận lời. Ban đầu, tôi được bố trí phụ trách thuyết minh Di tích Trại giam Bệnh viện Chợ Quán, nơi giam giữ đồng chí Trần Phú, nguyên Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Năm 2017, tôi mới được điều về đây, đảm nhận công tác thuyết minh di tích này cho đến bây giờ…”.

Theo lời chị Đinh Thị Nguyệt, người tiền nhiệm của Quyên, nghỉ hưu từ năm 2017: “Nếu tính chuyên trách, thì đến Quyên là thế hệ thứ tư làm thuyết minh viên ở Nhà Bác Hồ. Còn những người từng làm thuyết minh ở địa chỉ đỏ này, kể ra không hết. Thú vị nhất là trong dàn thuyết minh viên ấy, chỉ thuần những bóng hồng”. 

Từ trong tim tiếng nói ra…

Chị Nguyệt kể một cách say sưa: “Di tích lịch sử Nhà Bác Hồ được công nhận cuối năm 1988, ban đầu được giao cho Đoàn Thanh niên quận 5 trông coi, sau giao Phòng Văn hóa Thông tin quận 5 rồi Trung tâm Văn hóa quận 5 quản lý. Khi đó, các anh chị mới nghĩ di tích này cần một thuyết minh viên.

Ban đầu cũng có vài người đảm nhận việc này, nhưng do thiếu chuyên nghiệp, thêm phần khách đến địa chỉ Nhà Bác Hồ chưa nhiều, nên việc thuyết minh chỉ là nhiệm vụ phụ của các nhân viên Phòng Nghiệp vụ - Văn hóa văn nghệ. Có lần chị Tôn Nữ Minh Nguyệt, khi đó đang phụ trách giới thiệu Di tích Trại giam Bệnh viện Chợ Quán, sang làm thuyết minh ở Nhà Bác Hồ, và bất ngờ được giữ lại làm việc. Từ lúc có chị Minh Nguyệt, thuyết minh cho di tích Nhà Bác Hồ mới chính thức được xem là một công việc thật sự”. 

Chị Minh Nguyệt đã đầu tư thời gian sưu tầm tư liệu, tìm đọc và tự bổ sung các kiến thức về cuộc đời, sự nghiệp Bác Hồ, để bài thuyết minh của mình ngày càng phong phú. Năm 2000, chị Minh Nguyệt thôi công tác, trung tâm lại điều chị Đinh Thị Nguyệt và chị Như Tuyết cùng choàng gánh công việc này. Cả hai chị khi ấy cũng đang là thuyết minh chính ở Di tích Trại giam Bệnh viện Chợ Quán, nên khi nhận việc đều khá lúng túng.

Chị Đinh Thị Nguyệt nhớ lại: “Công việc thuyết minh ở Nhà Bác Hồ tạo cho chúng tôi một áp lực không nhỏ. Bởi để kể câu chuyện cuộc đời Bác, đòi hỏi thuyết minh viên phải học hỏi không ngừng. Càng đọc, càng tìm hiểu về Bác, chúng tôi càng nhận rõ sự vĩ đại của Người, để rồi tự thấy mình vô cùng nhỏ bé. Mỗi lần tìm được một tư liệu hay, một câu chuyện mới, tôi và Như Tuyết kể cho nhau, mừng rơi nước mắt”.

Chị Đinh Thị Nguyệt: “Mỗi thuyết minh viên ở Nhà Bác Hồ không chỉ là người kể chuyện,  mà còn là nhà tổ chức, lên kế hoạch cho những hoạt động làm lan tỏa, truyền trao  lòng yêu kính vị Cha già của dân tộc Việt Nam”
Chị Đinh Thị Nguyệt: “Mỗi thuyết minh viên ở Nhà Bác Hồ không chỉ là người kể chuyện, mà còn là nhà tổ chức, lên kế hoạch cho những hoạt động làm lan tỏa, truyền trao lòng yêu kính vị Cha già của dân tộc Việt Nam”

Vì kính yêu và ngưỡng mộ Bác, hai cô thuyết minh viên Nhà Bác Hồ đã đề xuất rất nhiều ý tưởng và được hưởng ứng. Ông Nguyễn Hữu Sơn - nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa quận 5 - đã đồng tình sáng kiến của chị Nguyệt phối hợp Quận đoàn, ngành giáo dục tổ chức “Hành trình địa chỉ đỏ” mỗi dịp hè về, để thu hút học sinh, sinh viên và nhân dân cùng tìm đến Nhà Bác Hồ.

Sau mỗi dịp hè, số người biết đến Nhà Bác Hồ ở Sài Gòn, Di tích Trại giam Bệnh viện Chợ Quán không ngừng tăng lên… Khoảng ba năm sau, hai cô thuyết minh viên lại đề xuất Ban Giám đốc Trung tâm Văn hóa tổ chức hội thi “Thuyết minh viên không chuyên”, để vừa tôn vinh các giá trị văn hóa, lịch sử vùng đất, con người quận 5, vừa lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước, vừa tìm kiếm người “kế nhiệm” truyền cảm hứng ở các khu di tích văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật trên địa bàn quận nhà. 

Qua mỗi cuộc thi, hầu như đề tài thuyết minh về Nhà Bác Hồ ở Sài Gòn luôn là lựa chọn hàng đầu của các thí sinh. Chị Nguyệt kể: “Em nào lọt vào vòng trong, chúng tôi đều mừng cho các em, lại gửi thêm tài liệu, hướng dẫn các em thuyết minh tốt hơn. Như Tuyết thường nói với tụi nhỏ: “Kể về Bác là phải truyền tiếng nói, tri thức từ trái tim mình, mới thuyết phục được người nghe đồng cảm, yêu thương, kính phục…”. 

Suốt 30 năm qua, những thế hệ thuyết minh viên ở di tích Nhà Bác Hồ không chỉ là người kể câu chuyện lịch sử, mà còn lan tỏa tình thương và lòng yêu kính Bác.

Chị Quyên khẳng định: “Điều này không quá khó, bởi bản thân tình cảm này đã tồn tại trong mỗi người Việt Nam yêu nước. Có lần du khách nước ngoài hỏi tôi, có hay không “tín ngưỡng thờ Bác Hồ”?

Tôi kể họ nghe những tháng năm thơ ấu theo cha mẹ di cư từ miền Bắc vào Bình Phước, từng thấy nhà mình rồi mọi nhà xung quanh đều đặt trang trọng hình Bác bên trên bàn thờ gia tiên. Sinh nhật Bác, Quốc khánh, ít nhất mỗi nhà đều thắp nén hương với hoa và trái cây tưởng niệm Người. Khi trưởng thành, có dịp đi khắp mọi miền đất nước, tôi càng khẳng định tình yêu kính Bác đã ăn sâu trong cội rễ dân tộc này. Công việc của chúng tôi ở đây là tiếp thêm cho mọi người lòng yêu kính ấy”. 

Diễm Chi

 
TIN MỚI