Nhớ nhà may Sài Gòn

11/11/2017 - 07:53

PNO - Trước thập niên 1980, có lẽ phải thừa nhận rằng một phần mặt tiền Sài Gòn có được bộ mặt rực rỡ chính là nhờ các nhà may.

Anh vợ người bạn tôi, ở Paris từ trước năm 1975, vừa ly dị êm xuôi với bà vợ đầm nên đợt này về Sài Gòn với mục đích cưới vợ mới. Tất nhiên, để cố giữ vẻ thanh xuân, anh chỉ mặc quần jeans, áo sơ-mi tay cụt. Anh nhờ tôi: “Chú biết chỗ nào chuyên bán jean, dẫn tôi tới mua với”. Tôi có chút ngần ngại, tỏ ý từ chối: “Sài Gòn thì đồ jean không biên giới, có mới có cũ, có mua có lầm, dẫn anh đi tôi ngại”. Anh cười, vỗ vai tôi: “Cứ đi, cho biết”.

Nho nha may Sai Gon
Ông Lý Minh, chủ hiệu may Cao Minh, may vest cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh tư liệu

Tôi đưa anh đến một con hẻm trên đường Nguyễn Trãi - nơi có vài chục sạp bán đồ jean. Tôi đứng giữ xe, anh biến vào các cửa hàng. Chừng hai giờ thì anh quay ra, mặt mũi hớn hở vì tin rằng đã lựa được đồ xịn, giá rẻ. Anh mua một lúc năm cái quần jeans “Made in USA”… Tân Bình. Tôi biết anh lầm, nhưng nín khe.

Anh bảo: “Biết là không mặc vừa, nhưng rẻ quá nên cứ mua thôi. Chú biết chỗ nào sửa đồ, chở giúp tôi tới đó”. Tôi chỉ cho anh mấy cái bàn máy may kê gần đó, nhắc: “Anh muốn sửa gì cứ nói với họ. Nhớ trả giá nghe”. Chắc lại cũng kiểu “cho biết”, anh hỏi: “Như bây giờ tôi muốn bóp lưng, lên lai mấy cái quần này thì giá cỡ bao nhiêu?” và kinh ngạc kêu lên “Trời đất, rẻ vậy sao?” khi tôi bảo giá sửa đồ chỉ chừng vài chục ngàn một cái.

Sau năm giờ chiều, theo đường Nguyễn Trãi chúng tôi đi về hướng ngã sáu Sài Gòn. Hai bên đường, trong ánh đèn màu và tiếng nhạc pop, các shop thời trang treo kín quần áo may sẵn và nhộn nhịp nhất là cảnh mua bán áo quần đổ đống trên vỉa hè. Đồ “sida nhập khẩu”, “sida nội địa”, đồ giảm giá, đồ mới cắt chỉ… cứ thế đổ đống, bày ra như gò đồi, sông suối quần, áo. Có lẽ, trong suốt lịch sử thị trường đồ may mặc ở Việt Nam, chưa có thời kỳ nào mà quần áo lại “rẻ thúi” như vậy.

Nho nha may Sai Gon

Tiệm may Sài Gòn

 

Trước thập niên 1980, có lẽ phải thừa nhận rằng một phần mặt tiền Sài Gòn có được bộ mặt rực rỡ chính là nhờ các nhà may - từ đường Lê Thánh Tôn, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Duy Nguy, khu Cây Gõ, Đakao, Ông Tạ… Ngày nay, vẻ hào nhoáng của vô số nhà may lớn nhỏ ấy gần như đã biến mất.

May mắn lắm người ta mới tìm gặp vài bảng hiệu cũ kỹ, mang những dòng chữ tiếng Tây quen thuộc - Jim Tailor’s hoặc Yes’s tailor’s và hiếm hoi đến mức gợi nhớ là những bảng hiệu như “Nhà may Thúy chuyên áo dài raglan”, “Veston Vinh chuyên manteau - pardessus”.

Một lần, tôi kể cho anh bạn trẻ ở Hà Nội rằng đã có thời thanh niên Sài Gòn chiều cuối tuần diện vest đi dạo phố tán gái; riêng những ngày Sài Gòn được hưởng chút xíu mưa phùn gió bấc thì diện manteau, pardessus. Anh bạn trẻ không tin, tôi phải giải thích: “Mỗi thời, cách mặc có cái đẹp riêng, nhưng cái cảm giác diện bộ quần áo được bàn tay thợ lành nghề đo may là thứ cảm giác kiêu hãnh lạ lùng, bạn ạ”.

Ông L.V.D. - một doanh nhân khá thành đạt - khoe với bạn nhậu cái áo sơ-mi tay măng-sét màu vàng đất, vải kate silk, hàng may sẵn. Ông cho biết bà xã ông vừa mua được cả một lố hàng sale. Bạn ông doanh nhân, một nhà văn chuyên viết truyện con nít, nói: “Thành đạt cỡ ông mà mặc đồ may sẵn là không biết giữ thể diện”. Ông D. tự ái: “Có sao đâu! Vừa rồi tôi còn diện áo này đi họp hiệp hội các nhà quảng cáo ở Thái Lan”.

Nho nha may Sai Gon
Bộ phim Cô ba Sài Gòn tái hiện lại một Sài Gòn rực rỡ với nghề may đo áo dài

Con gái giáo sư H. hiện là chuyên viên cao cấp ở sàn giao dịch chứng khoán Sài Gòn. Khi cô được cử đi tu nghiệp ngắn ngày ở Singapore, ông giáo sư đề nghị con gái ra tiệm may vài bộ complet. Theo nếp nghĩ của một người trí thức từng trải như ông, con gái ông phải mặc những bộ trang phục sang trọng, đúng tầm vóc công việc và địa vị xã hội.

Ông có vẻ hơi “viển vông” khi ngại con ông nói riêng và người Việt nói chung bị “bọn ngoại quốc” cho là ăn mặc không đúng lễ tiết. Cô con gái chỉ cười, nói: “Bố lạc hậu rồi! Hàng hiệu may sẵn giờ sang cực kỳ, không chê vào đâu được. Đi may chi cho phí công”.

Các nhà may ở Sài Gòn có lẽ đã hoàn thành “nhiệm vụ lịch sử”, bị đẩy ra khỏi đời sống để chỉ còn là những cửa hiệu nho nhỏ, rải rác đó đây chờ ngày tàn lụi. Giờ là thời đại của các nhà thiết kế thời trang, các công ty may. Những người thợ may một thuở giờ thành thợ sửa đồ.

Nên nếu ai còn chút quyến luyến với những người thợ và với nghề may, xin nhẹ lời với những người ngày ngày ôm cái máy may cũ kỹ hiệu Sinco hoặc Phượng Hoàng ngồi ở góc chợ vỉa hè bên tấm bảng “nhận sửa đồ”. Nếu rộng lượng hơn, xin đừng trả giá khi đem đồ đến sửa và xin quên giúp cái câu tục ngữ bẽ bàng “Thợ may ăn vải...”. 

Nhìn những đống quần áo sáng sáng chiều chiều bày bán tràn ngập trên hè phố Sài Gòn. Ông T., người thợ sửa đồ già, nói: “Quần áo hàng mã làm ở Chợ Lớn người ta mua về cúng, đốt cho người chết có khi còn đắt tiền hơn ba cái thứ này”. Rồi ông kể: “Tôi trước đây là thợ chuyên nhận đồ của các tiệm may lớn về ráp ăn công, bây giờ chủ sập tiệm, mấy năm nay đành phải ra đây sửa đồ kiếm cơm”.


Trần Tiến Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI