Nhớ đi, nhớ lại…

03/02/2022 - 06:50

PNO - Cứ tết đến vợ tôi lại nói với con gái: “Để mẹ giữ tiền lì xì cho. Năm ngoái con được như vầy, năm trước được như vầy, chẳng mấy chốc con sẽ được như vầy, như vầy…”.

Con bé cười khúc khích nói: “Rồi con muốn mua gì thì mua phải không mẹ!”. Vợ tôi nói: “Tất nhiên rồi, đó là tài sản của con mà. Nhưng con có thiếu cái gì đâu mà mua. Mẹ giữ giùm, sau này lớn lên, con sẽ làm được khối việc từ số tiền này”.

Con bé lần nữa gật đầu lia lịa: “Mẹ có thể nhắc lại cho con nhớ, con có được bao nhiêu tiền không”. “À” - vợ tôi thầm thì - “Con được như vầy, như vầy…”.

Rồi hai mẹ con cười tươi như hoa, nghĩ đến tương lai. Nhưng tôi biết chắc cái tương lai đó rồi sẽ chẳng còn ai nhớ gì nữa, ngoài tôi.

Vào năm học lớp Một, vì con bé đã biết đếm số, nên phiên bản mùa xuân hơi khác một chút. Không còn hỏi con được bao nhiêu tiền, mà tự tổng kết luôn: “Con được 5.500.000 đồng”. “Giàu hơn mẹ rồi”, vợ tôi nói. Và sau đó lặp lại điệp khúc, để mẹ giữ tiền giùm cho. 

Con bé nói sẽ lấy một triệu đồng để làm “việc riêng”. Vợ tôi ngăn: “Lớp Một không thể cầm một triệu được, nhiều lắm”. 
“Nếu vậy thì con sẽ lấy 500.000 đồng” - con bé xụ mặt xuống.

Vì thời đại tân kỳ tân tiến văn minh, chúng tôi luôn sắm vai những ông bố bà mẹ thế hệ mới, đành phải xì ra 500.000 đồng cho con bé lớp Một, vẻ rất ư tôn trọng trẻ em. Nhưng hai vợ chồng sau đó không ngừng rình mò xem con bé làm gì với số tiền đó.

ảnh: Phạm Đoàn Phú
Ảnh: Phạm Đoàn Phú

Đó là khung cảnh mùng Ba của mùa xuân năm 2012. Sang đến mùng Năm, con bé đã quên “việc riêng” của mình.

Sở dĩ tôi hay nghĩ đến chuyện này khi con lớn lên, vì bởi trong tôi luôn ẩn chứa nỗi nhớ đó, nỗi nhớ khi thảng thốt nhận ra đứa trẻ ngày xưa rồi sẽ không còn là đứa trẻ bé bỏng.

Chúng tôi, hai vợ chồng, những công dân mẫn cán của thời đại làm việc trên máy tính, ngay cả hàng xóm, cũng như chúng tôi, một dạng mẫn cán khác, sống cạnh nhau nhưng muốn hỏi thăm nhau thì cũng chỉ Zalo với Viber.

Thời đại chúng tôi được trang bị hệ thống mạng xã hội dày đặc. Facebook hóng hớt nhân tình, Zalo sự đời tán dóc, rồi thì Instagram phô diễn hả hê vẻ kiều diễm lung linh của mỗi người. Nói chung, chúng tôi là mẫu hình đại diện cho một tầng lớp chẳng ra giàu mà cũng chẳng ra nghèo. Cứ bình bình dở dở ương ương, và cứ thế chúng tôi tồn tại.

Chúng tôi sống trong một ngõ nhỏ đa phần là dân tha phương, mới sáng đã thấy tụm năm tụm ba, phụ nữ không buồn trang điểm, đàn ông cởi trần gật gù bia bọt, đánh bài, ít thấy làm việc gì. Mọi kết giao bằng “miệng” chứ không phải bằng “máy”. Và điều đó đã tạo nên một “vẻ khác lạ chia cắt”. Lối sống con người định đoạt mối quan hệ của họ. Và tôi nghĩ có phần nghiệt ngã quá.

Đường vào nhà tôi qua nhà một cô gái hơi giống đàn ông. Thay vì đam mê điểm trang son phấn, cô uống rượu, hút thuốc và quen miệng chửi thề. Vui cũng chửi mà buồn cũng chửi. Một bữa vợ tôi nói: “Trời ơi, anh thấy hình xăm của cổ chưa. Nhìn phát chóng mặt”.

Tôi đã thấy mấy cái hình xăm đó rồi. Phải công nhận, nó làm tôi sợ. Hồi học đại học, mấy con nhỏ bạn cũng hay có hình xăm, nhưng thường thì chỉ xăm bông xăm hoa, xăm chữ tượng hình cho ngầu một tí, ít đứa nào dám xăm xương cá đầu lâu như vậy.

Tôi hay xã giao với cô gái khi đụng mặt ở lối đi bằng cách cười nhoẻn một cái, rồi mạnh ai nấy bước, tuyệt nhiên chẳng bao giờ thấy cô cười lại. Mặt lạnh như băng, con gái con đứa gì tay vồng lên những cơ với bắp, tôi sợ.

Ngược lại, ông bố cô vô cùng nho nhã. Dáng người mảnh khảnh, ông hay bắc ghế ngồi đọc báo gần lối ra vào. Bố con nhà họ một trời một vực, liên tục xung khắc, có hôm tôi nghe cô gái vừa chửi thề vừa than phiền vu vơ: “Đọc gì trỏng mà cứ mua báo hoài vậy? Nhà có mấy đồng bạc lấy mua cho kỳ hết thì lấy gì ăn?”.

Vì ông cụ hơi lẫn, nên tôi cứ phải khai đi khai lại tên mình. Mỗi lần đi ngang, ông cụ đều hỏi “cháu tên gì, nhà ở đâu, làm gì”. Hôm sau thấy tôi, ông lại hỏi tiếp.

Có lần con gái tôi nói, sao ông ấy hỏi tên ba hoài vậy. Tôi nói: “Sau này ba già, trí nhớ chắc cũng sẽ suy tàn như vậy. Rồi biết đâu đấy, ba cũng sẽ quên con. Ba cũng hỏi đi hỏi lại con về một thứ. Ba sẽ hỏi con là ai. Con làm gì. Con ăn cái gì. Điều đó có làm con bực mình không?”.

Cô con gái rượu ôm chặt lấy tôi, lắc đầu ngầy ngậy: “Làm sao mà ba quên con được, con không tin”. Tôi nói: “Ừ, có lẽ là vậy, làm sao ba có thể quên như vậy được!”. “Đúng rồi, chúng ta không thể quên nhau”, con gái cười.

Tôi hay nghĩ lung tung với cái đầu đễnh đãng, không biết ông cụ có thật sự đọc báo, còn nhớ mặt chữ? Hay chỉ cầm tờ báo cho vui.

Có bao nhiêu thông tin có thể nằm lại trong tuổi già yếu của chúng ta. Chúng ta có khả năng quên đi con cái của mình không? Hay chúng ta sẽ nhớ như in trăm tuổi đời mình. Và đó có phải là điều kinh khủng nhất không?

Năm nay cũng vậy, nghĩa là đã lùi xa quá nhiều năm trước - thời điểm con gái tôi thắc mắc về nỗi nhớ nhớ quên quên của ông cụ hàng xóm. Tôi đang xếp lại những ký ức của mình thì hay tin ông cụ mất. Ông đi một vòng quanh nhà, ăn bát cháo, vào giường nằm, rồi đi luôn, không kịp nhớ tuổi mình.

Vì ông cụ mất vào mùa dịch, nhà lại trong khu vực cách ly nên không có nhạc đám ma, không có kèn trống, không bạn bè, lối xóm. Mất lúc sáng thì lúc trưa xác đã được mang đi.

Cô gái không thể đưa tiễn cha, ngồi lọt thỏm góc nhà, lầm lầm lì lì, miệng cắn chặt điếu thuốc, trông thật dữ tợn. Mấy vệt xăm đầu lâu xương cá chằng chịt trên tay như thể đang nhe răng cười trong lúc cô chửi thề liên tục, vẻ mất kiểm soát.
Vì những cử chỉ bất thường ấy, tôi chợt nhận ra, cô đã yêu cha mình như thế nào, theo cái cách riêng biệt đó.

Trong hồi ký của Daniel Tammet, người được chọn là một trong “100 thiên tài đương đại” mắc phải hội chứng hiếm gặp, còn gọi là hội chứng bác học, một dạng tự kỷ, có một chuyện tôi nhớ mãi. Dù là trẻ tự kỷ nhưng Daniel Tammet lại có trí nhớ siêu phàm. Cậu có khả năng nhớ chính xác dãy 22.514 chữ số phía sau dấu phẩy của số Pi.

Với trí nhớ khổng lồ, cùng một lúc não bộ phải xử lý quá nhiều dữ liệu, Daniel Tammet đã không còn có thể làm điều gì khác ngoài nắm chặt trong tay một quả chuối tươi.

Chúng ta may mắn khi không phải là trẻ tự kỷ. Hay bất hạnh làm sao, chúng ta không được là đứa trẻ ấy là tùy theo cách trả lời về nỗi nhớ của mình như thế nào. Và trả lời theo cách đã “nhớ” hay cách đã “quên”?

Tôi nhớ Sài Gòn những năm “Tây ba-lô” đổ vào, một nỗi nhớ luôn nằm trong ký ức của tôi. Những năm tháng đó tôi chép tranh trên đường Bùi Viện. Thời điểm Việt Nam bắt đầu mở cửa đón luồng gió mới, không ít người cảm thấy mắc kẹt giữa hai nơi: một thế giới của Tây và một thế giới của ta, xoay xở thế nào cũng không trùng khớp.

Lúc bấy giờ buổi tối Sài Gòn cũng thật quê kệch. Đèn đuốc tù mù, đỏ xanh. Gái đẹp trên phố còn mặc đồ bộ. Tây uống nước suối, mặc quần đùi đi nhong dạo phố, trông ngồ ngộ. Người Sài Gòn vẫn duy trì uống nước nấu chín đun sôi đựng trong bình thủy. Phố Bùi Viện lác đác một hai tiệm chép tranh. Lần đầu tôi uống nước lọc đóng chai, cảm giác như có “mùi” Tây xộc lên mũi.

Đó là một dạng trí nhớ kỳ lạ như Daniel Tammet. Có thể quên nhiều thứ. Nhưng có một vài thứ không thể nào quên. Và một lần nữa nó lại làm tôi nhớ mỗi độ xuân về. 

Nguyễn Ngọc Thuần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI