Nhiều sản phẩm giảm cân của Việt Nam gây tai tiếng ở nước ngoài

26/04/2019 - 07:59

PNO - Không chỉ cấm lưu hành sản phẩm, chính phủ Hàn Quốc còn ra lệnh bắt 15 người trong đường dây buôn trà giảm cân Vy&Tea theo đường xách tay.

Mới đây, báo, đài Hàn Quốc đồng loạt nhắc đến sản phẩm trà giảm cân Vy&Tea do Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ - Thương mại Hà Vy (Havyco, đóng tại H.Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) sản xuất, chứa chất cấm sibutramine và phenolphtalein. Không chỉ cấm lưu hành sản phẩm, chính phủ Hàn Quốc còn ra lệnh bắt 15 người trong đường dây buôn trà này theo đường xách tay. 

Hàng loạt sản phẩm chứa chất cấm 

Trà thảo mộc giảm cân Vy&Tea xuất khẩu vào Hàn Quốc bị phát hiện chứa chất cấm sibutramine và phenolphtalein đầu tháng 3/2019. Ngay sau đó, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam đã gửi thông báo đến Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) về lô hàng trên. Cục An toàn thực phẩm đã lập đoàn thanh tra Công ty Hà Vy. Sau khi có kết quả thanh tra, cục đã ban hành quyết định tạm dừng lưu hành và thu hồi lô hàng trà thảo mộc Vy&Tea của Công ty Hà Vy. Tuy nhiên, sau đó, sản phẩm này vẫn tiếp tục được lưu hành trên thị trường và tuồn sang Hàn Quốc theo đường xách tay. Ngoài Hàn Quốc, Đài Loan cũng ban hành lệnh cấm đối với sản phẩm này. 

Nhieu san pham  giam can cua Viet Nam  gay tai tieng o nuoc ngoai
Báo chí Hàn Quốc đang đưa nhiều cảnh báo về sản phẩm giảm cân Vy&Tea

Một thương hiệu trà giảm cân khác là Golean Detox, do Công ty Matxi S.G (đóng tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) sản xuất, cũng gây nhiều tai tiếng tại nước ngoài do chứa chất cấm sibutramine và phenolphtalein. Tháng 7/2018, Cơ quan Khoa học y tế Singapore đã thu giữ và ban hành lệnh cấm đối với sản phẩm này. Đến giữa tháng 11/2018, Cục Hải quan Đài Loan đưa ra lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm này. Tháng 2/2019, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đưa sản phẩm này vào danh sách 200 sản phẩm giảm cân bị cấm lưu hành do chứa chất cấm. 

Trà giảm cân Cường Anh do Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Cường Anh Authentic (trụ sở tại Q.Hà Đông, TP.Hà Nội) cũng bị Cục Hải quan Đài Loan cấm nhập do chứa chất sibutramine. 

Nhiều người nhập viện sau khi dùng Golean Detox 

Mặc dù bị nhiều nước cấm nhập, thu giữ nhưng các loại trà này vẫn tiếp tục được rao bán tại Việt Nam, nhiều nhất là trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội. Golean Detox vẫn tiếp tục chiêu mộ đại lý, nhà phân phối và đại diện thương hiệu này còn mạnh miệng nói rằng, FDA đã sử dụng hàng giả để bôi nhọ họ. Vy&Tea cũng cho rằng sản phẩm của mình hiện đang bị làm giả tại nước ngoài rất nhiều. Sau đó các doanh nghiệp này tự ra mắt mẫu mới, vỏ hộp sản phẩm mới rồi khẳng định đó là hàng chính hãng, chất lượng đảm bảo, còn sản phẩm khác là hàng nhái. Nhờ chiêu trò này, hiện mạng lưới kinh doanh của các thương hiệu này vẫn vươn đi khắp nơi. 

Nhưng thực tế, trang web của FDA mới đây đã chính thức thông báo: phía Công ty Golean Detox USA đã tự thu hồi sản phẩm của mình trên toàn nước Mỹ. Điều này cho thấy sản phẩm Golean Detox thực sự chứa chất độc hại. FDA cũng đưa ra cảnh báo, khách hàng nào đang sử dụng các sản phẩm giảm cân nói chung, Golean Detox nói riêng chứa hai chất cấm trên thì không nên sử dụng. Nếu có các vấn đề nào về sức khỏe liên quan đến việc sử dụng sản phẩm có chất cấm này, nên đến gặp bác sĩ hoặc trung tâm y tế gần nhất. Các phản ứng phụ khi sử dụng sản phẩm Golean Detox nên được báo cáo lại với FDA qua trang web, bằng thư gửi bưu điện hoặc fax. 

Nhieu san pham  giam can cua Viet Nam  gay tai tieng o nuoc ngoai
Sản phẩm Golean Detox được quảng cáo rầm rộ trên các trang thương mại điện tử với nhãn mác mới và cho rằng “đạt chất lượng”

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ - công tác tại Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia City of Hope (California, Hoa Kỳ), cố vấn khoa học Ruy Băng Tím (một tổ chức phi lợi nhuận về phòng, chống ung thư tại Việt Nam) - cho biết, số lượng người bị ảnh hưởng xấu từ sản phẩm Golean Detox rất nhiều, từ nhẹ đến nặng. Mới đây, có một nạn nhân người Brazil, là người quảng cáo cho đại lý bán hàng Golean Detox ở Nhật, đã nhờ ông Vũ viết một cảnh báo về sản phẩm độc hại này. Nạn nhân người Brazil sau khi uống hai hộp trà Golean Detox đã bị mất nước, đau bao tử, tiêu chảy. Sau đó, người này nhận được rất nhiều phản hồi từ bạn bè đã mua và sử dụng sản phẩm trên với triệu chứng tương tự, thậm chí có người phải nhập viện.

“Tôi rất đau lòng khi phải viết một bài cảnh báo về sản phẩm của Việt Nam. Nhưng nếu không cảnh báo thì các doanh nghiệp này không chỉ làm hại sức khỏe của mọi người mà còn làm xấu hình ảnh của Việt Nam. Tôi muốn nhắc những người đang bán sản phẩm Golean Detox rằng, FDA đã ra cảnh báo trà này chứa chất cấm, nếu các bạn tiếp tục bán và người dùng gặp nguy hiểm thì các bạn có thể gặp rắc rối lớn, có thể phải ngồi tù, bồi thường và bị tịch thu hàng hóa” - tiến sĩ Vũ nói. 

Giấy kiểm nghiệm, chứng nhận không đáng tin cậy

Hiện chưa có loại thực phẩm chức năng hoặc trà thảo dược giảm cân nào an toàn mà không cần phối hợp với tập thể dục và ăn kiêng. Theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, trà giảm cân mà khiến người ta giảm cân “ào ào” thì đều chứa chất cấm sibutramine và phenolphtalein. Sự hiện diện của hai chất này làm cho người uống có cảm giác chán ăn và tăng nhu động ruột để đại tiện. Đây là một cơ chế giảm cân phản khoa học, có hại cho sức khỏe. Hơn nữa, hai chất này là hai chất cấm, sibutramine có thể gây các chứng bệnh về tim mạch và phenolphtalein có thể gây ung thư. 

Nhiều người mua sản phẩm giảm cân thường tin vào giấy kiểm nghiệm, giấy chứng nhận sản phẩm, nhưng tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ khẳng định, các giấy kiểm nghiệm do công ty đưa ra không chứng minh được tính khách quan, vì đơn vị gửi mẫu chính là nhà sản xuất, họ sẽ cố tình sản xuất một vài lô hàng không có chất cấm để gửi đi kiểm tra. 

 “Golean Detox và nhiều sản phẩm giảm cân khác đã có quá nhiều báo cáo dương tính với sibutramine và phenoltalein ở nhiều nước nhưng đến nay, chúng vẫn được bán tràn lan tại Việt Nam. Đề nghị cơ quan chức năng của Việt Nam cần mạnh tay hơn với các công ty sản xuất để tìm ra nguồn nhiễm những chất này và tăng cường kiểm tra nhiều lô hàng khác một cách khách quan, trung thực, đưa ra quyết định thu hồi ngay nếu phát hiện thêm những lô hàng khác chứa chất cấm” - tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ đề xuất. 

Sibutramine và phenolphtalein đều rất đáng sợ

Sibutramine là một hợp chất được sử dụng để giảm sự thèm ăn, thường được dùng trong điều trị bệnh béo phì. Hợp chất này được quản lý chặt chẽ và bị cấm bán từ tháng 10/2010 do có thể gây nên nguy cơ tăng huyết áp, tăng nhịp tim cho người bình thường và có thể gây nguy hiểm cho những người có tiền sử bệnh về mạch vành, đau tim, loạn nhịp tim hoặc đột quỵ. Sản phẩm này cũng có thể tương tác với các loại thuốc khác dẫn đến nguy cơ tử vong. Phenolphtalein là một hóa chất được sử dụng trong điều trị táo bón nhưng do có khả năng gây ung thư nên đã bị FDA cấm lưu hành.

Mỗi năm, 4.600 người Mỹ phải cấp cứu do dùng thực phẩm giảm cân

Năm 2015, một ca ngộ độc sibutramine do sử dụng thực phẩm chức năng giảm cân ở Thổ Nhĩ Kỳ đã được ghi nhận trên tạp chí chuyên ngành về y khoa. Bệnh nhân nữ 17 tuổi được đưa đến trung tâm cấp cứu lúc rạng sáng trong tình trạng tim đập nhanh, chóng mặt, giãn đồng tử. Cô không hề có tiền sử bệnh, chưa từng phẫu thuật, cũng không có ghi nhận sử dụng chất kích thích. Cô gái này cho hay, đã mua và sử dụng một loại thực phẩm chức năng giảm cân trên mạng có tên là La Jiao Shou Shen. 24 giờ trước khi nhập viện, cô đã uống vài viên La Jiao Shou Shen. Sau 12 giờ ở phòng cấp cứu, rất may, cô đã qua cơn nguy kịch và được xuất viện kèm theo khuyến cáo của bác sĩ "đừng bao giờ uống loại thuốc đó lần nữa". Theo một báo cáo được đăng trên tạp chí y khoa của Mỹ năm 2015, tại Mỹ, có khoảng 4.600 người phải đến phòng cấp cứu mỗi năm liên quan đến tim mạch (thường là đau ngực và tim đập mạnh) do các chất có trong các thực phẩm chức năng giảm cân.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI