Nhà báo Thu Uyên: Hạnh phúc của người kết nối

04/02/2024 - 15:14

PNO - "Như chưa hề có cuộc chia ly" - chương trình thiện nguyện khởi đầu của mảng tìm người thân thất lạc ở Việt Nam - đã bước sang tuổi 17.

Nhà báo Nguyễn Phạm Thu Uyên - “linh hồn” của chương trình này - từng ước ao 1 ngày được “thất nghiệp” nhưng chắc chắn ngày ấy còn rất xa bởi số hồ sơ tìm người thân được gửi đến cho chương trình ngày càng nhiều. Chị cùng ê kíp vẫn miệt mài “vá lành” vết thương quá khứ bằng những nỗ lực hiện tại. Thời @ có thêm nhiều công cụ thuận lợi hỗ trợ đắc lực cho việc tìm kiếm nhưng không có nghĩa là những thử thách đã lùi xa.

Tìm tất cả những trường hợp có thể tìm

Phóng viên: 17 năm không phải là quá dài với một doanh nghiệp nhưng là hành trình bền bỉ của một đơn vị hoạt động thiện nguyện. Những thành tựu nào của Như chưa hề có cuộc chia ly (NCHCCCL) làm chị “không thể tin nổi”?

Nhà báo Thu Uyên: Đội ngũ NCHCCCL tập hợp nhau dưới pháp nhân Doanh nghiệp xã hội, phi lợi nhuận “Nối thân thương - WeConnect”. Chúng tôi làm công việc tìm kiếm - đoàn tụ người thân hoàn toàn miễn phí, kể chuyện nhân nghĩa bằng hình; nguồn thu chỉ từ sự ủng hộ của cộng đồng và thêm một chút từ YouTube; thu chi công khai; đội ngũ thì tinh giản và tiết kiệm tối đa đi đôi với yêu cầu hiệu quả cao nhất có thể. Có 2 điều mà 17 năm trước, với tư cách người sáng lập, tôi cũng không ngờ.

Thứ nhất là, lúc ban đầu, chúng tôi phấn đấu 1 tháng tìm ra 1 trường hợp thất lạc thì đến nay, mỗi tháng từ 6-10 cuộc. Thứ hai, ban đầu mô hình của NCHCCCL là 1 chương trình truyền hình có tài trợ, rồi từ số tiền đó, san sẻ để tìm kiếm - là mảng cơ bản nhất của NCHCCCL. Chúng tôi lúc đó không bao giờ dám mơ tới một ngày, NCHCCCL thành công trong mô hình mới: 1 hoạt động xã hội hoàn toàn do các cá nhân trong cộng đồng nuôi dưỡng. 

Mỗi chương trình đoàn tụ, mỗi bước đường công tác đều đọng lại trong nhà báo Thu Uyên những ký ức sâu sắc - Nguồn ảnh: NCHCCCL
Mỗi chương trình đoàn tụ, mỗi bước đường công tác đều đọng lại trong nhà báo Thu Uyên những ký ức sâu sắc - Nguồn ảnh: NCHCCCL

* Số lượng lớn hồ sơ gửi đến thôi thúc công tác tìm kiếm nhưng có khiến ê kíp nản chí vì “nỗ lực mấy cũng chưa thấm vào đâu”?

- Mỗi tháng, NCHCCCL xử lý khoảng 1.000 đầu thông tin đăng ký mới; lập khoảng trên 100 hồ sơ tìm kiếm mới. Trong lúc, số hồ sơ đang được tìm kiếm là trên 40.000, gồm cả những trường hợp tìm 10-15 năm rồi mà chưa ra. Nếu chỉ xem xét con số đó, chắc chúng tôi bỏ cuộc. Nhưng, ngay từ khởi điểm của công việc này, chúng tôi đã không kỳ vọng tìm ra được tất cả, mà là “tìm tất cả những trường hợp có thể tìm”. Kết quả cho thấy mỗi cuộc tìm ra đều có giá trị, chúng tôi lấy đó làm động lực.

Mỗi trường hợp đăng ký, sau khi xử lý thông tin đầy đủ, chúng tôi lập thành 1 hồ sơ, chứa nhiều trường thông tin. Trong đó, các yếu tố chính xác hoặc còn nhớ được như tên, tuổi, năm, địa điểm, quan hệ là các yếu tố quan trọng. Nguyên nhân thất lạc và những mảnh trí nhớ cũng được khai thác kỹ một cách logic. Việc phân loại sơ bộ được áp dụng trên các hồ sơ hoàn chỉnh, như “trẻ lạc”, “chạy loạn”, “cô nhi viện”, “nạn đói 1945”… Chúng tôi sẽ phân loại kỹ hơn khi có nhu cầu lập từng tệp hồ sơ cụ thể để phục vụ cho cuộc tìm kiếm.

* Còn có những đối tượng nào khác - chẳng phải vợ chồng, chẳng cùng huyết thống - nhưng ước nguyện tìm nhau không vì thế mà kém thiết tha? 

- Mới đây, chúng tôi vừa tìm ra một cựu chiến binh và các đồng đội của ông, từng giúp dân làng chạy thoát trận lụt năm 1971, mà người dân thiết tha mong tìm. Có trường hợp một chiến sĩ trong một trận đánh trên biên giới phía Bắc dẫn cụ già, em nhỏ trốn vào hang đá an toàn, chúng tôi tìm và đoàn tụ theo nguyện vọng của đại gia đình được cứu thoát đó. Một người Đức đề nghị tìm những người bạn Việt Nam cùng học từ những năm 1960. Một chuẩn tướng không quân Mỹ đăng ký tìm người phi công dũng cảm mà ông ta đã đối diện trên bầu trời Hà Nội tháng 4/1972. Một người Hà Lan nhờ tìm những người vùng ven Hà Nội có mặt trên những tấm hình ông chụp và làm ông có ấn tượng rất mạnh vì sự lạc quan mạnh mẽ vào năm mà khó khăn còn bủa vây - 1980… Rất nhiều trường hợp như vậy.

* Những điều kiện để nhận hồ sơ là gì, thưa chị? Trong nỗ lực chữa lành vết thương chiến tranh, người ở chiến tuyến bên này và người ở chiến tuyến bên kia đều được chương trình quan tâm, hỗ trợ?

- Tiêu chí của NCHCCCL là tìm kiếm cho những trường hợp người Việt bị ly tán vì mọi nguyên nhân và đoàn tụ cho những trường hợp 2 bên đều tha thiết tìm nhau. Ngay từ bản dự án đầu tiên của NCHCCCL đã ghi một ước vọng: “Đóng góp một phần vào công cuộc hòa hợp dân tộc”.

Bất cứ lời đề nghị tìm kiếm nào chúng tôi cũng tiếp nhận, sau đó phân tích để xác định động cơ tìm kiếm (ví dụ: không phải đòi nợ), mức độ chính xác của thông tin (ví dụ: không phải do thầy ngoại cảm mách)… từ đó mới quyết định hồ sơ có khả thi không. Như vậy, bất cứ ai dù đã từng đứng ở đâu, giàu nghèo thế nào, trong nước hay ngoài nước, miễn là đang có nỗi đau ly tán, đều là những người chúng tôi sẵn lòng phục vụ.

Càng nhiều người, nhóm tham gia việc kết nối càng tốt 

* Chị có khuyến khích người đăng ký gửi hồ sơ nhiều nơi để thêm cơ hội, rút ngắn thời gian tìm kiếm và kể cả đối chiếu kết quả?

- Khi chưa có NCHCCCL, người ly tán chỉ có cách đăng mẩu tin nhỏ trên báo đài rồi chờ đợi trong vô vọng vì không có bộ phận nào xử lý, chưa nói đến kết nối và tìm kiếm. Nói vậy để thấy phần mấu chốt để đoàn tụ người thân chính là xử lý thông tin và tìm kiếm. Đây là công việc khoa học, tỉ mỉ, cần những cái đầu lạnh chứ không chỉ riêng lòng trắc ẩn nồng nhiệt. Sau mười mấy năm một mình trên con đường kết nối thiện nguyện, chúng tôi thực sự vui mừng vì thấy một số nỗ lực san sẻ giúp chúng tôi nhiệm vụ khó nhọc này. Từ đây chúng tôi được phép tập trung vào các trường hợp khó và dành thêm sức cho việc kể chuyện nhân nghĩa trong các chương trình đoàn tụ.

Việc tìm kiếm rất tốn tâm sức. Để không hoài phí, chúng tôi thường hướng dẫn các gia đình cách tự tìm khi đã biết tương đối về quê hương hay đã tự khoanh vùng logic. Trường hợp có đủ thông số tương đối như tên, tuổi, nhân dạng, địa bàn, chúng tôi khuyến khích đưa lên các mạng xã hội thiện nguyện giúp tìm người thân có uy tín và không nên để công khai số điện thoại hay địa chỉ lên mạng để tránh bị lừa đảo, quấy rối. NCHCCCL đã gặp hàng trăm trường hợp người nhà đăng tin trên mạng và bị gọi đến đòi tiền chỉ người. Nguy hiểm là có trường hợp hẹn sang biên giới nước khác mới cho gặp.

Ngoài trường hợp lừa đảo, sự nhiễu loạn thông tin dẫn đến chỉ sai người cũng từng gặp không ít. Xã hội chúng ta còn rất nhiều trường hợp đang phải chia lìa với người thân yêu, vậy nên càng nhiều người, nhóm tham gia việc kết nối càng tốt, miễn mục tiêu là thiện nguyện giúp đỡ và chính xác kết nối.

* Tỉ lệ giám định ADN trong các hồ sơ tham gia NCHCCCL khoảng bao nhiêu? Vì sao không cần giám định cho tất cả trường hợp, thưa chị?

- Riêng trong năm 2023, chúng tôi tiến hành giám định 9 trường hợp, trong đó có 6 là chính xác (trên tổng số 79 cuộc tìm ra). Đó là tỉ lệ cao so với những năm tháng trước, do năm qua có nhiều trường hợp khó phân định. 

Kể từ ngày NCHCCCL nhận được đề nghị hỗ trợ giám định ADN miễn phí từ giáo sư đầu ngành Di truyền học Lê Đình Lương và vợ ông - bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ Di truyền, đến nay, đã có 143 cuộc thử ADN và 30 trường hợp nhờ giám định gen miễn phí mà khẳng định được huyết thống cho những người thất lạc.

Những trường hợp trên, nếu không thử ADN thì không thể phát biểu gì về việc tìm đúng người, dù đã tìm ra chứng cứ và đã khớp đến 99,9% thông tin giữa 2 bên. Các phương pháp tìm kiếm của NCHCCCL đều là thực chứng. Dù chỉ 1 chi tiết nhỏ khác nhau mà không giải thích logic được, chúng tôi vẫn tính là chưa tìm ra. Đó là lúc cần thử ADN để phân định. Mục tiêu chung là tính chính xác tuyệt đối, thuyết phục tuyệt đối với những người trong cuộc khi họ tiến đến ôm nhau vào lòng.

Chúng tôi tin vào sức mạnh của tình ruột thịt

* Người đăng ký là nam hay nữ thì thường đem đến cho chị cảm giác họ mang nặng nỗi đau nhiều hơn?

- Chúng tôi không thấy sự khác biệt trước nỗi đau theo giới tính. Chỉ có sự khác biệt trong cách thể hiện. Nỗi đau ly tán như than hồng, có thể được phủ lớp bụi tro mỏng; có thể dày đến nỗi người mang nó tưởng đã có lúc lãng quên nhưng nỗi đau còn nguyên đó. Đặc biệt là đối với những đứa trẻ bị chia lìa ở ngưỡng trí nhớ còn mong manh. Với họ, việc tìm được người ruột thịt vừa vô vọng vừa cháy bỏng. Dù có dũng mãnh đến đâu trong cuộc đời, ai cũng cần biết về các đấng sinh thành, về quê hương nguồn cội; biết được người thân thiết của mình nay nơi đâu, khổ sướng thế nào.

Bên cạnh đó, chính việc phải mang một vết thương ngầm như vậy, đồng thời thực tế là chơi vơi trong đời hiếm chỗ dựa, nên nhiều người chịu cảnh phân ly thường khó giao tiếp. Nhưng, một khi họ đã tin tưởng nhờ cậy, là họ sẵn lòng bày tỏ với NCHCCCL tâm can của mình, còn hơn với người thường bên cạnh. Các đội viên của NCHCCCL đều được huấn luyện về tâm lý và những kiến thức văn hóa, lịch sử đủ để biết lắng nghe, hiểu, thông cảm và biết hỏi để giúp họ cả tinh thần lẫn việc tìm kiếm người thân.

Nhà báo Thu Uyên nhận giải Vàng đặc biệt với tác phẩm Táng tận lương tâm chôn xương động vật giả hài cốt liệt sĩ tại liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2013 - Ảnh do nhân vật cung cấp
Nhà báo Thu Uyên nhận giải Vàng đặc biệt với tác phẩm Táng tận lương tâm chôn xương động vật giả hài cốt liệt sĩ tại liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2013 - Ảnh do nhân vật cung cấp

* Chị và ê kíp đã hỗ trợ những gì để sau thời gian dài ly tán, những người trong cuộc có thể hiểu nhau, xích lại gần nhau, dung hòa các mối quan hệ, tránh những va chạm nhạy cảm? 

- Chúng tôi như đã cùng họ sống qua những ngày còn sum họp, cho đến những đoạn đời ly tán, để hiểu và kể lại chính xác, có tình có lý những gì các bên đã trải qua, trong bối cảnh rộng hơn, là xã hội, với khía cạnh con người, văn hóa, lịch sử, kinh tế… Những người được mời đến để đoàn tụ với thân nhân, trước khi được ôm nhau trong vòng tay, đã được xem những câu chuyện bằng hình với những căn cứ chứng thực họ thuộc về nhau. Hơn thế, câu chuyện đã cho họ biết rõ về nhau, về hoàn cảnh, tâm tư tình cảm và sự tha thiết gặp lại.

Qua đó, tình thân được hồi sinh, cộng thêm những hiểu biết và thương cảm phát sinh, khiến cuộc đoàn tụ được mỹ mãn nhất. Đây cũng là cơ sở để họ cùng bước vào đoạn đời mới đoàn viên, đủ đầy về cảm xúc, cùng nhau sống trong mối quan hệ gia đình sau nhiều năm bị cắt đứt.

NCHCCCL có quy tắc là hạn chế liên hệ với các gia đình đã đoàn tụ, lý do là để những người trong cuộc không phải bận tâm hàm ơn và muốn họ giữ sự riêng tư mật thiết mà chỉ có những người ruột thịt mới được hưởng. Tất nhiên, như mọi gia đình, có thể rồi chén dĩa có lúc xô, anh chị em có lúc mâu thuẫn nhưng đó là việc riêng, họ sẽ tự giải quyết êm thấm vì đã có sẵn nền tảng minh bạch yêu thương mà NCHCCCL đã tạo dựng vào ngày đoàn tụ. Chúng tôi tin vào sức mạnh của tình ruột thịt.

* Đã có lúc chương trình đứng trước nguy cơ gián đoạn vì cạn kiệt tài chính. Chị có nghĩ đến dịch vụ hóa hoạt động thiện nguyện này để chương trình được duy trì xuyên suốt, bền vững? 

- NCHCCCL đã phải sửa soạn đóng cửa vào thời điểm mô hình cũ, là “chương trình truyền hình có tài trợ”, đã không còn hữu hiệu. Mất một thời gian ngắn, chúng tôi chuyển hướng. NCHCCCL là một hoạt động xã hội thiện nguyện, vì vậy, rất có lý khi nó được nuôi dưỡng và được sự góp tay của các cá nhân trong cộng đồng. Mô hình mới ra đời, với các điểm then chốt là: Đóng góp nhỏ nhưng đều đặn, thường kỳ thì mấy chục ngàn người có thể cùng chung tay làm nên NCHCCCL. “Ổ bánh mì nối thân thương” kêu gọi mỗi người góp 1 khoản tiền khoảng 20.000 đồng mỗi tháng, đều đặn thì với 30.000 người, chúng ta sẽ đoàn tụ được từ 6 đến 10 đại gia đình hằng tháng. 

Sau 2 năm xây dựng mô hình này, NCHCCCL đã nhận được sự ủng hộ đáp ứng hơn 3/4 nhu cầu kinh phí để hoạt động trong 1 tháng. Hiện tại, NCHCCCL đang hoạt động ở mức đó, (tiết kiệm hết sức, nhân sự chưa đầy đủ: 14 thay vì phải 17), để đảm bảo thực hiện cam kết tìm ra và đoàn tụ hằng tháng. Sự góp tay ngày càng tăng của cộng đồng là động lực cho chúng tôi.

Mọi khoản thu - chi, báo cáo hoạt động được công khai mỗi cuối tháng tại trang Facebook “Cộng đồng Nối Thân Thương”.

Nhà báo Thu Uyên nhận giải Vàng đặc biệt với tác phẩm Táng tận lương tâm chôn xương động vật giả hài cốt liệt sĩ tại liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2013 - Ảnh do nhân vật cung cấp
Nhà báo Thu Uyên nhận giải Vàng đặc biệt với tác phẩm Táng tận lương tâm chôn xương động vật giả hài cốt liệt sĩ tại liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2013 - Ảnh do nhân vật cung cấp

 

* Thưa chị, NCHCCCL cần xã hội chung tay, hỗ trợ điều gì? 

- Đầu tiên là nuôi dưỡng NCHCCCL bằng những “ổ bánh mì” đều đặn mỗi tháng. Tiếp nữa là làm tình nguyện viên (đăng ký với NCHCCCL), để hỗ trợ NCHCCCL với những kỹ năng chuyên môn hay giúp NCHCCCL tìm địa chỉ, liên hệ với những người đã tìm ra, hỏi thăm thông tin ở địa phương… Ngoài ra, cộng đồng có thể chỉ đơn giản là giúp đội viên tìm kiếm và các biên tập viên tác nghiệp được nhanh chóng, hiệu quả; hướng dẫn những người thất lạc người thân liên hệ đăng ký với NCHCCCL; thu thập thông tin về các sự kiện gây ly tán lâu nay chưa được đề cập nhiều…

Đơn giản hơn nữa, bạn có thể giúp lan tỏa về hoạt động hoàn toàn miễn phí này tới nhiều người để chúng tôi có cơ hội giúp đỡ. Bạn có thể chia sẻ các thông tin tìm kiếm trên fanpage để tăng cơ hội tìm nhanh được người thất lạc. Mọi người có thể theo dõi NCHCCCL cùng lúc với rất nhiều người ở khung giờ công chiếu (20g tối thứ Bảy đầu tiên của tháng, trên YouTube, fanpage, TikTok), lan tỏa những câu chuyện nhân văn trong các cuộc chia ly và đoàn tụ.

Một tổ chức thiện nguyện là VuiHub có sáng kiến tổ chức đêm nhạc và đấu giá dành tiền ủng hộ NCHCCCL. Các bé thiếu nhi có sáng kiến vẽ tranh tặng để đấu giá. Vừa rồi, doanh nghiệp Rinnai có sáng kiến vận động khách hàng trên fanpage và ủng hộ NCHCCCL dựa trên tổng số người tham gia… Nhiều nhạc sĩ sáng tác bài hát và nhạc không lời gửi tặng để NCHCCCL sử dụng. Nhiều ca sĩ biểu diễn không thù lao trong các hoạt động vì NCHCCCL… Chúng tôi tin rằng cộng đồng, các cá nhân và doanh nghiệp đang và sẽ có rất nhiều sáng kiến khiến chúng tôi phải bất ngờ.

* Những hình ảnh, lời nói nào đã góp phần nuôi nấng cảm xúc để dù có mệt nhoài, chị và ê kíp vẫn bước tiếp hành trình kết nối? 

- Nhiều lắm! Mỗi ngày, lại có thêm những chi tiết, hình ảnh, câu nói, sự việc khiến chúng tôi lay động. Ví dụ mới đây, là 1 bình luận trên YouTube “NCHCCCL”, dưới video số đầu tiên (2007): “Em xem chương trình này cùng ngoại em từ lúc em mới học lớp Một, xem mà chưa hiểu hết. Nay ngoại không còn, em lên đại học, ra trường, đi làm, ngồi xem lại, em đã hiểu rồi!”.

Ước gì cộng đồng luôn nhớ để giúp chúng tôi san sẻ những giá trị gia đình, tình người, nghị lực cũng như các mảnh tri thức về lịch sử, văn hóa, xã hội được thể hiện qua những số phát sóng của NCHCCCL. Ước vọng của chúng tôi vẫn là về hòa bình vĩnh viễn, hòa hợp, thương yêu, lương thiện và nhân từ. 

* Cảm ơn chị đã chia sẻ. 

Tô Diệu Hiền (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI