Người truyền cảm hứng xây dựng chợ văn minh

14/01/2019 - 18:00

PNO - Là Trưởng ban quản lý chợ kiêm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ chợ Bình Triệu, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Hương đã xây dựng được nhiều mô hình để hội viên, tiểu thương tham gia bảo vệ môi trường.

Bà Hương cũng là người trực tiếp vận động tiểu thương xây dựng chợ đạt chuẩn văn minh thương nghiệp.

Chiều 11/1, bà Hương ghé cửa hàng quần áo của chị Phạm Thị Hoanh trong chợ Bình Triệu đúng lúc nhiều tiểu thương từ các chợ trên địa bàn Q.Thủ Đức tới. Vậy là cả hai cùng tất bật giới thiệu, trao túi ni-lông tự hủy cho mọi người. Điểm bán túi ni-lông này của chị Hoanh có tháng tiêu thụ hết 200kg. Ngoài chị, hiện có thêm tiệm tạp hóa của chị Nguyễn Thị Phương nhận phân phối túi ni-lông tự hủy trong chợ Bình Triệu. 

Nguoi truyen cam hung xay dung cho van minh
Bà Hương (phải) ghé thăm điểm phân phối túi ni-lông tự hủy trong chợ Bình Triệu của chị Nguyễn Thị Phương.

Chị Hoanh nói về “cơ duyên” phân phối túi ni-lông thân thiện với môi trường này: “Hồi trước, chợ xập xệ, rác thải khắp nơi, mùi hôi thối nồng nặc. Chị Hương đã vận động chị em sửa sang quầy sạp, dọn dẹp vệ sinh, xây dựng lối ứng xử văn hóa giữa các tiểu thương với nhau và với khách hàng. Bây giờ, tiểu thương ưa dùng túi tự hủy lắm, hội viên phụ nữ khi đi chợ cũng toàn xách giỏ nhựa. Thấy chị Hương trăn trở tìm điểm phân phối túi ni-lông tự hủy, tôi xung phong làm vì muốn góp một phần để chợ ngày càng sạch đẹp, văn minh, giảm thải rác nguy hại ra môi trường”. 

Chi hội phụ nữ chợ Bình Triệu có 145 hội viên. Năm 2017, bà Hương cho ra mắt mô hình “Xách giỏ đi chợ - phong cách của người nội trợ”, thí điểm tặng chị em gần 100 giỏ nhựa. Bà âm thầm quan sát, ghi chép vào sổ mỗi ngày. Dịp lễ 8/3, 20/10, nhiều chị bất ngờ khi nghe thông báo lên lãnh quà, tới phút cuối, mới “té ngửa” trước những tấm hình mà bà Hương cho xem: cảnh mình vui cười xách giỏ đi chợ thường xuyên, sử dụng túi thân thiện với môi trường hoặc bỏ rác vô thùng. “Quà mang tính khích lệ, là cục xà bông, hộp bánh, cân đường. Tôi mong chị em tiếp tục duy trì những thói quen hữu ích này, phần cho mình, phần vì môi trường chung” - bà Hương nói. 

Sau thời gian dài dạy học và làm công tác Hội tại khu phố, đến năm 2008, bà Hương về phụ trách Ban quản lý chợ Bình Triệu. Lúc bấy giờ, hệ thống mái che của các sạp đều đã xuống cấp, nước ứ đọng, tiểu thương vứt rác thành đống trong một hố ngăn bằng xi măng sau chợ. Tình trạng trộm cắp, cãi vã vì tranh giành khách cũng diễn ra thường xuyên.

Bà Hương bắt đầu “cải thiện hình ảnh” chợ bằng việc trang bị 6 thùng rác công cộng quanh chợ, vận động tiểu thương lợp tôn lạnh cả 3 dãy sạp với tổng diện tích mái gần 1.200m2. Tiếp đó, bà gặp gỡ từng chủ sạp tại khu vực bán thịt heo, bò, gà, bàn chuyện nâng cấp nền, sửa hệ thống thoát nước.

Ban đầu, không ai hưởng ứng, bởi nếu dời sang chỗ khác trong mấy tháng làm lại sạp thì nguy cơ mất khách rất cao. Bà Hương tâm sự: “Năm 2005, chợ Bình Triệu đăng ký xây dựng chợ “văn minh thương nghiệp”, nhưng tới 2008, vẫn chưa đâu vào đâu. Tôi hiểu những trăn trở của anh chị em vì xung quanh đây siêu thị, chợ tự phát rất nhiều. Nhưng cứ lần lữa mãi vì sợ mất khách thì cả người bán lẫn người mua sẽ phải chịu cảnh sạp xuống cấp, môi trường ô nhiễm”. 

Bà luôn đến chợ sớm hơn giờ làm việc từ 1 - 2 giờ, kiên trì “bám” 48 chủ sạp, phát loa thông báo cho khách hàng về địa điểm bán thịt tạm thời cũng như nguyện vọng có một ngôi chợ khang trang. Sự kiên trì của bà đã góp phần hình thành hệ thống sạp kiên cố bằng gạch men, bàn inox sáng trưng thay thế các sạp gỗ nhếch nhác. Để đảm bảo an ninh, chợ gắn 6 camera, các tiểu thương cũng chủ động gắn thêm 6 camera nữa. Năm 2010, chợ Bình Triệu được công nhận là “Chợ văn minh thương nghiệp”. 

Không chỉ chú trọng mỹ quan, cơ sở vật chất trong chợ, bà Hương còn hướng tiểu thương nói chung và chị em hội viên của chi hội nói riêng vào những hoạt động vì cộng đồng. Hằng năm, ban quản lý chợ tổ chức nhiều chuyến hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt, trẻ mồ côi, người già neo đơn. Ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6) hằng năm, ban quản lý chợ tổ chức tặng bánh kẹo, 45 phần học bổng dành tặng học sinh giỏi và 5 suất học bổng hỗ trợ con em tiểu thương khó khăn. 

Anh Đặng Quang Minh tâm tình: “Chúng tôi biết ơn sự san sẻ kịp thời từ tập thể chợ, nhất là tiếng nói của chị Hương”. Anh Minh cùng vợ là Nguyễn Thị Ẩu phụ trách bãi giữ xe của chợ Bình Triệu, ở nhà thuê, nuôi hai con. Năm 2017, chị Ẩu bị tai biến, liệt nửa người. Cảm thông với hoàn cảnh éo le này, bà Hương đã đập heo đất của chi hội, vận động thêm tiểu thương góp tiền hỗ trợ chị Ẩu điều trị. Hiện chị Ẩu đang dần hồi phục. 

Mẫn Nhi

Chi hội Phụ nữ chợ Bình Triệu là chi hội mạnh của phường, đặc biệt là trong các hoạt động bảo vệ môi trường. Vai trò đầu tàu của chị Hương rõ nét với sự lan tỏa nhanh của các hoạt động phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng túi ni-lông. Chị cũng rất có duyên với phong trào nuôi heo đất, năm nào cũng vận động được tiểu thương nuôi mấy chục con heo rồi trích tiền đi làm từ thiện. Từ nguồn quỹ này, Chi hội Phụ nữ chợ Bình Triệu đã đồng hành cùng Hội LHPN phường tổ chức nhiều chuyến thăm, tặng quà, nấu bữa cơm dinh dưỡng cho người nghèo ở địa phương và các tỉnh Hậu Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Bình Phước. 

Chị Lê Ngọc Tuyền - Chủ tịch Hội LHPN, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI