Người trồng hoa, kiểng tết âu lo về đầu ra

09/12/2024 - 09:09

PNO - Nhiều người trồng hoa, kiểng tết cho biết, dù đã chủ động giảm sản lượng 20 - 30% so với các năm trước nhưng họ vẫn không mấy lạc quan về đầu ra sản phẩm.

Thuê đất trống trồng hoa ở phường Thới An, quận 12, TPHCM, bà Nguyễn Thị Yên cho biết, năm nay, bà chỉ trồng khoảng 7.000 chậu hoa các loại (cúc đại đóa, mào gà, hướng dương), giảm khoảng 3.000 chậu so với tết năm ngoái. Dù đã tận dụng khá nhiều vật tư còn lại từ vụ trước, bà vẫn tốn hơn 40 triệu đồng mua chậu, giá thể trồng, giống, phân bón.

Mấy ngày qua, liên tục có những cơn mưa trái mùa nên nhiều cây bị nấm, buộc bà phải tốn thêm chi phí mua thuốc xịt cho cây. Tuy nhiên, điều bà lo lắng hơn cả là không biết sức tiêu thụ thế nào. Năm ngoái, vườn bà ế gần 1.000 chậu hoa các loại. “Các vườn ở đây chỉ tập trung trồng, sang tháng Chạp mới có lái (thương lái - PV) đến coi, hỏi mua. Khi đó mình mới biết giá cả, sức mua” - bà Yên nói.

Người trồng hoa tết năm nay chủ động giảm sản lượng do lo lắng về sức mua của thị trường. Trong ảnh: Nông dân chăm sóc hoa kiểng ở TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp - ẢNH: VĂN PHƯỚC
Người trồng hoa tết năm nay chủ động giảm sản lượng do lo lắng về sức mua của thị trường. Trong ảnh: Nông dân chăm sóc hoa kiểng ở TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp - ẢNH: VĂN PHƯỚC

Ông Nguyễn Văn Thạnh - ở phường Kim Dinh, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - cho hay, việc xác định số lượng cây nên trồng, nhu cầu thị trường rất khó, chủ yếu dựa vào cảm tính. Năm ngoái, gia đình ông trồng 7.000 chậu cúc đại đóa, 1.000 chậu pha lê nhưng đều bán chậm. Các nhà vườn xung quanh cũng tồn hàng khá nhiều. Các nhà vườn bị tồn hàng cũng tranh thủ cho khách du lịch tham quan, chụp ảnh vườn hoa và thu phí nhưng nguồn thu không đáng kể. Do vậy, năm nay, nhiều hộ giảm 20 - 30% lượng cây trồng. “Nếu sức mua tốt mà hàng khan hiếm thì chủ hàng có thể bán với giá cao hơn chút đỉnh, chứ trồng nhiều mà đổ bỏ thì xác định là lỗ” - ông nói.

Các chủ vườn mai ở TPHCM cũng lo ngại cảnh ế ẩm. Ông Trần Văn Minh - chủ vườn mai Hai Minh, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức - cho biết, mai là cây lâu năm, nếu năm nay không bán được thì cây vẫn còn đó. Tuy nhiên, do đây là nguồn thu chính của chủ vườn trong năm nên các chủ vườn rất trông chờ vào vụ mai tết. Phần lớn các nhà vườn mai ở TP Thủ Đức sở hữu cây có giá trị, tiền cho thuê cũng từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/chậu. Khách hàng chủ yếu là các doanh nghiệp hoặc các gia đình có điều kiện. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc bán hay cho thuê mai đều khó. Mai ghép ở làng mai Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TPHCM) dễ bán hơn do có giá bình dân nhưng phải cạnh tranh khốc liệt với mai cùng loại đến từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hay từ Nam Trung Bộ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại, bưởi diễn, quất (tắc) trồng trong chậu gốm từ các vùng trồng của miền Bắc vẫn chưa có mặt trên các tuyến đường Mai Chí Thọ, Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức), Thành Thái (quận 10). Chị Trần Thị Thủy - chủ vựa kiểng Hương Thủy, phường Linh Tây, TP Thủ Đức - cho hay, năm nay, nguồn cây ở một số vùng trồng của miền Bắc bị hao hụt do ảnh hưởng của cơn bão Yagi; chi phí vận chuyển cây từ Bắc vào Nam cũng khá tốn kém. Sức mua những năm gần đây thấp nên các vựa kiểng cũng không dám nhập về nhiều.

Chị nói: “Về lý thuyết, nếu tết năm nay không bán được bưởi diễn, đào thì có thể đưa về vườn chăm sóc để sang năm bán tiếp. Nhưng thực tế, khí hậu, thổ nhưỡng trong Nam không hợp, cây khó ra hoa, kết trái nên muốn dưỡng, phải chở ngược ra Bắc. Một tiền gà ba tiền thóc thì chỉ có lỗ”.

Một vị đại diện Hội Sinh vật cảnh TPHCM cho hay, ngoài những làng hoa chuyên canh như Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), khắp nơi ở miền Nam đều có những làng trồng hoa tết kiểu tự phát. Nhiều vùng quanh năm trồng rau nhưng 2-3 tháng cuối năm lại chuyển qua trồng hoa tết. Họ chọn trồng những giống hoa ngắn ngày như hoa cúc các loại, mào gà, thược dược, hướng dương, cát tường, vạn thọ… Do mạnh ai nấy trồng nên hàng dễ bị “đụng”, dội chợ. Để hoa tết chạy hàng, nên có sự liên kết, phân bổ số lượng trồng hợp lý, tránh tập trung trồng một số loài giống nhau.

Bưởi hồ lô mất mùa

Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, ông Võ Trung Thành - ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, người từ lâu được xem là “cha đẻ” của bưởi hồ lô - cho biết: dịp tết Ất Tỵ 2025 các nhà vườn làm bưởi hồ lô dự kiến chỉ có khoảng 1.000 trái, bằng 1/7 so với vụ bưởi tết Nhâm Thìn (gần 7.000 trái). Nguyên nhân, theo ông Thành, cơn bão số 1 xuất hiện cuối tháng Tư âm lịch, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện mưa, khiến các vườn bưởi trổ hoa, đậu trái sớm gần 2 tháng so với mọi năm. Việc ép khuôn, tạo hình trái bưởi vì vậy không thể thực hiện vì sẽ phải thu hoạch trước tết hơn 1 tháng. Sản lượng bưởi dùng để ăn, chế biến, xuất khẩu… không bị ảnh hưởng, nhưng lượng bưởi đủ tiêu chuẩn tạo hình hồ lô giảm mạnh. Dù vậy theo ông Võ Trung Thành, giá bưởi tạo hình hồ lô bán ra ở các nhà vườn tết năm nay vẫn giữ nguyên (từ 300.000-1 triệu đồng/trái) so với năm ngoái.

Quang Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI