Người phụ nữ thành đạt, thuỷ chung, nghĩa tình

07/02/2020 - 08:31

PNO - Để có được thành công ấy, bà chủ cơ sở Lê Thị Thanh Đông đã phải mất 20 năm lăn lộn với nghề.

Mỗi tháng, khoảng 20.000 cây chổi được bán ra thị trường trong nước, hơn 10.000 cây được xuất ra nước ngoài, chổi quét nhà hiệu Phước Lộc đã không còn xa lạ với các bà nội trợ, đó là một thành công lớn đối với một cơ sở sản xuất nhỏ. Nhưng để có được thành công ấy, bà chủ cơ sở Lê Thị Thanh Đông đã phải mất 20 năm lăn lộn với nghề.  

Tôi đã muốn bỏ cuộc
Chị Lê Thị Thanh Đông xuất thân trong một gia đình nông dân ở ấp Thượng, xã Tân Thông Hội, H.Củ Chi, TP.HCM.

Trước năm 2000, H.Củ Chi bắt đầu phát triển công nghiệp, thu hút nhiều lao động, chị Đông huy động vốn cất mấy phòng trọ cho thuê kiếm sống. Nhờ đó, chị mới gần gũi và hiểu thêm về đời sống của người lao động tha hương. Rồi tình cờ, chị Đông được gia đình anh Sáng, một người thuê trọ, gợi ý chỉ cho nghề làm chổi đót. Đắn đo suy tính mãi chị mới quyết định thử sức. Gia đình anh Sáng phụ trách toàn bộ khâu kỹ thuật. 

Chị Thanh Đông kiểm tra thành phẩm
Chị Thanh Đông kiểm tra thành phẩm

Chẳng bao lâu sau, những chiếc chổi đót đầu tiên đã ra đời, chị Đông hào hứng mang chúng giới thiệu và ký gửi khắp các cửa hàng, sạp chợ trong thành phố. Tuy nhiên, những cây chổi còn thô và nặng đã không lọt được vào mắt khách hàng. “Vài tháng, thậm chí là vài năm sau khi ký gửi, chổi vẫn không bán được khiến tôi muốn bỏ cuộc. Nhưng nhìn vợ chồng con cái anh Sáng hằng đêm vẫn miệt mài bó chổi và rạng rỡ mỗi khi thấy tôi chở hàng đi bán, tôi lại cố rướn” - chị Đông nhớ lại. Và chị đã phải cố “rướn” rất nhiều năm. 

Khi thị trường có vẻ khởi sắc, chị Đông quyết định tuyển thêm công nhân. Thế nhưng khi sản phẩm làm ra nhiều hơn thì thị trường lại đình đốn khiến hơn 10.000 cây chổi phải nhập kho. Chị cho công nhân tạm ngưng sản xuất để tập trung đi chào hàng với quyết tâm đưa cây chổi của mình vào siêu thị. 

Rồi vào một ngày của năm 2005, trong lúc chị đang vất vả tìm kiếm khách hàng để bán từng cây chổi thì một vị khách từ Đài Loan đã tìm đặt 1.000 cây chổi để mang về nước. Như vớ được vàng, chị và hơn 10 công nhân tập trung thực hiện với quyết tâm cao. Sau đơn hàng đầu tiên, vị khách này tiếp tục đặt thêm nhiều đơn hàng. Rồi một khách hàng Mỹ cũng tìm đến đặt hàng. Cây chổi Phước Lộc dần có chỗ đứng vững chắc với ba đơn hàng (khoảng 10.000 cây chổi) xuất khẩu sang Mỹ, Đài Loan và 20.000 cây cho thị trường trong nước với doanh thu lên đến gần một tỷ đồng mỗi tháng. 

Chủ, thợ sống tử tế với nhau

Hiện tại, chị Lê Thị Thanh Đông có một xưởng sản xuất chổi ở Củ Chi (20 công nhân) và một chi nhánh tại miền Tây (khoảng 10 công nhân). Mức thu nhập bình quân của công nhân khoảng 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Công nhân của chị, đa phần đến từ các tỉnh miền Tây, họ thân thương gọi chị là “chị Ba” và “chị Ba” xứng đáng nhận được cái tình cảm thân thương ấy.

Cơ sở sản xuất chổi của chị Đông được xây dựng trên khuôn viên rộng 11.000m2, với một xưởng sản xuất tập trung, bao quanh là gần chục căn nhà, mỗi căn rộng khoảng 50 - 60m2, được xây khang trang, riêng biệt, với đầy đủ điện nước, phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp, nhà vệ sinh… Những căn nhà này chị Đông dành cho công nhân ở miễn phí. Hiện có bảy gia đình, 20 công nhân và hàng chục nhân khẩu đang làm việc và sinh sống tại đây. Đến với chị Ba, ai cũng được đối đãi như trong gia đình, được tạo điều kiện để cuộc sống ngày càng tốt hơn, con cái được học hành tử tế. Người mới học nghề, chưa có thu nhập, hằng tháng chị Ba hỗ trợ thêm gạo. Gia đình nào khó khăn, muốn mua sắm các phương tiện thiết yếu phục vụ cuộc sống, chị Ba cho mượn tiền rồi trừ dần hằng tháng. 

Người thợ đang bó chổi
Người thợ đang bó chổi

Quê ở Trà Vinh, sau khi lên thành phố làm thuê qua nhiều chỗ, vợ chồng chị Sa Lyn mới về gắn bó với xưởng chổi của chị Ba suốt 13 năm nay. Con gái lớn của họ và bà ngoại cũng làm chổi tại đây. Thu nhập của cả gia đình xấp xỉ 20 triệu đồng/tháng. Ban đầu, gia đình chị Sa Lyn ở trong căn nhà nhỏ 50m2. Sau khi họ sinh thêm con (đang học mẫu giáo), chị Ba đã chuyển họ sang căn nhà mới rộng rãi hơn. “Đừng nói là ở thành phố, ở quê mà có được căn nhà tường, rộng rãi vầy cũng là ngon lành rồi”, chị Sa Lyn nói. Với chị, công việc hiện tại là quá tốt vì “làm ở đây có chị Ba thương, lo nhà cửa cho ở, cất nhà ở quê cũng có chị Ba giúp sức. Trước đây chị Ba bao luôn tiền điện. Do bây giờ mình có điều kiện, sắm sửa thêm quạt, máy giặt, tủ lạnh, ti vi… nên gần đây mới phụ tiền điện”. 

Luôn tay buộc từng bó chổi, thỉnh thoảng chị Lê Thị Diệu lại quay sang nhắc đứa con trai 4 tuổi đừng chạy phá lung tung. Nhưng đứa nhỏ vẫn chạy lăng xăng, bởi nơi ấy đã quá quen thuộc với nó. Mọi người cũng không vì thế mà cảm thấy phiền hà. Trước đây chị Diệu làm công nhân may. Hơn một năm nay, hai vợ chồng họ chuyển đến làm chổi. Chị Diệu làm những khâu nhẹ nhàng như móc chổi, lựa tua, còn chồng chị thì ráp quạt, đóng cán. Mỗi tháng thu nhập của hai vợ chồng cũng khoảng 11 - 12 triệu đồng mà lại có thời gian chăm con và không phải lo nghĩ tiền nhà trọ. Thời gian làm việc lại hoàn toàn chủ động.

Nghe người giới thiệu, vợ chồng chị Trần Thị Loan, 38 tuổi, quê ở tỉnh Hậu Giang cũng đến chỗ chị Ba xin làm. Do chị có hai đứa con sinh đôi chưa tròn một tuổi và một đứa  đang học lớp Năm nên mẹ chồng và em chồng cũng đầu quân để tiện việc đỡ đần người thân. 

Anh Sáng, người gợi ý và truyền nghề cho chị Thanh Đông, đã qua đời, vợ và các con anh đã trở về quê sinh sống, nhưng chị Đông vẫn đều đặn gửi nguyên vật liệu về quê để gia đình làm nghề, có thu nhập.

Trước sự thành đạt của cơ sở sản xuất chổi Phước Lộc hôm nay, ít ai biết rằng, trước đây vợ chồng bà chủ cũng từng trải qua giai đoạn rất khó khăn: chồng đi làm thuê, vợ ở nhà chăm sóc, đưa đón hai con nhỏ đi học. Vì khát khao có chiếc xe máy để đưa đón con, họ đã ngỏ lời vay tiền rồi trừ dần vào lương, nhưng đã bị từ chối. Kể từ đó, chị Thanh Đông luôn ấp ủ giấc mơ làm giàu để có tiền sẽ giúp đỡ lại cho những người khó khăn. Bởi thế, khi bắt tay vào làm chổi, lúc nào chị cũng cố gắng hết mình và nghĩ đến cuộc sống của những người thợ. Cũng nhờ đối đãi với nhau bằng tấm chân tình nên những người thợ đã đến với chị thì ai cũng hài lòng. 

Sự kết tinh của đất trời và đôi bàn tay lao động

Trở lại với những cây chổi đót Phước Lộc trên thương trường, chúng tôi được nghe nhiều người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, độ bền, độ khít của quạt chổi, cầm nhẹ tay và rất sạch bông. Chị Đông cho biết, chổi được làm từ bông cỏ thiên nhiên 100%. Bông cỏ được tuyển lựa từ Huế, Quảng Ngãi và bên Lào, được phơi dưới trời nắng đẹp từ 2 - 3 tiếng rồi mới được đưa vào máy tuốt sạch bông nên khi quét không để lại bụi. Cánh quạt chổi mỏng nhưng luôn đảm bảo độ khít, chắc chắn và được ráp vào hộp. 

Để có được những ưu điểm và đứng vững trên thị trường, cây chổi Phước Lộc hôm nay đã thay đổi rất nhiều so với khởi đầu. Chắt lọc những góp ý của khách hàng, chị Thanh Đông đã nghiên cứu và thiết kế lại mẫu chổi để lưỡi chổi mỏng, nhẹ hơn, cán chổi nhỏ gọn và dễ cầm hơn. 

Mỗi cây chổi hoàn chỉnh phải trải qua gần chục công đoạn gồm xé đót, lựa đót, quấn lọt, ráp quạt, phơi suốt bông. Riêng phơi suốt bông là công đoạn rất quan trọng vì nếu phơi không đủ nắng, bông suốt sẽ không sạch, nếu bông gặp nước sẽ bị giòn và gãy. Do vậy, mỗi khi phơi bông là cả xưởng phải thay nhau canh chừng. Sau khi bông cỏ được suốt sạch, người thợ lại tiếp tục móc kẹp chổi, đóng cán, rồi chuyển qua khâu hoàn thiện sản phẩm. 

Cây sậy mọc lên từ đất, trổ cờ, ra bông. Những cây chổi thương hiệu Phước Lộc của bà chủ Lê Thị Thanh Đông được làm ra từ những bông sậy, là kết tinh của đất trời, kết hợp với sự khéo léo của những đôi bàn tay siêng năng lao động, gắn bó và yêu thương nhau trong quá trình suốt 20 năm qua. 

Thiên Ân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI