Người đàn bà độc ác

04/02/2020 - 18:06

PNO - Người mẹ đó có thể sẽ bị bỏ tù. Nhưng còn bao nhiêu phụ nữ đang “chung thân” trong những ẩn ức, chịu đựng chất chồng, kéo theo cuộc giam hãm của những đứa trẻ phụ thuộc?

Khi xem clip bé trai bị tròng dây qua cổ và kéo, rồi đánh đập dã man, người ta căm phẫn tột độ. Nhưng khi được biết người gây ra tội ác đó chính là mẹ đứa bé, sự phẫn nộ mới thực đạt đỉnh, chuyển thành một kiểu tuyệt vọng. Nếu trước đây, những bảo mẫu bạo tàn từng khiến người ta rạn vỡ niềm tin vào sự che chở của một nữ giáo viên mầm non. Thì lúc này, người mẹ hành hung dã man chính giọt máu của mình lại càng khiến người ta sụp đổ niềm tin vào bản năng yêu thương, che chở của một người phụ nữ. 

Lẽ nào, thế giới đã đặt niềm tin nhầm chỗ? Lẽ nào phụ nữ không phải là sứ giả của yêu thương - khi chính họ, ngày càng nhiều, bộc lộ ra những bạo tàn với chính những đối tượng phụ thuộc vào sự nâng đỡ của họ?

Ảnh minh họa
Những hình ảnh đau lòng cắt ra từ các clip bạo hành trẻ em

Câu chuyện người mẹ ở Bình Dương còn đang giai đoạn điều tra, nhưng câu nói sau cùng của chị trong đoạn clip đã thực sự làm tôi chấn động. Sau những hành vi điên loạn liên tiếp, chị hất tung đồ đạc tạo ra những tiếng đổ vỡ loảng xoảng rồi gào lên “Trời ơi! Tôi điên rồi!". Câu nói này như được bật ra từ một trạng thái vỡ oà, khi mọi giới hạn chịu đựng đều đã bung vỡ.

Dẫu những thông tin ban đầu cho rằng người mẹ này đã từng trải qua nhiều cuộc hôn nhân và lần lượt, chị một mình nuôi 1, 2, 3 đứa con. Dẫu những bảo mẫu bạo hành trước đó cũng được cho rằng đã chịu một áp lực quá lớn trong công việc. Thì cũng không một sự chịu đựng nào có thể hóa giải được tội lỗi của họ, trước pháp luật. Thế nhưng, trong cuộc đụng độ giữa tất cả những “thuộc tính” của một người phụ nữ này, dường như cũng vỡ ra những mâu thuẫn trong chính những điều mà thế giới này cùng kỳ vọng ở họ.

Ngoài trọng trách yêu thương vốn được xem như một thiên chức, phụ nữ đã được tin tưởng về sự chịu đựng, sự tỉ mỉ, lòng kiên nhẫn. Trong việc giải quyết một căng thẳng bất kỳ, phẩm chất được kỳ vọng nhiều nhất ở phụ nữ - cũng chính là sự chịu đựng. Thế nhưng, có một người nào có thể vừa chịu đựng, vừa yêu thương được không? Và xã hội, gia đình, những người - người - phụ - nữ - đi - trước đã truyền dạy họ những gì trong những tình huống kinh điển đó, nếu không phải là “im lặng đi, cho qua đi, ráng đi…”.

Những người phụ nữ tội lỗi, mà cụ thể là những cô bảo mẫu, những người mẹ bạo hành luôn luôn được phát hiện ra rằng đã chịu đựng quá nhiều những áp lực trước đó. Dĩ nhiên đến lúc này, những áp lực đó đã trở nên có lý, ví như một cô giáo phải chống chọi cả chục đứa trẻ, một người vợ phải im lặng quá lâu trước những vô tâm, vô lối của chồng... Nhưng, chồng, cấp trên - hay bất kỳ điều gì liên quan đến gia đình và công việc là những đối tượng kinh điển mà phụ nữ vẫn được giáo dục rằng phải chịu đựng. Để rồi, sự phản kháng đã bị vô hiệu trước đối tượng đó có thể mất đi đâu? Nếu nó không dễ dàng trỗi dậy với đứa con, hoặc bất kỳ một đối tượng yếu đuối, phụ thuộc nào khác trong tay họ? 

Mầm mống của sự độc ác đã hình thành từ đó. Nó không chỉ biểu hiện ra bằng những hành vi vi phạm pháp luật như việc bạo hành trẻ con. Mà những điều ác vặt cũng dễ dàng bộc lộ ra từ một người đàn bà ở mức độ thường xuyên và hồn nhiên hơn thế. Nó làm nên những sự soi mói, khó chịu với những người phụ nữ xinh đẹp hạnh phúc, và cả sự hả hê thầm kín với sự bất hạnh của một người nữ quanh mình. Cái ác vặt cũng vượt ra khỏi sự thầm kín, nó hiện thân trong những cơn hành ác hồn nhiên và vặt vãnh, mà tính sát thương cũng không hề kém cạnh.

Có một câu cửa miệng rất hay được phụ nữ sử dụng khi sự việc vỡ lở, rằng: “Chẳng qua là tôi không nói ra!” hoặc “chẳng qua là tôi chịu đựng”. Từ bao giờ, việc “không nói ra” và “chịu đựng” một điều (mà bản thân thấy) bất hợp lý lại trở thành một loại “công đức” như thế?

Giáo dục về sự chịu đựng là một loại giáo dục không lành mạnh. Nó nuôi dưỡng cái ác, từ những cái ác vặt vãnh đến những cái ác có tính… hình sự. Nó gieo sự phản kháng vào những đối tượng vô tội - sự phản kháng chỉ thuần tuý tấn công và bắt nạt, không có tính giải quyết. Từ việc thui chột ý thức phản kháng, nó tước mất của họ cơ hội đối diện với từng vấn đề nhỏ trước khi nó trở thành những nỗi ấm ức lớn. Nó đồng thời, tước luôn của họ khả năng học lấy những phép phản kháng lành mạnh. Để khi sự chịu đựng đi đến bờ vực, nó lại đưa đến những phản kháng sai đối tượng, sai cách, và... bung bét.    

Chúng ta đã có một thời kỳ mê lầm quá dài khi đã hết lời ca ngợi sự chịu đựng của phụ nữ. Nhiều gia đình, nhiều tổ chức, và gần như cả xã hội rất có thể đang vận hành êm ấm trên sự chịu đựng của một hoặc nhiều người phụ nữ. Nhưng, đó là một sự êm ấm nguy hiểm. Sự vô tâm, vô cảm và lấn lướt của bạn có thể gieo mầm ác trong những người đang chịu đựng bạn. Và bản thân bạn nữa: một lần thỏa hiệp với sự ấm ức, bất hợp lý với mình - là một lần bạn cho cái ác thêm cơ hội để xâm chiếm mình.

Những cô giáo mầm non bạo hành trẻ, hay cả người mẹ vừa bị phát tán clip hành hạ con mình rồi sẽ bị bỏ tù vì hành vi của mình. Nhưng ngoài kia, còn có biết bao nhiêu người phụ nữ bị đang “chung thân” trong những ẩn ức, chịu đựng chất chồng, kéo theo cuộc giam hãm của những đứa trẻ phụ thuộc, những gia đình được nuôi nấng trong bầu năng lượng độc hại của họ?

Định luật bảo toàn năng lượng được xem là chưa từng có ngoại lệ. Vậy thì lúc này, những “người xây tổ ấm", “người giữ lửa" đó lấy đâu ra yêu thương, hạnh phúc để thổi vào những đứa con, để nuôi nấng gia đình của nọ - khi họ không hề có hạnh phúc?

Minh Trâm

 
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI