Người cựu chiến binh xây nhà thờ Bác Hồ

20/05/2022 - 06:51

PNO - Cứ gần đến ngày 19/5, vợ chồng cụ Võ Như Thông lại tỉ mẩn lau chùi từng bức ảnh ở nhà thờ Bác Hồ để chuẩn bị đón các đoàn cựu chiến binh, cán bộ địa phương, học sinh đến tham quan. Khu đền thờ này được cụ Thông xây cách nay 15 năm.

 

Nhà thờ Bác Hồ và các bậc tiền hiền được xây dựng trong khuôn viên nhà cụ Thông
Nhà thờ Bác Hồ và các bậc tiền hiền được xây dựng trong khuôn viên nhà cụ Thông

Cụ Võ Như Thông - còn được gọi là Võ Như Tông, Tử Vi Dân, năm nay 88 tuổi - là cựu chiến binh, hiện trú tại tổ Đồng Trường 2, thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Năm 1947, cụ đã tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1955, cụ tập kết ra Bắc, thuộc đơn vị trinh sát đặc công. Năm 1964, cụ cùng đồng đội trở vào Nam chiến đấu, lấy biệt danh Tử Vi Dân với ý nguyện “vì nhân dân hy sinh”. 

Lúc này, cụ quen biết cô y tá quân y Huỳnh Thị Thuyền nhỏ hơn mình 13 tuổi và sau này nên duyên vợ chồng. Sau giải phóng, ông về Trà My công tác đến lúc về hưu với quân hàm thiếu tá.
Khi đơn vị còn đóng quân ở tỉnh Nghệ An, cụ Thông vinh dự gặp Bác Hồ. Hình ảnh, phong cách giản dị của Bác luôn in đậm trong tâm trí cụ Thông.

Năm 2008, sau nhiều đêm trăn trở, cụ bàn với vợ và cùng quyết định xây dựng một ngôi nhà thờ dành cho Bác Hồ và các bậc tiền hiền đã có công dựng nước và giữ nước.

Cụ Thông ra tận làng đá Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) nhờ tạc bức tượng Bác Hồ cao 1,6m rồi đưa về nhà thờ, dùng đá xanh - một loại đá đặc trưng của huyện Bắc Trà My - xây đài cao 1,7m để an vị tượng. Cụ tiếp tục bỏ ra hơn 50 triệu đồng để xây dựng một căn nhà ba gian bốn mái để đặt bàn thờ và trưng bày những hình ảnh, sách báo về Bác. 

Khi đi đến đâu, cụ Thông cũng sưu tầm hình ảnh, sách báo và những câu chuyện kể về Bác Hồ để trưng bày trong nhà thờ. Cụ sưu tầm cả những bức thư pháp chép những bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh rồi đóng khung, treo lên trang trọng. Cụ còn ra tận nơi, lấy một nắm đất ở quê nội và một nắm đất ở quê ngoại của Bác Hồ, đem về đặt dưới di ảnh của Người mà thờ tự.

Cả khu nhà thờ rộng hơn 100m2, tổng tiền đầu tư gần 200 triệu đồng. Đúng dịp kỷ niệm 98 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/2009), cụ thắp nén hương thành kính xin Bác được lập nhà thờ để người dân miền núi có nơi hương khói cho Người.

Bây giờ, khuôn viên của khu nhà thờ đã được nâng cấp lên rất nhiều. “Cứ tích cóp được ít tiền là ba lại làm cho khu nhà thờ thêm đẹp. Đây là tâm huyết cả đời của cụ nên chúng tôi rất ủng hộ” - con trai cụ Thông nói.

Ông Võ Như Thông giới thiệu về những hình ảnh và tư liệu do ông sưu tầm, trưng bày tại nhà thờ Bác Hồ
Ông Võ Như Thông giới thiệu về những hình ảnh và tư liệu do ông sưu tầm, trưng bày tại nhà thờ Bác Hồ

Cứ mỗi năm, đến dịp kỷ niệm sinh nhật Bác (ngày 19/5) hay lễ Quốc khánh (2/9), cụ Thông lại làm mâm cơm để con cháu trong nhà và người dân quanh đó đến thắp hương tưởng nhớ Bác. “Chỉ có năm 2021 vừa rồi, tôi không làm ngày giỗ cho Bác được do đang có dịch nên chỉ làm bữa cơm rồi thắp nhang cho Bác” - cụ Thông kể.

Ngoài gian thờ Bác Hồ, cụ Thông còn có gian thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, chí sĩ Phan Châu Trinh, chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu (thủ lĩnh phong trào Nghĩa hội cần vương Quảng Nam), Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng, chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Trần Thị Lý… và mới đây nhất là bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Tôi xây nhà thờ với mong muốn con cháu luôn nhớ đến những người đã đổ công lao, tâm huyết, trí tuệ và cả máu xương cho đất nước” - cụ Thông nói. 

Nguyễn Dương

 
TIN MỚI