Người bình thường tử tế

02/10/2020 - 07:47

PNO - Bà Nguyễn Thị Tươi, 53 tuổi, ở khu phố 3, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, bảo rằng mình chỉ là một người lao động bình thường, không giàu có, nhưng cũng không đến mức đói nghèo, vậy nên việc sẻ chia chén cơm, manh áo với bà con khó hơn là lẽ tự nhiên mà trái tim cho là phải.

Mới 35 tuổi, nhưng cơ thể chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, ở tổ 8, khu phố 3, P.Hiệp Bình Phước, đang bị bào mòn từng ngày bởi căn bệnh ung thư đại trực tràng giai đoạn 4. Chị phải phẫu thuật tạo hậu môn giả và bàn chân trái thì co rút. Ngày cuối tuần, trên chiếc giường xếp kê sát tường, chị ngồi thở nặng nhọc. Nhác thấy bóng bà Tươi ngoài cửa, nước mắt chị lã chã rơi. Bà Tươi vội vã bước vô, rầy: “Nín đi con, khóc nhiều cơ thể sẽ mệt thêm. Còn nước còn tát, cố gắng trị bệnh”. Bà Tươi đưa Mạnh Thường Quân tới thăm, hỗ trợ Nhung ít tiền, cộng với ít nhu yếu phẩm do bà chuẩn bị. “Tôi biết Nhung cả chục năm nay. Anh em Nhung mồ côi, sống với ngoại từ nhỏ. Sau này lập gia đình, có căn nhà cấp bốn ngoại để lại thì anh nhường em. Hồi còn khỏe, Nhung đi giúp việc nhà, chạy xe đưa rước học sinh, chồng là thợ cơ khí. Thấy hai đứa chăm chỉ, tôi rất mừng, ngờ đâu tai họa ập đến như vầy” - giọng bà Tươi nghe rất buồn. 

Bà Tươi (trái) đưa Mạnh Thường Quân tới nhà động viên, tặng quà cho chị Nhung
Bà Tươi (trái) đưa Mạnh Thường Quân tới nhà động viên, tặng quà cho chị Nhung

Chị Nhung phát bệnh hai năm trước. Bây giờ, chị đã yếu nhiều, trong khi hai đứa con, đứa lớp ba, đứa mới vào mẫu giáo. Tháng nào bà Tươi cũng gói ghém tiền bạc, nhu yếu phẩm mang tới cho. 

Vợ chồng bà Tươi có trồng một vườn rau trên sân thượng với đủ các loại rau thơm, ớt, cải, rau muống, rau dền, mồng tơi, hoa đậu biếc. Sản phẩm làm ra bà mang chia cho bà con lối xóm, trong đó có chị Nhung. Mỗi lần thấy bà, chị lại khóc. Chị nói: “Cô Tươi giống như người mẹ mà tôi luôn ao ước, tưởng tượng trong đầu. Từ ngày phát bệnh, tôi càng biết ơn tấm lòng cô. Những việc cô làm đã cho tôi niềm tin vào tình người và sự tử tế”.   

Hoàn cảnh éo le không kém Nhung là bà Tống Thị Nguyệt, 64 tuổi, ở đường số 17, tổ 3, khu phố 3, P.Hiệp Bình Phước. Bà Nguyệt bị gai khớp gối, không còn đi lại được, phải lết hai chân. Bà Nguyệt không lập gia đình, trước là nhân viên trạm xăng, nay ở nhà cắt chỉ quần áo để kiếm mấy chục ngàn đồng mỗi ngày. Thương hoàn cảnh đó, bà Tươi có cơm sớt cơm, có rau cho rau, mang tới tận nhà để cho, đến nỗi bà Nguyệt phải nói rằng: “Tôi không có hộ khẩu ở đây mà sao cô thương tôi như vậy”. Nghe vậy, bà Tươi chỉ cười: “Chuyện hộ khẩu đâu có liên quan đến tình người, tôi thương chị, vậy được rồi”. 

Chuyện cơm, rau chỉ là một phần trong những việc nghĩa mà bà Tươi đã và đang làm. Có lần tôi đến nhà nhân lúc bà đang lúi húi trên sân thượng chăm vườn rau cùng chồng. Ông Trần Văn Nhàn, 63 tuổi, chồng bà Tươi, cười nói: “Bả lo chuyện xã hội quanh năm. Ngồi đây chứ bả đang chuẩn bị xách xe chạy xuống Dĩ An, Lái Thiêu (Bình Dương) xin quần áo về chia sẻ cho mọi người đó”. Chuyện “đi xin” này, bà Tươi đã thực hiện từ năm 2017. Dù xa hay gần, mưa hay nắng, hễ có ai nhắn tin cho là bà chạy tới chở quần áo về nhà, phân loại, giặt giũ, sắp xếp cẩn thận rồi mới đem tặng bà con lối xóm. Hồi đầu, ông Nhàn còn càm ràm, nhưng nay thì ông đã đồng hành cùng vợ, bà đi đâu, làm gì đều có ông. 

Vợ chồng bà Tươi chăm bẵm vườn rau để chia sẻ cho mọi người
Vợ chồng bà Tươi chăm bẵm vườn rau để chia sẻ cho mọi người

Gia đình bà Tươi có khu trọ 12 phòng xây từ năm 2001. Nhiều gia đình đã ở đây suốt 20 năm với ba thế hệ. Bà Tươi mở tiệm tạp hóa bán các loại gia vị, mì gói, nước giải khát cho anh em công nhân. Nói là bán, kỳ thực, phần nhiều hàng hóa mua về bà đều phân ra để cho tặng mỗi mùa Vu Lan, lễ, tết. Những cặp vợ chồng trẻ thuê trọ có con nhỏ thì gửi bà chăm, lo ăn uống những lúc tăng ca. Dịch COVID-19, bà giảm tiền phòng ít nhất là 100.000 đồng/phòng/tháng cho mọi người.

Hồi tháng Bảy, bà con sống trong hẻm số 2 và cả tuyến đường 15, tổ 10, khu phố 3, P.Hiệp Bình Phước reo vui trong ngày hoàn tất việc nâng cấp con đường; cảnh ngập quá đầu gối, học sinh đi học, người lớn đi làm té nháo nhào mỗi khi trời mưa đã thành quá vãng. Người góp công lớn để hoàn thành công trình này là bà Tươi. Bà đã gõ cửa từng nhà để vận động bà con cùng góp tiền, góp sức. Bà giãi bày: “Lúc đầu, tôi bị mỉa mai dữ lắm, mọi người bảo tôi lo chuyện bao đồng. Mình mà nản hay tự ái thì việc chẳng bao giờ xong. Nhưng có lẽ vì trước đó thấy tôi hay đi vét cống, dọn đường nên bà con cũng thương mà nghe mình. Lâu dần, những nhà khá giả còn chủ động góp tiền thay cho hộ khó khăn, tất cả vì lối đi chung thoáng mát, sạch sẽ”.

Tham gia hoạt động Hội từ năm 1996, hiện bà Tươi là Chi hội phó Chi hội Phụ nữ khu phố 3, P.Hiệp Bình Phước. Bà nói, tâm nguyện tuổi xế chiều của mình là tiếp tục con đường chia sẻ khó khăn với mọi người bởi ngoài kia những cảnh đời éo le còn nhiều quá. 

Thảo Nguyên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI