Ngọc của rừng

12/04/2020 - 07:38

PNO - Từ một viên ngọc thô của rừng, nếu chịu khó mài giũa, đác nhanh chóng trở thành một viên ngọc quý.

Tháng Tư, các loại cây ăn trái sắp vào vụ thu hoạch ở mọi miền. Khánh Hòa, Phú Yên mùa này khắp nơi đang rộn ràng bởi những hạt đác cũng vào độ chín ngon nhất trong năm.

Mùa đác chín

Cây đác (còn gọi là đoác, cây tà vạt, cây dừa núi) là một loại cây hoang dã, cao từ 6 - 10m, họ dừa. Thân và tàu lá hao hao cây dừa, trái mọc thành từng buồng thả dài từ ngọn xuống. Từ cuống của những buồng trái này tiết ra thứ nước đường ngọt thơm, giống như cây dừa nước mọc nhiều ở miền sông nước.

Cây đác cao lớn với nhiều buồng trái chi chít
Cây đác cao lớn với nhiều buồng trái chi chít

Thứ nước đường đó được người ta tận dụng để làm mật, làm đường nấu chè đều rất ngon. Người ta cũng dùng phương pháp lên men cho thứ nước này trở thành rượu đác độc đáo.

 Đác là cây ưa khí hậu nhiệt đới châu Á, có mặt khắp nơi từ Malaysia, Indonesia, Philippines… Ở Việt Nam, đác mọc nhiều trong rừng sâu ở Khánh Hòa, Phú Yên. Các chân núi ẩm thuộc Cao Bằng, Lạng Sơn cũng có đác. Và đác nơi này lại mang một cái tên đặc trưng vùng miền: cây bụng báng. Trong thân cây chứa rất nhiều bột. Từ lâu, người ta đã tận dụng bột của loại cây này để tạo ra một nguyên liệu cực kỳ gần gũi để nấu chè: bột báng.

Tôi đoan chắc rằng rất nhiều chị em quen việc mua bột báng về nấu chè nhưng hầu như rất ít ai biết thứ bột này có nguồn gốc từ đâu. Vậy đó, chỉ từ một loại cây trong rừng sâu mà lại mở ra nhiều điều bất ngờ thú vị. Khám phá cây đác, là khai thông được một số kiến thức tự nhiên hay ho, độc đáo, khiến ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

 Phải mất 10 năm, cây đác trưởng thành mới cho trái. Sau khi thu hoạch trái, lại phải chờ thêm ba năm để cây cho lứa trái tiếp theo. Trái già có thể trụ lại trên cây đến gần 5 năm. Vì đặc tính này, đác không được chuộng để trồng khai thác kinh tế. Chúng chỉ âm thầm mọc ở các khu vực ẩm thấp sâu trong rừng. Nhưng nhờ vậy mà cây phát triển tốt, hầu như mỗi lần cho trái đều là những buồng chi chít, trĩu trịt, xanh mướt, căng tròn.

Từ tháng Tư, người ta bắt đầu vào rừng khai thác đác. Tháng này, đác vừa “chín tới”. Mỗi trái đác chỉ lớn bằng quả táo, chứa ba hạt màu trắng đục bên trong. Nhiều người không rành, chưa tận tay, tận mắt chạm vào hạt đác thì ngỡ là nó giống hạt thốt nốt hay dừa nước.

Thật ra, chúng cũng họ hàng gần nhưng “con cháu” thì lại không đứa nào giống nhau cả. Trong khi hạt thốt nốt to lớn vạm vỡ bằng hai quả trứng thì hạt đác chỉ khiêm tốn bằng đốt tay người lớn, bẹt như hạt đậu ngự, còn dừa nước thì lại vừa vặn một múi mít. 

Hạt đác - những hạt ngọc quý của rừng
Hạt đác - những hạt ngọc quý của rừng

Mùa thu hoạch đác thường rộ vào đầu tháng Tư đến tháng Sáu. Lúc này, hạt đác có độ mềm vừa phải, dẻo, bùi và béo. Từ sau tháng Sáu, đác đã già sẽ trở nên cứng hơn, đôi khi hạt đã có mầm non màu vàng nhạt. 

Trái đác hình dạng giống trái dừa nhưng lại có rất nhiều lông tơ bao phủ, gây ngứa khi tiếp xúc. Vậy nên, muốn lấy hạt đác, những buồng đác sau khi được hạ thổ phải “thui” (đốt) cho sạch lông tơ, rồi mới kẹp vỏ cho bung hạt.

Dụng cụ kẹp đác khá thô sơ, giữa núi rừng có gì dùng nấy, chỉ là ống tre, nứa già chẻ đôi, người ta đặt quả đác vào, kẹp chặt cho hạt bung. Sẽ không ngoa nếu gọi những hạt đác trắng đục với lớp da trơn láng mịn màng ngon lành kia chính là những hạt ngọc quý giá mà rừng ban tặng cho con người. 

“Nhỏ nhưng có võ”

Theo một số tài liệu, hạt đác ít calorie và chất béo bão hòa, chứa nhiều xơ và vitamin thiết yếu cùng các khoáng chất cần thiết khác như sắt, kali, magie, canxi, natri và photpho. Vì vậy, ngoài tác dụng giải khát, thanh nhiệt, đác còn hỗ trợ tiêu hóa, phòng ngừa táo bón, hỗ trợ điều trị viêm khớp rất tốt. Với chị em, hạt đác vừa là món ăn chơi vừa là bài thuốc dưỡng nhan bởi cơ thể được thanh nhiệt sẽ giúp làn da khỏe mạnh, ít viêm nhiễm.

Hạt đác không nhiều năng lượng nên rất ít khả năng gây tăng cân, trừ khi dùng với quá nhiều đường hoặc chất béo khác. Hạt đác thuộc loại thực phẩm tự nhiên, không chất bảo quản, không có sự can thiệp của thuốc bảo vệ thực vật nên rất an toàn khi sử dụng. Người ta thích ăn hạt đác vì nó ngon, dễ ăn, ăn không hoặc kết hợp với các món ăn chơi khác như sữa chua, chè, sương sa hột lựu, trà sữa đều hợp và giúp món ăn hấp dẫn hơn. 

Nếu cầu kỳ trong cách ăn, mang đi rim đường thành món đác rim thơm, đác rim chanh dây hay phối trộn với chè khoai dẻo, với bánh lọt, trân châu… thì con nít chỉ cần nhón mấy hạt đác sống, chấm một chút đường là thấy cả một “chân lý” ẩm thực: nhanh-ngon-gọn-lẹ. 

Đác “thẳng tiến” Sài Gòn

Sài Gòn vốn là thiên đường ẩm thực. Món ngon tứ xứ nghĩ là hiếm nhưng chịu khó lê la hàng quán Sài Gòn một hồi cũng sẽ tìm ra. Hạt đác đặc sản miền Trung này cũng vậy. Từ lâu, người Sài Gòn không còn lạ lẫm khi ăn ly chè thập cẩm, cắn phải cái hạt dẻo mềm, bùi bùi, không cần réo gọi chủ quán hỏi cho ra nó là cái thứ chi. Đác đó, không phải đậu nghen! 

Đác dễ ăn nhưng không dễ quên. Cái thứ hạt không mùi, không vị, cũng không quá bắt mắt để người ta bị kích thích thị giác ngay lần đầu. Nhưng đã ăn đác rồi sẽ ghiền, sẽ rất nhớ cái dẻo mềm của nó. Gần đây, một quán chè đác lấy nguyên liệu đác tươi từ Nha Trang về Sài Gòn, làm nên một thương hiệu chè đác ngon đặc biệt khiến tiếng tăm vươn xa ra tận Vũng Tàu, Đồng Nai, số lượng bỏ sỉ hàng tháng đã lên cả tấn đác rim.

Đác về tay chủ quán “rặt Sài Gòn” lại được tẩm ướp qua thứ màu tuyệt đẹp của hoa bụp giấm, lá cẩm, tựa như “vịt hóa thiên nga”, khiến người ta không khỏi trầm trồ trước mớ hạt dẻo ngon, màu sắc đẹp hết nấc.

Đác không chỉ khoe vẻ đẹp riêng mà được phối trộn với bánh lọt, trân châu, hạt lựu, trái cây tươi cho ra một tô chè đác đẹp hài hòa. Từ một viên ngọc thô của rừng, nếu chịu khó mài giũa, đác nhanh chóng trở thành một viên ngọc quý. 

Nếu thích rim đác theo ý mình, như rim với chanh dây, trà xanh, lá dứa, dâu tằm… chị em có thể tìm mua đác tươi về tự làm. Đác tươi Nha Trang xuất hiện nhiều ở khắp Sài Gòn, các đại lý chuyên hàng Nha Trang, trên các sàn thương mại điện tử.

Đác ngon là loại hạt thuôn dài đều nhau, màu trắng đục, hơi nhớt. Đây chính là đặc tính của đác rừng tự nhiên, lành tính, không độc. Nếu thấy đác trắng trong là đác đã bị ngâm chất tẩy, không nên mua. Đác già khi bóp thử sẽ cảm nhận được độ cứng, ăn sần sật, không dẻo. 

Đác mua về phải được làm sạch trước khi chế biến. Đầu tiên, phải rửa qua nhiều lần để tẩy hết chất nhớt, cho nước cốt chanh, ít muối vào ngâm đác để “tắm trắng” cho đác. Sau đó, trụng đác qua nước sôi trong khoảng 5, 10 phút nhằm khử mùi nhựa đác.

Ướp đác với đường, thơm hay dâu tằm, bụp giấm… hoặc bất cứ thứ nguyên liệu nào bạn thích trong một vài giờ cho đác ngấm đều rồi rim. Rim đác rất nhanh, chỉ tầm 15-20 phút, khi nào thấy hạt đác trong, đường sệt lại kéo thành sợi là đạt, đừng để quá khô kẻo đác sẽ bị cứng. Đác rim có thể kết hợp với sữa chua, chè, bánh flan, trà sữa đều độc đáo, ngon lành. 

 Đác ngon nhất là vào tháng Tư. Nhưng thời bây giờ, nhờ công nghệ bảo quản hiện đại nên khắp nơi đều có thể thưởng thức đác bất kể mùa nào. Nhờ vậy mà mỗi khi cơn thèm đác ngấp nghé dâng lên, người ta lại ung dung đi mua đác về nhâm nhi cho đỡ buồn miệng.

Người Sài Gòn thì càng thong thả hơn, không việc gì phải cuống cuồng. Thèm ư? đặt ngay một phát là có người giao đác tận nơi. 

Tại Sài Gòn, bạn có thể đặt đác rim, chè đác tại địa chỉ: Chè Miss Đác - 115 Phùng Văn Cung, P.2, Q.Phú Nhuận. 
Đây là quán chè thập cẩm với nguyên liệu chính là đác rim hoa bụp giấm, đác rim lá cẩm thơm ngon, ít ngọt đang rất được ưa chuộng tại Sài Gòn. 

Trần Huyền Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI