Nghề nghiệp nhân vật trong phim: Đừng xem nhẹ

27/10/2022 - 06:03

PNO - Chuyện nghề nghiệp, công việc của các nhân vật trong phim Việt thường được xem là yếu tố phụ, nên chỉ làm qua loa, hời hợt, ít khi được khắc họa đầy đủ, tỉ mỉ, kể cả ở những phim làm về nghề.

Có vỏ chưa có ruột

Nhân vật là trung tâm của câu chuyện phim. Phim có thuyết phục hay không tùy vào sự đáng tin của nhân vật. Vì khi nhân vật được miêu tả chân thật sẽ đem lại cảm xúc chân thật cho khán giả. Một trong những tiêu chí để nhân vật đáng tin là có những hành động, suy nghĩ phù hợp với hoàn cảnh, tính cách, công việc mà biên kịch quy định. Nói vậy để thấy yếu tố nghề nghiệp của nhân vật tuy phụ, nhưng không kém phần quan trọng.

Hai phim về nghề mới lên sóng hiện nay là Hành trình công lý (trên) và Bếp trưởng tới (dưới)
Hai phim về nghề mới lên sóng hiện nay là Hành trình công lý (trên) và Bếp trưởng tới (dưới)

Phim Việt làm về ngành nghề đặc thù tuy không nhiều, nhưng thỉnh thoảng vẫn có. Công việc, ngành nghề của các nhân vật trên màn ảnh khá đa dạng. Có điều, ít phim nào làm người xem thỏa mãn khi lột tả khía cạnh chuyên môn của ngành nghề đó. Nghề nghiệp gán cho nhân vật gần như chỉ là một lớp vỏ trang trí, một tấm áo khoác cho có màu sắc.

Phim truyền hình Hành trình công lý được làm để tuyên truyền đậm nét hình ảnh và công việc của người cán bộ kiểm sát, về hoạt động của ngành kiểm sát. Tuy nhiên, xem sáu tập đầu tiên của phim, khán giả vẫn chưa thấy phim miêu tả gì nhiều về đặc thù công việc của các kiểm sát viên.

Sitcom mới phát Bếp trưởng tới - một bộ phim hài tình huống khai thác nghề đầu bếp - cũng thiếu những khung hình đặc tả quá trình chế biến, trình bày món ăn. Khán giả cũng chưa thấy các nhân vật đầu bếp trong phim thực hiện những màn cầm dao hay xốc chảo điệu nghệ. Món ăn Ngũ phúc thủy tinh phim nhắc đến và được đoàn phim quảng bá rằng có chi phí nguyên liệu lên đến khoảng 50 triệu đồng cũng không thấy miêu tả quá trình chế biến ra sao.

Một số phim tuy không làm về ngành nghề, nhưng công việc của nhân vật có tham gia đường dây câu chuyện phim cũng trong tình trạng tương tự. Hiếm phim thỏa mãn tò mò người xem mà đa phần chỉ dừng lại ở mức độ giới thiệu. Như phim chiếu rạp Người lắng nghe: Lời thì thầm kêu gọi nâng cao nhận thức về bệnh trầm cảm. Phim có đề cập phương pháp trị liệu nghệ thuật của bác sĩ tâm lý, nhưng chưa có nhiều phân đoạn xây dựng tỉ mỉ các hoạt động trị liệu. Chưa kể việc để nhân vật nhà tâm lý Tường Minh xử lý tình huống bệnh nhân đòi nhảy lầu cũng gây lấn cấn. Bởi ngoài đời, việc xử lý một tình huống khẩn và có độ nguy hại tính mạng cao như vậy phải do lính cứu hỏa, cảnh sát cơ động thực hiện.

Lửa ấm - phim truyền hình về nghề lính cứu hoả
Lửa ấm - phim truyền hình về nghề lính cứu hoả

Chờ đợi thay đổi tư duy làm phim

Tâm lý ngán ngại khai thác sâu vào khía cạnh chuyên môn nghề nghiệp là điều dễ hiểu, vì không phải biên kịch nào cũng am hiểu sâu về ngành nghề muốn đề cập. Tuy nhiên, có thể bổ sung bằng cách nhờ các nhà chuyên môn tư vấn. Quan trọng nhà làm phim có muốn đầu tư kịch bản cho phần này hay không. 

Còn nhớ trong phim chiếu rạp Chị trợ lý của anh, có đoạn nhân vật nữ chính Khả Doanh (Mỹ Tâm đóng) ứng tuyển vào vị trí trợ lý giám đốc một công ty cà phê. Các phân đoạn nhân vật bàn bạc trao đổi về sản phẩm cà phê được diễn giải rất rõ ràng, cụ thể, cung cấp nhiều thông tin thú vị, khiến người xem hào hứng theo dõi.

Từ lời thoại, thiết kế, hình ảnh đều mang đến cảm giác nhà làm phim rất am tường về cà phê. Trong phim Nghề siêu dễ, các nhân vật mở quán cơm tấm và kinh doanh ăn khách nhờ món cơm tấm sườn bò nướng vị phở. Đoàn phim đầu tư nghiên cứu đưa hẳn món này ra ngoài thực tế để chứng minh tính chân thật của sự sáng tạo này. Đáng tiếc là những phim có sự đầu tư như vậy không nhiều. 

Trailer phim Nghề siêu dễ:

 

 

Nhìn chung, dù ở thể loại nào, nhân vật trong phim cũng phải có nền tảng tuổi tác, công việc, tính cách. Đó là những động lực dẫn đến các hành động có tính dẫn dắt câu chuyện phim phát triển. Nghề nghiệp trong phim vì vậy tuy là yếu tố phụ, nhưng không kém phần quan trọng. Nếu được làm tốt, đôi khi còn truyền được cảm hứng, định hướng nghề nghiệp cho người xem. 

Phải thừa nhận các phim về nghề hoặc có nhân vật làm nghề đặc thù luôn nhận được sự cố vấn của những người có chuyên môn. Thế nhưng không phải phim nào cũng chinh phục người xem, người trong nghề. Lý do là nghề nghiệp trên phim Việt hiện nay chỉ mới khắc họa bề mặt của công việc chứ chưa đi sâu vào bản chất. Người xem chỉ mới có được những hình dung về nghề đó ở bối cảnh, phục trang, chứ chưa thấy công việc này hấp dẫn ở điểm nào. 

Đã không thu hút, có phim lại còn mắc những “hạt sạn” chuyên môn, dù nhỏ nhưng lại tai hại, vì khiến người xem nhận thức sai lệch. Như trường hợp bộ phim Lửa ấm làm về nghề lính cứu hỏa. Tuy không mắc lỗi về chuyên môn phòng cháy chữa cháy, nhưng phim lại vướng lỗi về ngành y, khi phổ biến sai kiến thức đối với phơi nhiễm HIV/AIDS. Mặc dù trong quá trình làm phim, ê-kíp đã được tư vấn từ các bác sĩ, chuyên gia.

Phim ảnh Việt chưa đủ sức có nhiều bộ phim làm về các ngành nghề, có tác dụng định hướng lựa chọn nghề nghiệp. Do đó, người xem cũng chỉ mong phim làm thật tốt phần nghề nghiệp nhân vật (nếu có) được đề cập. Cần cho khán giả thấy nhân vật yêu công việc ra sao để người xem tin vào nhân vật, tin và yêu thích bộ phim. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI