Ngày Xuân, dạy con nói những lời hay

28/01/2020 - 06:04

PNO - “Bắt đầu từ giờ, các bà, các mẹ dạy con cháu chúc Tết đi nhe. Đầu năm dạy trẻ nói lời hay. Dù con nhỏ cỡ nào, cũng tập cho con nói”

Trong buổi họp mặt cuối năm của chi hội Phụ nữ ấp ở huyện Nhà Bè, chị Nguyễn Thị Bảy, một giáo viên về hưu, dặn dò chị em: “Bắt đầu từ giờ, các bà, các mẹ dạy con cháu chúc Tết đi nhe. Đầu năm dạy trẻ nói lời hay. Dù con nhỏ cỡ nào, cũng tập cho con nói, đừng chờ con lớn!”.

Lời nhắc của chị Bảy khiến chị em bật cười, rồi cùng gật gù, trừ câu chúc Tết. Lời hay của tụi nhỏ dành cho người lớn bây giờ sao ít quá!

 

 

Chúc Tết ông bà và được nhận lì xì (Ảnh: Internet)

Thực tế, nhiều bậc cha mẹ vẫn vô tư quan niệm: “Con nít mà biết gì, từ từ dạy bảo sau cũng được”. Một số cha mẹ khác lại suy nghĩ đơn giản: chỉ cần dạy con ngoan, biết vâng lời, chăm chỉ học hành, đạt điểm số, thứ hạng cao là đủ hãnh diện với mọi người. Còn các chuyện khác như ứng xử, nói năng… thì sẽ dạy sau, hoặc con sẽ học ở trường lớp với thầy cô. Đây là một quan niệm sai lầm, có khi muốn sửa chữa cũng không còn kịp nữa.


Muốn rèn luyện nhân cách, đạo đức cho một đứa trẻ thì không chỉ cần rèn cho trẻ chăm ngoan, học giỏi, bởi cách nói năng, hành xử của trẻ mới thể hiện rõ bản chất và tư duy của trẻ. Nếu trẻ không được dạy nói lời hay, hành xử tốt, thì dù trẻ tài năng, giỏi giang đến đâu, cũng khó đạt được thành công trong xã hội, khi không có lời hay để chinh phục người đối diện, không có hành xử đẹp để thuyết phục được cộng đồng. Lâu dần trẻ sẽ bị xa lánh, bị cô lập và cô đơn khi không có ai ủng hộ, đồng hành và chia sẻ, bởi những lời lẽ thiếu suy nghĩ, thiếu cân nhắc và các hành vi bộc phát theo bản năng, không có sự đồng cảm với mọi người.

“Lời hay” không phải là những ngôn từ hoa mỹ, mà chính là lời xuất phát từ tình cảm chân thành, từ sự quan tâm sâu sắc, từ sự chia sẻ, cảm thông. Lời hay sẽ luôn là câu đầy đủ ngữ nghĩa, đầy đủ chủ từ, túc từ với kính ngữ dành cho người lớn, ái ngữ dành cho bạn bè và lịch sự, đúng mực ở nơi công cộng, với số đông. Lời hay không phải là ngôn từ sáo rỗng, mà là câu từ trong sáng, không dùng tiếng lóng, nói lái hay những câu từ tối nghĩa, châm biếm, mỉa mai, bới móc về chuyện người khác để vui cười hay trêu chọc.

Còn nhớ trong lần trò chuyện với các bậc cha mẹ có con dưới 16 tuổi do Hội Phụ nữ tổ chức, Thạc sĩ tâm lý trẻ em Tô Nhi A từng nhắc phụ huynh: “Quý vị không thể nôn nóng bắt con mình lễ phép ngay ở tình huống A, B, C nào đó. Mà từng ngày, từ khi trẻ còn rất nhỏ, trước cả tuổi lên 3 cha mẹ đã phải dạy sự lễ phép cho trẻ. Và công việc này lặp lại suốt thời ấu thơ của trẻ, xin đừng lơ là”. 

Tặng quà và chúc Tết cũng cần phải học (Ảnh: Internet)

Khi một đứa trẻ mở đầu bằng câu thưa gởi ân cần, khi trẻ đưa hai tay ra nhận vật gì từ người lớn trao cho một cách kính cẩn, khi trẻ biết nói cảm ơn lúc được quan tâm và biết nói xin lỗi lúc làm điều sai… thì đó chính là những “lời hay” của trẻ. Dạy trẻ nói lời hay ngay từ lúc biết  bập bẹ nói năng bằng cách “dạ, thưa”. Dạy trẻ cảm ơn, xin lỗi khi bắt đầu ráp chữ đôi, chữ ba. Dạy trẻ hỏi thăm sức khỏe người thân, mời cơm, chúc ngủ ngon… Ban đầu dạy trẻ nói thành câu ngắn. Lâu hơn, cha mẹ sẽ dạy trẻ nói câu dài. Dạy trẻ phát âm tròn vành rõ chữ, nói vừa đủ nghe, rành mạch với thái độ chân thành, nghiêm trang mà cởi mở, tự nhiên hấp dẫn, thuyết phục được người nghe, người trẻ tiếp xúc dù chỉ mới lần đầu. Tập cho trẻ từ những ngôn ngữ đầu đời để điều đó trở thành thói quen, trẻ sẽ nói “lời hay” từ tâm thức, từ tấm lòng, như một bản năng của người được rèn luyện và giáo dục từ thời thơ bé.

Gần đây có rất nhiều cuộc thi trên truyền hình dành cho trẻ, và cả những chương trình thi không dành riêng nhưng vẫn có thí sinh nhỏ tuổi dự thi. Theo dõi các phần thi của những thí sinh nhí này chúng ta thấy, thí sinh nhỏ tuổi nào biết thưa gởi, nói năng rõ ràng, đầy đủ ngữ nghĩa của câu, thể hiện sự lễ phép và hòa nhã của mình, đều chiếm được cảm tình của ban giám khảo và khán giả. Cho dù các em không được điểm số cao, nhưng các em vẫn ghi dấu ấn sâu đậm trong mắt tất cả mọi người vì đã thể hiện rằng các em được giáo dục tốt. Do đó, các em chiếm được cảm tình lớn từ khán giả.

Tết là dịp để ông bà và con cháu doàn viên (Ảnh: Internet)

Trong cuộc sống sau này cũng vậy, khi lớn lên, biết nói “lời hay”, biết hành xử đẹp, các em sẽ được yêu quí, trân trọng và dễ dàng được quan tâm, dìu dắt. Dạy con không bao giờ là muộn, nhưng nếu dạy con sớm, như cây non dễ uốn, việc dạy dỗ đơn giản và xác suất thành công cũng cao hơn. Vì thế, hãy nghe lời khuyên xưa nhưng không bao giờ cũ “Dạy con từ thuở còn thơ”.

Chân Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI