Ngày giáp tết ở... khu cách ly

03/02/2021 - 07:28

PNO - Hơn 300 giảng viên, sinh viên Trường đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) phải cách ly tập trung. Khoảng 1.000 sinh viên khác phải ở khu phong tỏa gần trường. Bối rối, hoảng hốt là tâm trạng của hầu hết mọi người khi đối diện sự việc này, bởi trước nay Bình Dương chưa từng có ai mắc COVID-19.

Đang dọn dẹp chuẩn bị nghỉ tết thì nghe tin hàng trăm sinh viên, giảng viên Trường đại học Thủ Dầu Một phải cách ly, tôi gọi điện ngay cho người bạn đang làm ở trường này. Từng hồi chuông đổ dài là một lần hồi hộp. Vừa nghe tiếng alo, tôi hỏi vội “bạn sao rồi?”. Nghe đáp “mình ổn!”, tôi thở phào nhẹ nhõm.

Nhưng rồi đầu dây bên kia trút tiếng thở dài, giọng khàn đặc: “Lúc này, câu “tôi/em ổn” là câu mình hy vọng được nghe nhất khi gọi điện cho mọi người. Nhiều sinh viên và đồng nghiệp đang phải cách ly tập trung. Các bạn khóc nhiều, vì đã chuẩn bị về quê hết rồi, đùng một cái phải đi cách ly đến qua tết. Từ đó giờ mình nghe và sợ dịch bệnh nhưng cứ nghĩ nó ở đâu xa đến khi những người thân quen rơi vào cảnh này thì thật sự lo lắng, nhưng vẫn phải cố bình tĩnh”. 

Sinh viên Trường ĐH Thủ Dầu Một bên trong khu cách ly
Sinh viên Trường ĐH Thủ Dầu Một bên trong khu cách ly

Từ chiều 31/1, nhiều giảng viên và sinh viên tình nguyện túc trực tại trường lọc danh sách, gọi điện từng trường hợp sinh viên để xác định vị trí, dặn dò các bạn ở yên tại chỗ chờ hướng dẫn. Mỗi bạn một danh sách, gọi liên tục cho hơn 300 trường hợp, giải thích, trấn an, động viên....

0g đêm hôm ấy, quy trình lặp lại một lần nữa, lúc này chính thức thông báo các bạn sinh viên thuộc diện phải cách ly tập trung đúng 7g sáng có mặt ở trường. Vài tiếng nấc bật ra. Những lời chia sẻ động viên giúp các bạn dần trấn tĩnh.

Đúng 7g ngày 1/2, hàng trăm sinh viên có mặt tại trường, hành lý đầy đủ, sẵn sàng chờ xe đến đưa về khu cách ly, thay vì về quê đón tết như kế hoạch. Thế nhưng, niềm tin là sức mạnh lớn nhất lúc này, các bạn cũng rộn ràng như chưa từng có lệnh đi cách ly, đứng cách nhau mà í ới dặn dò, ai quên đồ gì thì có người khác san sẻ.

Rồi lần lượt trong ngày, từng chuyến xe đến rồi rời đi, chở theo tinh thần trách nhiệm, ý thức vì cộng đồng của thầy cô và sinh viên. Người ở lại chỉ biết gửi gắm đồng nghiệp và học trò cho các y bác sĩ tuyến đầu chăm sóc. Hơn 1.000 sinh viên ở khu vực phong tỏa thì đã có người dân địa phương giang tay cùng hỗ trợ.

Với cô Phan Nguyễn Quỳnh Anh, giảng viên Trường đại học Thủ Dầu Một, những ngày giáp tết này có lẽ không bao giờ quên trong đời. Bạn bè, đồng nghiệp, sinh viên của mình rơi vào diện cách ly, đồng nghĩa với việc có khả năng bị bệnh.

Cô Quỳnh Anh chia sẻ: “Mỗi lần cầm điện thoại để thông báo là một lần muốn ngừng thở. Rồi có trường hợp đầu dây bên kia, sinh viên khóc nức nở, nói không thành lời. Hơn 20 phút trò chuyện, an ủi, chọc cười các kiểu, rồi em cũng nín, cũng hiểu. Nhưng cúp máy rồi thì nước mắt mình bắt đầu rơi. Về nhà hơn 3g sáng, không ngủ được. Giấc ngủ muộn chập chờn vì tin nhắn, cuộc gọi liên tục của các phóng viên, đồng nghiệp, người thân”.

Cô tâm sự rằng, vài chục ngày tới, lo lắng từng giờ nhưng tin tưởng, yêu thương từng phút giây. Những bạn ở khu cách ly thì tỉnh lo chu đáo, còn các bạn ở khu phong tỏa gần trường thì cần vitamin C, cam, chanh, thực phẩm tăng cường sức đề kháng. Trường lập group Zalo của gần 1.000 sinh viên ở khu phong tỏa, các bạn cần gì nhắn vào để được cung cấp.

Nhiều mùa xuân qua, sinh viên trường đều tổ chức Xuân tình nguyện mang tết ấm đến với mọi người. Năm nay, xin được phép đón nhận xuân yêu thương của cộng đồng dành cho tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên trường…

***
Cũng từ chiều 31/1, Trường tiểu học Xuân Phương (TP.Hà Nội) bị phong tỏa. Toàn bộ 10 giáo viên, 11 phụ huynh tham gia hỗ trợ buổi văn nghệ cùng 56 học sinh, gồm 43 em lớp 3E, một số em lớp 3G và 3B từng ăn bán trú, chơi thể thao với nam sinh F0, trở thành F1. Cách ly tập trung vào những ngày tết Nguyên đán cận kề, cô giáo, phụ huynh và học sinh của trường đón một cái tết xa nhà với lo lắng ngổn ngang.

Ba giờ ngày 30/1, nhận được thông báo học sinh lớp 3E dương tính với COVID-19, cô Lê Thị Tuyết Lan, hiệu trưởng nhà trường, sửng sốt tìm mọi cách thông báo tới tất cả phụ huynh. Từ khoảnh khắc đó đến hơn 22g ngày 31/1, khi nhận thông báo kết quả xét nghiệm 116 mẫu bệnh phẩm của trường đều âm tính với COVID-19, vị tư lệnh trường này đã trải qua hơn 40 giờ không ngủ. 

Trong khu cách ly Trường tiểu học Xuân Phương (TP.Hà Nội), học sinh, giáo viên, phụ huynh chủ động thực hiện các biện pháp cách ly để không bị lây nhiễm nhau
Trong khu cách ly Trường tiểu học Xuân Phương (TP.Hà Nội), học sinh, giáo viên, phụ huynh chủ động thực hiện các biện pháp cách ly để không bị lây nhiễm nhau

Khi hay tin, bà Nguyễn Thị Liên (P.Xuân Phương) đưa cháu ngoại đến lấy mẫu xét nghiệm. Dù cháu bà không học cùng lớp với ca nhiễm COVID-19 nhưng gia đình cũng vô cùng lo lắng. Đứng bên ngoài cổng trường quen thuộc nhưng bỗng trở nên xa lạ, bà Liên không kìm nổi nước mắt khi nghĩ về những đứa trẻ phải xa gia đình, xa nhà trong thời gian dài. Những giọt nước mắt cứ thế tuôn ra.

Ở bên trong khu cách ly, cô Vương Thị Hồng Lệ, giáo viên chủ nhiệm lớp 3E, cho biết sau ba ngày cách ly tập trung, hiện các giáo viên, phụ huynh và học sinh đã dần làm quen, ổn định cuộc sống. Ngày nhận được tin báo bố của học sinh lớp 3E nhiễm COVID-19, cô Lệ cùng các giáo viên và phụ huynh khác bàng hoàng, xong cũng chủ động thu gom đồ đạc để sẵn sàng thực hiện cách ly.

Nước mắt lăn dài khi hay tin những đứa trẻ lớp 3 phải cách ly
Nước mắt lăn dài khi hay tin những đứa trẻ lớp 3 phải cách ly

“Ban đầu, khi nghe tin phải cách ly 21 ngày, các con khóc nhiều. Các con còn quá nhỏ nhưng đã đủ hiểu chuyến đi dài ngày lần này không phải đi dã ngoại vui chơi mà phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch. Các con sợ phải ở một mình trong khu cách ly, phải xa gia đình, nhớ từng cái gối ghiền, chăn ghiền... Nhưng khi biết rằng sẽ có bố hoặc mẹ vào cùng thì các con bình tĩnh lại, ngoan ngoãn nghe lời”, cô Lệ kể.

Là giáo viên chủ nhiệm của lớp có học sinh nhiễm COVID-19, cô Lệ đã chủ động chuẩn bị tâm lý từ đầu cho việc cách ly dù không thể tránh khỏi nỗi buồn, lo lắng: “Lúc đầu, nghĩ phải xa gia đình, nhất là ngày tết cũng buồn lắm. Tôi cũng có gia đình và con nhỏ nên lo lắng nhưng sau khi được gia đình động viên, hỗ trợ chăm sóc con nên tôi yên tâm hơn nhiều. Hằng ngày, tôi vẫn được gọi điện video với gia đình nên đỡ nhớ”.

Phải cách ly phòng dịch vào thời điểm tết Nguyên đán, gần 100 người phải cách ly và rất nhiều người đang làm nhiệm vụ phục vụ cách ly hiểu rõ mình phải đón tết xa nhà. Mỗi phòng được sắp xếp bốn học sinh, có phụ huynh bên cạnh hằng ngày. Thực phẩm được cung cấp mới mỗi ngày, có y bác sĩ đo nhiệt độ thường xuyên.

“Hiện tại, tình hình trong khu cách ly ổn, tâm lý của các em và mọi người đều đã thoải mái hơn sau khi có kết quả âm tính lần 1. Mọi người vẫn chủ động thực hiện các biện pháp cách ly, đề phòng để không lây nhiễm nhau”, cô Lệ nói.

Tết cận kề, mọi người động viên nhau phải lạc quan lên dù đang cách ly. Các phụ huynh và giáo viên dự tính sẽ chuẩn bị một chút gì đó cho có không khí tết, có thể tổ chức cho các em làm bao lì xì, thiệp chúc mừng nhưng vẫn đảm bảo các biện pháp phòng dịch an toàn, đầy đủ.

***
Ngày 2/2, theo chỉ đạo kịp thời của UBND TP.HCM, hơn 1,7 triệu học sinh từ mầm non đến THPT, giáo dục thường xuyên của TP.HCM sẽ dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19. Tất cả trường học hủy mọi hoạt động mừng xuân, ngoại khóa. Nhiều trường chuyển sang học trực tuyến, dừng hoạt động thi cử… 

Học sinh tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành phải tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch
Học sinh tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành phải tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Diệp, Trường quốc tế song ngữ Hoàng Gia (TP.HCM), đồng cảm: “Hình ảnh những cô cậu bé lớp Ba, chỉ mới tám tuổi, phải ở cách ly cả 21 ngày, 2 giờ sáng phải thức dậy chờ xét nghiệm… như bóp nghẹt trái tim người mẹ, người thầy. Nhìn các con kiên cường, lạc quan mà tim mình quặn thắt.

Tôi liền soạn thông báo cho học sinh của trường mình nghỉ học để phòng, chống dịch, không muốn có bất kỳ đứa trẻ nào phải rơi vào cảnh ấy nữa. Một loại thông báo không hề mong muốn nhưng phải ban hành nhiều nhất trong năm qua. Viết xong thông báo, tôi liền chạy vội về để ôm con. Chỉ mong những ngày sắp tới được bình an, sau tết được gặp lại toàn bộ gương mặt học trò, đồng nghiệp khỏe mạnh”. 

Chưa khi nào, điều đơn giản ấy lại trở thành mong ước lớn lao như lúc này. Có lẽ, những ngày cuối năm mà chúng ta đang phải bước tiếp sẽ còn khó khăn. Nói như vị hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, hành động thiết thực nhất lúc này để chúng ta có thể chiến thắng chính là ở yên và hy vọng. 

Tiêu Hà - Hải Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI