“Ném đá hội đồng” trên mạng

26/04/2022 - 12:54

PNO - Hiện tượng cư dân mạng tự ra tay đòi công lý là hiện tượng phổ biến và rất đáng quan ngại.

Đã từng xảy ra chuyện hàng trăm người kéo đến nhà một người để “xử” họ. Quá trình đó còn được quay clip và đưa lên mạng Facebook. 

Chuyện bắt đầu từ khi xuất hiện clip quay lại việc anh này đánh đứa con hai tuổi khá nặng tay trên Facebook. Đoạn clip quay từ trước đó hai năm được người vợ cũ (đã ly hôn) tung ra khi nghe tin anh này sắp có vợ mới. Điều lạ là những người kéo đến đánh anh đều do bức xúc khi xem clip và “hưởng ứng” lời kêu gọi có “treo thưởng” 20 triệu đồng của một ca sĩ.

Vụ khác, một nghệ sĩ hài cũng từng kéo “500 anh em” đến nhà dằn mặt một YouTuber. 

Mới đây, những người ủng hộ bà Phương Hằng cũng đã kéo nhau đến nhà hoặc cơ quan của một số nhân vật liên quan đến các vụ việc của bà Hằng để gây sự. 

Trước đó, gia đình một vị cựu cán bộ ngành kiểm sát ở Đà Nẵng đã bị “xử tội” khi ông này còn chưa được tòa phán xét.

 Những ví dụ trên cho thấy hiện tượng cư dân mạng tự ra tay đòi công lý là hiện tượng phổ biến và rất đáng quan ngại. Chúng ta từng biết đến những vụ việc thương tâm khi đám đông nhân danh công lý để “xử nhầm” những người bị cho là bắt cóc trẻ con. Nhiều quán ăn, nhà hàng cũng bị “xử oan” vì những thông tin không chính xác. Lại có cô công nhân không dám đi làm chỉ vì một bức ảnh gán ghép cho cô là “nữ quái Hương Mắt Lồi”.

Thoạt nhìn, những hành động ấy có vẻ xuất phát từ động cơ trong sáng, từ nhu cầu “làm việc nghĩa”, nhưng nó là hành vi phạm pháp. Bản chất của hầu hết đám đông là a dua. Hiện tượng “tự phát” và “công lý đám đông” này trong nhiều trường hợp là cực kỳ nguy hiểm. Những tưởng chuyện “phán xét”, “xử tội” như vậy chỉ có ở thời trung cổ, phong kiến, chứ không thể tồn tại trong một xã hội văn minh.

Chúng ta có thể phê phán hành vi phạm pháp để ngăn chặn nó và góp phần vào việc xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, nhưng chúng ta không được phép kêu gọi bạo lực và càng không được phép tự cho mình cái quyền “thay trời hành đạo”! Không thể dùng một cái sai này để xử lý cái sai khác! Không thể dùng một hành vi phạm pháp để xử lý hành vi phạm pháp! Không thể lấy “bạo lực” để răn đe “bạo lực” dù đó chỉ là bạo lực tinh thần như “ném đá” hội đồng trên mạng! Những hành vi ấy không thể được xem là bảo vệ công lý.

Chúng ta đang sống trong một nhà nước pháp quyền, một xã hội văn minh với những thiết chế để bảo vệ công lý. Không ai bị coi là có tội khi tòa án chưa kết tội họ. Nghĩa là, không ai có quyền kết tội ai ngoài tòa án. Mọi sự quy chụp về tội danh hay hành vi phạm tội đối với bất kỳ ai khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực của tòa án đều xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm và quyền con người.

Vậy mà hiện tượng “ném đá hội đồng” giờ đây cứ như là đặc sản của mạng xã hội và ngày càng biến tướng - “ném đá” lại những người “ném đá”! Ai cũng ném! Việc gì cũng ném! Nhất cử nhất động của bất kỳ ai, dù nổi tiếng hay chưa, khi đưa lên mạng đều dễ dàng trở thành đối tượng bị “ném đá”, để tiếp theo đó sẽ xuất hiện những thành phần... “ném đá” lại những người “ném đá”!

Một câu nói hớ hênh của nhà khoa học, một cách ví von không hợp lý lắm của chính khách, một tấm hình của nghệ sĩ, một bài báo có góc nhìn khác… đều có thể là nạn nhân của “ném đá hội đồng”. Truyền thông xã hội đang bị lạm dụng trong việc phê phán hiện tượng tiêu cực. Ranh giới giữa việc phê phán những hành vi sai trái để góp phần làm xã hội tốt đẹp hơn với việc xâm phạm danh dự nhân phẩm là rất mong manh. 

Thực tiễn xã hội còn nhiều điều bức xúc, ai trong chúng ta cũng khó có thể ngồi yên trước những chuyện bất bình. Nhưng đừng vì cảm xúc mà hành xử sai trái, nhất là kêu gọi bạo lực. 

Phan Văn Tú 

Giảng viên Trường đại học 
Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI