Thương nhau ngày gian khó

Một mùa nhãn đặc biệt

08/08/2021 - 06:30

PNO - Hơn 4.800 tấn nhãn không thể thu hoạch, xuất bán khiến nông dân Đồng Tháp rơi vào cảnh khó khăn. Những đứa con xa quê, những người xa lạ lại chung tay để nỗi lo được vơi đi.

Theo thông lệ, từ tháng Sáu, tháng Bảy hằng năm, vụ nhãn H.Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp vào mùa thu hoạch. Nơi đây được xem là thủ phủ nhãn của tỉnh với sản lượng ước đạt 55.119 tấn. Từ tỉnh lộ trải nhựa phẳng phiu đến những con đường quê, không khí luôn nhộn nhịp với những chuyến xe chở nhãn hối hả đêm ngày.

Thế nhưng năm nay, vì COVID-19, cuộc sống của người dân đảo lộn hoàn toàn. Mùa nhãn từ vui trở nên buồn hiu hắt.

Chị Nguyễn Thanh Thảo (35 tuổi, xã An Nhơn, H.Châu Thành) cho biết mấy ngày qua, chị như ngồi trên đống lửa khi vườn nhãn Thái 1,5 tấn đang vào kỳ thu hoạch không thể bán đi. “Hiện thương lái mua với giá khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg; trong khi muốn thu hồi vốn, ít nhất phải bán được 10.000 đồng/kg, xem như lỗ công làm”, chị nói.

Gia đình chị Trương Thị Liên (xã Phú Hựu, H.Châu Thành) hiện cũng đang tồn đọng gần hai tấn nhãn xuồng cơm vàng. Nhìn vườn nhãn đang trĩu quả, chị trầm ngâm bảo: “Bán hoặc bỏ, giờ còn nước còn tát. Nếu tình hình không khả quan, buộc phải bỏ để tránh suy cây, ảnh hưởng đến mùa sau. Mấy chục năm qua, đây là lần đầu chúng tôi rơi vào cảnh này”.

Nhưng trong gian khó vẫn còn đó tình người. Gia đình bà Huỳnh Thị Thúy, ông Nguyễn Văn Út (thị trấn Cái Tàu Hạ) chọn cách làm vần công - khi gia đình này thu hoạch, gia đình khác sẽ hỗ trợ, sau đó làm ngược lại để cắt giảm chi phí, đùm bọc lẫn nhau qua mùa khó khăn.

Hai tháng qua, anh Hải (27 tuổi, quê Châu Thành) làm việc ở nhà. Anh được ngủ đến 7 giờ sáng thay vì phải thức dậy từ 6 giờ như trước để chuẩn bị đến văn phòng. Tuy nhiên, gần nửa tháng qua, anh thức từ 5 giờ 30 sáng để chuẩn bị cơm nước, trước khi lao vào công việc mà anh chưa từng nghĩ đến: lên đơn và đặt xe giao nhãn.

Trước cảnh nhãn quê nhà ùn ứ, không có đầu ra, Hải không thể ngồi yên. Anh vốn không rành chuyện buôn bán, cũng chưa từng khuân vác những thùng hàng nặng nhưng nay mọi thứ đã trở nên quen thuộc. Ngày đầu tiên, anh mất gần 12 tiếng để vừa chuyển hàng, vừa soạn 250kg nhãn chia cho khách. Nhầm lẫn có, thiếu có nhưng ai cũng bỏ qua cho “kẻ bán nhãn a-ma-tơ”. “Vì không quen nên cơ thể tôi đau nhức liên tục những ngày qua. Nhưng nghĩ đến cảnh bà con vui mừng khi tìm được đầu ra, bao nhiêu mệt mỏi cũng tan biến”, anh tâm sự.

Nhờ sự hỗ trợ của một đồng nghiệp, anh Hải đã “chốt đơn” nhanh chóng gần 100kg nhãn trong chưa đầy 10 phút. Nhiều khách sau khi mua xong lại giới thiệu cho bạn bè mua tiếp, không kỳ kèo, trả giá. Anh nhận nhiều tin nhắn với nội dung muốn được chung tay hỗ trợ bà con ở quê nhà. Có những người xa lạ, anh chưa bao giờ biết mặt vẫn sẵn lòng bán giúp khi bị tồn hàng hoặc người dân hái dư số lượng cần.

Tận dụng mối quan hệ bên ngoài cũng như cộng đồng cư dân nơi đang sinh sống, Mai Lan, một người con của Đồng Tháp đang làm việc tại TPHCM, đã nhanh chóng chia sẻ các bài viết rao bán nhãn. Hiện, Mai Lan đã giúp bà con ở quê tiêu thụ được gần một tấn nhãn, với giá bán 38.000 - 40.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí vận chuyển, khấu hao, bà con sẽ thu được khoảng 25.000 đồng/kg. Cô nói mệt lắm, vì tranh thủ sau khi làm xong công việc chính lại phải liên tục trả lời tin nhắn, chốt đơn hàng. Khi chốt đến đơn hàng cuối cùng trong ngày cũng là lúc Lan bỗng nhiên rơi nước mắt, thương bà con quê mình, thương cả những người xa lạ đang cùng cô giúp bà con vượt qua những ngày gian khó. 

 Bài, ảnh: Thành Lâm 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI