Mẹ tôi đem bàn thờ ông bà nội ra trước sân để... trả đũa nhà chồng

09/03/2022 - 16:01

PNO - Cần tìm hiểu bên trong một con người đáng trách như mẹ có nỗi niềm, uẩn khúc, bất hạnh hay một sự tích cực nào khác của một người vợ, người mẹ?

Chị Hạnh Dung kính mến,

Ba em rất hiền. Mẹ em nóng tính. Từ lâu em đã chứng kiến mẹ lấn lướt và to tiếng với ba. Ba em là người có học, có lý lẽ nên luôn giữ giọng ôn tồn. Dần dà, ba mất hết tình cảm và sống lặng lẽ, thường xuyên ra ngoài cà phê, đánh cờ tướng với bạn bè. 

Từ khi nghỉ hưu, mẹ ở nhà nhiều hơn và bắt đầu xung đột với chú ruột của em. Từ chuyện thím “phơi đồ hớ hênh” cho đến chuyện thằng em họ em “nổ máy xe vào giữa trưa”, mẹ đều chửi. 

Em sợ ba trầm cảm nên trò chuyện với ba rất thường xuyên. Mới đây, khi mẹ em đem bàn thờ ông bà nội ra trước sân để trả đũa sự “không biết điều” của cô chú em thì sự việc lên đến đỉnh điểm. Cô chú em tuyên bố từ mặt mẹ. Ba em đề nghị ly hôn.

Nhưng khi tụi em về họp gia đình, mẹ lại khóc than, trách ba chỉ biết đến anh em mà không một lần nghĩ đến vợ. Mẹ quyết tâm không ly hôn vì “phải cưới vợ cho thằng út”. Em biết mẹ chỉ nhân danh con cái để bám vào cuộc hôn nhân này mà hành hạ ba.

Mọi chuyện quá bế tắc, em nên làm gì đây thưa chị?

Thiên Thanh (Q.7, TP.HCM)

 

 

Ảnh SHUTTERSTOCK

Thiên Thanh mến,

Có lẽ những gì cần làm để xoa dịu và chấm dứt mâu thuẫn, em đều đã thử nhưng không thành. Vậy nên ta tạm thời bỏ xuống ý muốn giải quyết vấn đề để nhìn vào từng con người. Điều quan trọng nhất vẫn là giúp đỡ từng người bớt khổ phải không em?

Có vẻ như em đã làm điều đó khá tốt với ba. Em sợ ba trầm cảm nên luôn xuất hiện để nâng đỡ tinh thần ông. Em nói chuyện với mẹ, ủng hộ ly hôn cũng nhằm “giải vây”, đòi công bằng cho ba...

Nhưng còn mẹ em? Có khi nào ta chỉ tiếp cận mẹ và xem mẹ như “phe bên kia” mà chưa nhẫn nại, cố gắng để thấu hiểu mẹ? Cần tìm hiểu thêm bên trong một con người đáng trách như mẹ em có nỗi niềm, uẩn khúc, bất hạnh hay một sự tích cực nào khác của một người vợ, người mẹ? 

Bất hạnh ấy là gì? Việc của ta trước hết là hiểu và thương cảm, ngay cả khi chưa biết chắc bất hạnh nào đã gây ra những tệ hại nọ. Chỉ khi có sự thấu cảm thì mới tìm được hướng xử lý ổn nhất. 

Do vậy, em có thể mời mẹ lên TP.HCM sống cùng các con một thời gian ngắn. Hãy dành cho mẹ một kỳ nghỉ, dành thời gian thư thả bên nhau. Hãy gợi chuyện để nghe mẹ bày tỏ những bức xúc trong cuộc sống, và em lắng nghe tuyệt đối.

“Lắng nghe tuyệt đối” có nghĩa là nghe và đồng tình với mọi trải nghiệm mà mẹ chia sẻ, không phán xét, không đính chính, không tranh luận… Có những chuyện tưởng rõ như ban ngày, nhưng trong góc nhìn, tâm lý, cảm xúc của một cá nhân, nó có thể là một câu chuyện hoàn toàn khác. 

Hạnh Dung thử nêu một giả thuyết: mẹ em là người có cảm xúc mạnh, nhưng vụng về trong giao tiếp vợ chồng, nên nhiều ý muốn của bà đã không được thỏa mãn từ đầu. Trong khi đó, ba em là người hiền lành, ít nói dù ông biết lẽ phải, ông có bạn bè để giải khuây, bù đắp khiếm khuyết trong cuộc sống xung đột vợ chồng bằng niềm vui bè bạn. 

Chỉ còn một mình mẹ em trong cuộc sống mỗi ngày với những kết nối dang dở. Dang dở chồng lên nhau, trong khi người kia (là ba em) vẫn có thể giải tỏa các bức xúc trong gia đình bằng mối quan hệ với bạn bè.

Ức chế cộng với mặc cảm (trước một người hiểu biết hơn, bình tĩnh hơn là ông chồng) khiến bà càng lúc càng phải dùng ngôn ngữ mạnh hơn để đòi giao tiếp. Nhưng càng mạnh càng phản tác dụng, càng khiến ức chế trong bà trầm trọng hơn, dẫn đến những bộc lộ méo mó như em đã thấy…

Giả thuyết đó chỉ nhằm giúp em dễ hình dung về khó khăn tinh thần của mẹ có thể có, còn thực tế là gì thì cần phải đợi  em tìm hiểu khi em đến bên mẹ bằng tâm thế của tình yêu thương, thấu cảm.

Chúc em thành công.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI