Mẹ ghẻ và sự trở lại của đạo diễn Trương Dũng

25/05/2020 - 18:58

PNO - Đêm, bên sông mưa lất phất, trong căn chòi lá, mẹ Diệu ngồi dạy con học. Cuộc trò chuyện đầy yêu thương, thấu hiểu và những mộng ước về tương lai của hai mẹ con nghèo trong đêm mưa dễ khiến lòng người rung động.

Đó là một trong những phân cảnh nhiều cảm xúc của bộ phim Mẹ ghẻ (kịch bản Ngọc Diễm, đạo diễn Trương Dũng, đang phát sóng lúc 20g thứ Hai đến thứ Bảy hằng tuần trên kênh THVL1). 

Mẹ và hình tượng "phụ nữ Nam bộ"

Từng thành công với nhiều phim khai thác đề tài thân phận con người miền Tây Nam Bộ như Sông dài, Dòng nhớ… đạo diễn Trương Dũng vừa trở lại màn ảnh nhỏ với phim truyền hình Mẹ ghẻ (dài 45 tập). Bộ phim tạo được ấn tượng đẹp ngay từ tập đầu, bằng một câu chuyện nhiều cảm xúc.

Đạo diễn Trương Dũng (phải) trên trường quay phim  Mẹ ghẻ ở Vĩnh Long
Đạo diễn Trương Dũng (phải) trên trường quay phim Mẹ ghẻ ở Vĩnh Long

Đạo diễn Trương Dũng từng chia sẻ, nghề làm phim cũng như “đi đào vàng”, may mắn thì tìm được kịch bản tốt. Mẹ ghẻ là một trong những kịch bản hay đã cho anh nhiều cảm hứng khi bắt tay thực hiện. Anh tâm sự: “Mẹ ghẻ khai thác câu chuyện thật sự khác biệt về người mẹ Nam Bộ, về tình yêu, sức chịu đựng, đức hy sinh… Nhân cách và lòng vị tha được thể hiện qua nhân vật Diệu đôi khi vượt quá giới hạn của con người. Tuy nhiên, mọi thứ đều dựa trên diễn biến tự nhiên chứ không theo một triết lý sống gượng ép hay ảnh hưởng bởi giáo lý khiên cưỡng nào”. 

Mẹ ghẻ đưa người xem trở về một miền quê xưa với những phận người lao đao trong cái nghèo cách nay hơn hai thập niên. Hình ảnh người mẹ nghèo gánh hàng rong đi trong mưa (nhân vật Diệu do diễn viên Văn Phượng đảm nhận) được chọn làm biểu tượng cho phim. Đây cũng là một trong những phân cảnh đắt giá, chỉ xuất hiện vài phút trên màn ảnh, nhưng ê-kíp mất gần nửa ngày để thực hiện.

Văn Phượng ấn tượng với vai Diệu
Văn Phượng ấn tượng với vai Diệu

Trong Mẹ ghẻ, từng bối cảnh, đạo cụ, trang phục, hóa trang… đều được thảo luận, cân nhắc lựa chọn. Kể cả những ngôi nhà lá được kỳ công dựng lên giữa cánh đồng, chỉ để phục vụ cho cảnh... bị đốt cháy. Một điểm cộng cho phim khi vừa truyền tải câu chuyện hay, những giá trị sống, vừa khơi gợi ký ức, cảm xúc về những năm tháng cũ.

Mẹ ghẻ đặc biệt thu hút khán giả miền Tây Nam Bộ, rating phim đang tăng dần theo mỗi tập. Có thể, đây cũng sẽ là bộ phim nối gót sau thành công của Tiếng sét trong mưa trên con đường chinh phục khán giả phim truyền hình phía Nam. 

Dấu ấn ''lực lượng''

Bối cảnh phim trải dài từ những năm 1990 đến thời hiện đại, tuyến truyện xây dựng qua hai thế hệ nên Mẹ ghẻ cũng quy tụ lực lượng diễn viên hùng hậu. NSƯT Minh Hạnh, Hà Trí Quang, Văn Phượng, Mai Thanh Hà… đảm nhận các nhân vật thuộc thế hệ trước, khi các nhân vật già đi thì được thay thế bằng “dàn bao”: NSƯT Tuyết Thu, NSƯT Trịnh Kim Chi, diễn viên hài Lê Nam cùng “thế hệ con” lớn lên là các diễn viên Thanh Thức, Thanh Trúc, Lương Thế Thành, Thúy Diễm…

Từ trái sang: Hà Trí Quang, Văn Phượng và Lyna Trang đảm nhận vai các nhân vật thời trẻ
Từ trái sang: Hà Trí Quang, Văn Phượng và Lyna Trang đảm nhận vai các nhân vật thời trẻ

Nhân vật Diệu cũng đánh dấu sự trở lại ấn tượng của diễn viên Văn Phượng kể từ phim Trở về (đạo diễn Việt Trinh) tám năm trước. Chồng mắc nợ bị giang hồ truy sát và không rõ tung tích, Diệu đưa con trai mười tuổi (bé An - diễn viên nhí Thuận Phát) về quê tìm kế sinh nhai. Đó cũng là vùng đất có quá nhiều đau thương trong ký ức của Diệu. 

“Lúc đọc kịch bản tôi đã rất yêu thích nhân vật rồi, khi ra phim trường tôi càng xúc động. Cảnh khóc của Diệu rất nhiều, bị đánh cũng nhiều. Một thời gian dài sau khi phim đóng máy, tôi vẫn còn ám ảnh. Nhiều đêm xem phim, dõi theo nhân vật của mình mà rơi nước mắt” - diễn viên Văn Phượng tâm sự. Diệu còn là một minh chứng ngược lại cho câu “bánh đúc có xương”.

Điều Mẹ ghẻ làm được chính là phim luôn gieo cảm xúc đẹp, dẫn dắt khán giả từ cuộc chạy trốn của Diệu, đến cuộc mưu sinh trong cơ hàn, đối mặt với người xưa và bảo vệ đứa con trai bé nhỏ... Ngoài hóa thân xuất sắc của Văn Phượng, thể hiện của Hà Trí Quang, Mai Thanh Hà, Huỳnh Quý cũng khá thuyết phục.

Đạo diễn Trương Dũng bộc bạch rằng, anh từng khá lo lắng khi giao những vai “nặng ký” cho các gương mặt trẻ. Nhưng tương tác của họ trên trường quay, cùng sự nhập vai, lột tả cảm xúc, nội tâm ấn tượng của mỗi người khiến anh rất hài lòng. “Giai đoạn đầu từ bối cảnh, màu sắc, đến cách diễn xuất và lời thoại của các nhân vật đều được giữ thô mộc để tương phản với thực tại ở phần sau. Đoàn làm phim cũng tìm đến những vùng sâu, vùng xa, những nơi còn chưa bị đô thị hóa mạnh mẽ, ít dấu ấn hiện đại” - anh nói thêm. 

NSƯT Minh Hạnh và diễn viên Hà Trí Quang trong phim Mẹ ghẻ
NSƯT Minh Hạnh và diễn viên Hà Trí Quang trong phim Mẹ ghẻ

Bối cảnh miền Tây sông nước từng xuất hiện trong nhiều phim của Trương Dũng với những lát cắt khác nhau về tình yêu, thân phận: Sông dài, Ngậm ngùi, Dòng nhớ, Sông trôi muôn hướng, Cá lên bờ, Hạnh phúc muộn màng… Kể từ thời làm phim Mẹ con đậu đũa, đến nay đã là một chặng đường rất dài anh gắn bó với nghề. Vẫn chưa lúc nào nao núng, mất cảm hứng, dù phim ảnh ở thời điểm này đã qua những dòng chảy rất khác xưa.

Trương Dũng nói anh vẫn ấp ủ hai kịch bản phim điện ảnh Nước mắt sông GianhTình chị duyên em, vẫn mong muốn được trở lại với những thước phim tâm huyết trên màn ảnh rộng. Nhưng anh nói vui: “Có lẽ vẫn chưa có duyên để thực hiện”. Hiện tại, anh đang chuẩn bị kế hoạch cho phim Canh bạc tình yêu - dự kiến khai máy vào tháng Tám tới. 

Tiểu Quyên

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI