Mẹ chồng nói vàng cưới tôi đeo chỉ để đẹp mặt hai họ, chứ thực chất bà không tặng tôi

10/06/2022 - 18:32

PNO - Em hãy thể hiện sự minh bạch, rõ ràng của mình, để mẹ chồng được yên tâm; và cả sự bao dung, hiểu chuyện của mình, để chồng bớt áy náy.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Tôi và anh chuẩn bị làm đám cưới. Tất cả mọi việc đã được chuẩn bị xong xuôi, từ chụp ảnh, may áo cưới đến đặt tiệc, chuẩn bị chương trình lễ cưới..., thì hôm qua, tôi nghe được một điều mẹ chồng nói với chồng tôi.

Khi đó tôi đang ở trong phòng mà bà tưởng tôi đã ra ngoài. Bà bảo với anh tất cả nữ trang bà tặng trong đám cưới trên danh nghĩa là cho cô dâu, nhưng thực chất là cho anh. Vì vậy bà dặn anh phải nói rõ ràng với tôi điều đó. Bà chỉ đeo cho tôi để đẹp mặt hai bên trong lễ cưới thôi. 

Nghe mẹ dặn vậy, anh cười nói mẹ cho con thì cũng như là cho cô ấy, cho cô ấy cũng như cho con, sao phải dặn vậy? Mẹ chồng tôi gắt lên: "Sao con khờ quá vậy? Đeo lên người "nó", chẳng may mai mốt hai đứa chia tay, nó lấy hết thì sao? Phải thỏa thuận trước những chuyện như vậy chứ".

Chồng tôi bảo sao ngày cưới mà mẹ nói xui vậy, chưa sống với nhau ngày nào mà đã nói chuyện ly hôn. Bà gắt: "Bây giờ người ta ly hôn quá chừng kìa, trẻ già đều ly hôn. Nên ngay từ đầu, chuyện gì phải ra chuyện đó. Cái gì chung là chung, cái gì riêng là riêng".

Trong số vàng cưới có mấy món đồ là của gia bảo, ông bà nội cho mẹ theo truyền thống gia đình. Ngày xưa cho vậy được, vì chả bao giờ vợ chồng bỏ nhau. Có lục đục bất hòa thì người lớn xử một cái là êm đẹp. Còn giờ thanh niên coi hôn nhân như trò chơi, cưới rồi bỏ dễ dàng, nên bà phải dặn vậy để đồ gia bảo không bị thất lạc bởi người ngoài.

Chồng tôi nghe vậy thì im lặng. Rồi bị mẹ thúc ép, anh bảo: "Dạ, để con suy nghĩ rồi nói chuyện với cô ấy, nhưng khó quá mẹ ạ". Bà bảo anh không nói thì để bà nói...

Tôi lắng nghe được hết câu chuyện của bà mà thấy buồn. Buồn vì nhiều lẽ. Về lòng tin của mẹ chồng vào tôi, vào hôn nhân của chúng tôi. Buồn vì cuối cùng thì bà vẫn coi tôi là người ngoài.... Tôi phải xử sự sao trong chuyện này chị Hạnh Dung? Tôi muốn từ chối nhận số vàng đó cho bà yên lòng. Hay từ chối luôn đám cưới?

Mỹ Dung

Em Mỹ Dung thân mến,

Quả thật mới nghe câu chuyện thì sốc và buồn thật đấy em ạ. Hạnh Dung rất thông cảm cho tâm trạng của em. Thế nhưng, nếu suy nghĩ cho kỹ những vấn đề mẹ chồng nói, về những gì bà muốn trao cho em trong ngày cưới, thì cũng có thể hiểu được lo lắng, băn khoăn của bà.

Có trách chính là trách vấn đề của hôn nhân ngày nay: hình như điều bà lo là đúng, giới trẻ và cả giới không trẻ ly hôn nhiều quá, nhanh quá và người lớn hầu như không thể can thiệp được vào cả quá trình kết hôn lẫn quá trình ly hôn của người trẻ hiện nay.

 

Số vàng bà sẽ trao cho em là những kỷ vật quý giá của gia đình, có lẽ đã được truyền qua một vài thế hệ. Bà quý nó, nâng niu nó và muốn nó được trao đúng người, được giữ gìn tiếp nối như một biểu tượng bền vững của truyền thống về tình nghĩa gia đình.

Thế nhưng, với tình hình ly hôn hiện nay của giới trẻ, bà lo lắng bởi vì bà chưa thể hiểu hết được em, chưa lường được sau này sẽ có những gì xảy ra, và em sẽ xử sự thế nào nếu tình huống xấu phát sinh. Cái tiếc của bà ở đây là tiếc về một món đồ mang ý nghĩa tinh thần, chứ không chỉ là vật chất. 

Ừ, thì buồn, vì bà không tin tưởng vào mình. Buồn vì ngay vào lúc này bà lại suy nghĩ đến một điều khiến em có cảm giác như sự tính toán, đề phòng, so đo những giá trị khác chứ không phải là hạnh phúc của em và con bà. Buồn vì có thể thông cảm với tâm lý của bà, nhưng giá bà chọn một cách khác, một lúc khác để nói về điều đó thì hay hơn chăng.

Vậy thì, em hãy thông cảm cho bà mà sửa cái lỗi đó giùm bà. Rõ ràng là chồng em cũng không tán thành ý mẹ. Chồng em tin em, tin vào cuộc hôn nhân của cả hai, và bị khó xử với mẹ chồng. Vậy thì em hãy mở lời trực tiếp với chồng, để anh ấy không phải bị lấn cấn giữa cả hai người thân yêu.

Em có thể nói thẳng với anh ấy, rằng mẹ đừng vội mang tặng những món đồ gia bảo, hãy cứ giữ đó, để tặng em, khi bà đã thấy hoàn toàn tin tưởng vào em, vào hạnh phúc của con trai mình, rằng em sẽ là một cô dâu truyền thống của gia đình.

Em cũng có thể khéo léo nói với anh, rằng những gì mẹ tặng hôm nay, em không nghĩ là mẹ tặng cho mình em, mà nó là tặng cho cuộc hôn nhân của hai đứa, và là tài sản của chung của gia đình.

Điều quan trọng là em hãy thể hiện sự minh bạch, rõ ràng của mình, để mẹ chồng được yên tâm; và thể hiện sự bao dung, hiểu chuyện của mình, để chồng bớt áy náy.

Chính cách thể hiện của em sẽ là một trong những minh chứng đầu tiên về phẩm chất của một người con dâu, một người vợ hiền: sẵn sàng vượt qua cái tôi của mình, vượt qua những so đo về vật chất để dung hòa, hóa giải được những khúc mắc giữa những người thân.

Lòng tin và tình yêu bắt đầu từ những thử thách nho nhỏ như vậy đó em.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI