Marzuz hay một thế hệ trẻ cần sự kết nối mang tính thế hệ

05/02/2022 - 07:59

PNO - Các hãng băng đĩa lớn như Warner, Sony, Universal đến tận Việt Nam săn tìm và ký hợp đồng với nghệ sĩ trẻ có tiềm năng, tạo thêm cho họ cơ hội giao lưu với những ngôi sao tầm thế giới. Nhưng cẩn thận, đó có thể là cái bẫy cho sự ngộ nhận và hoang tưởng.

Cuộc “đào thoát” khỏi thế hệ trước 

Toom (tên ở nhà của My Anh - nghệ danh Marzuz) là thành quả ngọt ngào nhất của vợ chồng nhạc sĩ Trần Thanh Phương. Từ một cô bé còi cọc, mắt cận thị sớm, khi tôi gặp lại Toom năm 2011 trong chương trình Thương tại Nhà hát lớn Hà Nội, cháu đã tự đàn guitar và hát một cách chững chạc. Trần Thanh Phương khoe với tôi là cháu tự học guitar trên YouTube và không muốn học từ bố. Thỉnh thoảng Phương cũng khoe là con tự sáng tác, tự làm nhạc và chỉ nhờ bố “mua” cho cái máy tính, hay thu hát hộ…

Tôi cũng được nhân viên giới thiệu cháu và đề cử là nghệ sĩ tham gia street show của Monsoon với nghệ danh Marzuz. Hỏi thăm Phương về Toom thì biết hai bố con vẫn ở tình trạng “hợp tác không có tiến triển”. Tôi bèn thử đưa ra đề nghị là “giao Toom cho bác Quốc Trung đi”, nhưng đề nghị của tôi hình như cũng rơi vào tình trạng tương tự, không có tiến triển. 

Marzuz với nhiều nỗi niềm  bên cạnh một cô gái nổi loạn với R&B, hip hop...
Marzuz với nhiều nỗi niềm bên cạnh một cô gái nổi loạn với R&B, hip hop...

Năm 2020, khi làm chương trình Monsoon From Home, diễn ra trực tuyến do dịch COVID-19, tôi mời Marzuz hát  bài Bèo dạt mây trôi. Sự hợp tác dù chỉ qua mạng, nhưng khiến tôi nhận ra một thiếu nữ Marzuz với nhiều nỗi niềm bên cạnh một cô gái nổi loạn với R&B, hip hop… Sau đó, dù làm thêm hai chương trình nhạc Trịnh với Marzuz, nhưng tôi không nhắc lại lời đề nghị năm nào của mình với Toom nữa. Tôi hiểu đó là câu chuyện không chỉ của riêng tôi và Phương, chắc nó cũng na ná với nhạc sĩ Anh Quân, Huy Tuấn và Mỹ Anh. Câu chuyện của thế hệ chúng tôi và các bạn gen Z, mà Marzuz với tôi là một ví dụ điển hình. 

Thế hệ chúng ta vẫn được dạy dỗ và quen với quan niệm là đang được thừa hưởng rất nhiều thứ từ cha ông, thế hệ trước và có nghĩa vụ phải tiếp nối “truyền thống” oai hùng đó. Âm nhạc, cứ thế mà hầu hết là những thói quen và “truyền thống” cũ. Các bố các mẹ vẫn làm show theo truyền thống 30-40 năm qua, vẫn những bài hát “đi cùng năm tháng”, vẫn những kiểu chạy show quen thuộc. Hát tất cả các thể loại, các bài hát ở mọi nơi, mọi chỗ… rồi thỉnh thoảng hoặc đến khi hết thời thì lại bỏ tiền làm một show hoành tráng “để đời”. Ở một khía cạnh nào đó, điều ấy mang một lý do không thể chính đáng hơn, là để có thể trở thành “nhà tài trợ độc quyền” cho việc học hành và tương lai của các con. 

Nhưng, điều mà chúng ta vốn vẫn tự hào nay trở thành vấn đề mà các thế hệ sau muốn mau chóng thoát khỏi. Chúng ta vẫn hay nói là phải làm bạn với các con, nhưng liệu những vấn đề mà các con quan tâm như môi trường, biến đổi khí hậu, sự bình đẳng… có phải là những thứ chúng ta quan tâm không? Hay vẫn cơm áo gạo tiền, tích lũy, sở hữu mới là điều quan tâm nhất? 

Trong âm nhạc, khi thế hệ trước loay hoay lo toan gìn giữ bản sắc, thì gen Z chỉ quan tâm đến cá tính và tiếng nói cá nhân. Trong khi thế hệ trước khéo léo, rào trước đón sau, tránh mất lòng thì các bạn lại nói thẳng, nói thô vào vấn đề. Đôi khi họ thuyết phục được cả lứa khán giả trước vì những điều thô mộc đó. Tôi đọc được trong lời hát của Marzuz những tâm tư của một cô gái với mong muốn xóa đi những định kiến, những khuôn mẫu cũ kỹ. Sẵn sàng bộc lộ quan điểm cá nhân là điểm nhận diện của lớp nghệ sĩ gen Z và cũng là điểm thu hút từ họ đối với lớp khán giả trước. 

Khi thế hệ trước loay hoay gìn giữ bản sắc, thì những gen Z như Marzuz chỉ quan tâm đến cá tính và tiếng nói cá nhân
Khi thế hệ trước loay hoay gìn giữ bản sắc, thì những gen Z như Marzuz chỉ quan tâm đến cá tính và tiếng nói cá nhân

Di sản nào dành cho gen Z? 

Tôi vẫn luôn tự hỏi, thế hệ chúng tôi, những cha ông từng có sự cọ xát, để lại cho thế hệ sau di sản gì và mình làm được gì cho họ? 

Tôi và Marzuz, chúng tôi  không gặp vấn đề gì khi làm việc, trừ những thứ tôi muốn lại chưa phải hoặc không phải là những gì cháu muốn. Vậy, nếu làm một dự án riêng cho Marzuz ở vai trò nhà sản xuất, quản lý hay đơn thuần chỉ là cố vấn nghệ thuật thì tôi, chúng tôi sẽ mang lại gì cho thế hệ Z, những người như Marzuz? Cho dù có nhiều điều mang lại sự hậu thuẫn đi nữa, thì liệu họ có tin chúng tôi không cũng là một vấn đề. Có quá nhiều sự khác biệt và cũng từng đó sự áp đặt mang lại mặc cảm từ hai phía, dẫn đến sự đứt gãy giữa hai thế hệ. 

Cả hai phía đều có lý và chưa biết bên nào đúng. Chúng tôi có kinh nghiệm, có sự cơ bản để có thể đi xa và đi lâu. Nhưng họ lại có sự nhanh nhạy và mối liên kết với fan, khán giả. Không thể phủ nhận rằng bây giờ công cụ và cách thức tiếp cận với khán giả, cảm xúc của khán giả với nghệ sĩ hay sản phẩm, cũng đã khác, khác theo cách mà thế hệ chúng tôi chưa bắt kịp. 

Thế nhưng, để đánh giá về thành công cũng cần những góc soi chiếu khác, và những người đi trước thường có những lo lắng chính xác, suy từ bản thân tôi. Thế hệ chúng tôi là những người có khát vọng vươn ra ngoài, muốn được hòa mình vào dòng chảy văn hóa nghệ thuật thế giới. Cũng được dạy là phải mang sự tự hào về cho dân tộc, cho Việt Nam.

Nhưng trong lĩnh vực âm nhạc, làm được điều ấy không dễ. Phải thú nhận là chúng tôi thất bại với ước mơ đó. Đừng kể ra đây những cuộc thi và những liên hoan âm nhạc quốc tế mà nghệ sĩ Việt Nam tham gia, nó chưa bao giờ có sự bình đẳng, cũng chưa có nghệ sĩ hay ban nhạc nào của Việt Nam được mời vì nhu cầu của khán giả, cũng chẳng có nghệ sĩ trẻ nào được hãng băng đĩa quốc tế mời ký hợp đồng. 

Vậy gen Z thì sao? Các hãng băng đĩa lớn như Warner, Sony, Universal đến tận Việt Nam săn tìm và ký hợp đồng với nghệ sĩ trẻ có tiềm năng, qua đó tạo thêm cho họ nhiều cơ hội giao lưu với ngôi sao tầm thế giới. Nhưng, mục đích của các hãng là để mở rộng fan club của họ ở Việt Nam chứ không phải giới thiệu ngôi sao Việt Nam ra thế giới. Gen Z bây giờ cũng tự chia sẻ bài hát hoặc thỏa thuận trực tiếp với các nhà phân phối hàng đầu thế giới như Spotify, Apple Music… điều mà thế hệ tôi không bao giờ làm được. Nhưng cẩn thận, đó có thể là cái bẫy cho sự ngộ nhận và hoang tưởng! 

Các bạn trẻ bây giờ có cơ hội ngang bằng và nói tiếng nói chung với quốc tế, vậy nói gì, nói thế nào để có người nghe, để có người bị thuyết phục? Điều đó không đơn giản, chúng tôi biết nó không hề đơn giản và có thể nói nó cũng khó khăn không kém trước đây - ở thế hệ chúng tôi. 

Điều quan trọng là tôi chưa nhìn thấy khát vọng đó ở gen Z. Tiềm năng thì nhiều nhưng nếu không có khát vọng vươn lên và vươn xa, thì khó có thể trở thành tài năng, chưa kể cần phải được cọ xát, phải được hội nhập để biết mình đang ở đâu, cần gì. Phải ở những môi trường cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi cường độ lao động cao nhất, sản phẩm hoàn hảo nhất thì mới khơi gợi được những khả năng còn tiềm ẩn.

Chỉ tiếc là cơ hội đó quá ít cho các bạn trẻ. Một số lớn chạy theo thị trường dễ dãi và được ru ngủ bằng những thành công cả về tiếng tăm lẫn vật chất, một số khác bị thui chột và nhụt chí rồi bỏ dở khát vọng hay ước mơ của mình. Ngay việc đủ tiêu chuẩn để bước chân vào âm nhạc thế giới một cách bình đẳng còn xa vời, thì việc trở thành một tên tuổi hay hiện tượng âm nhạc vẫn chỉ là điều không tưởng. 

Gen Z, chậm thôi, và học nhiều hơn! 

Thế giới mở, các không gian mở, các cầu nối đã đưa đến tận nhà, vậy các bạn gen Z của chúng ta sẽ bước ra đó như thế nào? 

Tôi nghĩ để làm được việc đó, đầu tiên, thế hệ chúng tôi phải làm được những bệ phóng cho họ. Sự kết nối với những người đi trước, những người từng có nhiều bài học lẫn nếm trải thất bại, luôn mang lại nhiều hơn là lấy đi cơ hội. Tri thức và trải nghiệm của họ luôn là những thứ mà chỉ có thời gian mới mang lại. Ngược lại, sự cởi mở là điều tiên quyết trong sáng tạo nghệ thuật. Vậy mà chúng ta vẫn say sưa cãi nhau mỗi khi có những phá cách, vẫn quy kết nhiều vấn đề cá nhân hơn là cá tính nghệ thuật. Cứ mãi như thế thì khó mà chắp cánh cho những ước mơ (đã qua) của chúng ta và đang đến của các cháu con của mình. 

Tôi yêu quý và thích chơi với các bạn trẻ vì rất nhiều lý do nhưng có lẽ lý do lớn nhất là vẫn thấy mình có giá trị nào đó, và phát huy được những giá trị ấy. Chúng ta không đặt lên vai lớp trẻ hay thế hệ sau ước mơ của mình mà nên tạo cảm hứng cho giấc mơ của họ. Dù là thất bại hay dang dở thì việc khuyến khích và tạo cảm hứng cho thế hệ sau bằng sự chân thành, cởi mở, tránh những áp đặt hay tạo những khuôn mẫu định kiến rất cần thiết. Thành thật với bản thân để làm bài học cho lớp sau sẽ nhận được những chia sẻ và đồng cảm. 

Không có một robot nào thay thế hay cảm nhận được cảm xúc của con người. Không có không gian mạng nào thay thế được một không gian âm nhạc tràn đầy cảm hứng. Không có sự kết nối qua internet nào thay được việc gặp gỡ giao tiếp, cũng không có bài học nào trên YouTube thay được việc giảng dạy trực tiếp từ những giáo sư. Các nền tảng hay cầu nối cũng không thể dẫn bạn bước ra thế giới nếu trên vai không đủ hành trang. Công nghệ chỉ hỗ trợ chứ không thể thay thế, nếu lạm dụng, nó sẽ chỉ đưa con người tới gần với robot hơn. 

Chúng ta biết điều đó và cần làm cho thế hệ mới hiểu điều đó, cần giữ sợi dây kết nối giữa các thế hệ. Để làm được điều chúng ta chưa từng làm được, cần chung tay tạo ra một môi trường nghệ thuật đầy đam mê nghệ thuật và nhiều sức ép, hơn là nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng; kiến tạo nhiều môi trường tôn vinh và sáng tạo cho nghệ sĩ trẻ thay vì các reality show, để lớp trẻ có nhiều cơ hội nâng cao khả năng và nói lên tiếng nói của mình. 

Cách đây 15 năm, khi tôi tham dự work shop của huyền thoại nhạc Jazz người Mỹ, Pat Metheny, trước khi bắt đầu, ông ấy nói với chúng tôi: “Đừng hỏi tôi về việc nên lựa chọn hãng quản lý nào hay ký hợp đồng với hãng băng nào. Hãy về nhà tập đàn nhiều hơn”.

Nhạc sĩ Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI