Lỗi đâu chỉ ở thầy!

18/05/2019 - 07:07

PNO - Vừa nghe con trai học lớp Ba về kể hôm nay ở trường bị cô giáo đánh, chị Lan (P.Phú Hài, TP.Phan Thiết) đã nổi trận lôi đình, đòi ngay sáng hôm sau sẽ có mặt tại trường để “nói chuyện một cách rõ ràng” với cô giáo.

Có mặt ở lớp học của con trai khi tiếng trống vào lớp vừa vang lên, chị nói như tát nước vào mặt cô giáo: “Con tôi làm sao mà cô đánh nó? Cô là cô, muốn làm gì thì làm sao?”. Giọng bình tĩnh, cô Lê Thu Sinh, giáo viên chủ nhiệm giải thích, đã rất nhiều lần nhắc nhở và mời phụ huynh nhưng phụ huynh không đến, cô mới phạt cậu học sinh (HS) có phần hiếu động trong lớp bằng cách lấy chính thước kẻ của cậu khẽ hai cái vào lòng bàn tay nhiều lần đánh bạn.

Chị Lan tiếp tục la lớn trước lớp: “Bữa con tui nói có đứa nào trong lớp đánh nó. Sao cô chỉ đánh con tui?”. Không đợi cô giáo trả lời, chị quay lưng đi và hứa sẽ đem câu chuyện “bạo hành” HS kiện lên phòng giáo dục. “Khi đó, tôi thật sự cảm thấy bất lực trước trách nhiệm giáo dục HS, mà rõ nhất là cậu HS đang đứng cạnh mẹ, ngẩng mặt lên nhìn tôi đầy thách thức”, cô Sinh chia sẻ.

Loi dau chi o thay!
Câu chuyện cậu HS lớp Chín Trường THCS Tô Hiệu (H.Thường Tín, TP.Hà Nội) bị phạt quỳ giữa lớp cần cái nhìn khách quan hơn. 

Những phụ huynh như thế không ít. Mặc dù liên tục được giáo viên mời vì con thường xuyên đánh bạn và khẩn khoản “nhờ phụ huynh ở nhà dạy dỗ cháu thêm”, vậy mà cách đây mấy hôm, tôi vẫn nghe giọng anh Nguyễn Chí Nhân (H.Nhà Bè, TP.HCM) sang sảng khi con trai về méc cây bút máy bị hư ngòi vì một bạn làm rơi xuống đất: “Đứa nào đụng tới cái cặp của con thì đè nó xuống đánh cho bố. Nếu cô giáo la, con cứ nói bố dặn như vậy”.

Đã có nhiều sự “lệch pha” trong giáo dục trẻ bởi thiếu sự thống nhất trong mục tiêu giáo dục đạo đức HS giữa nhà trường và gia đình, dẫn đến tình trạng “bỏ lẫy” vì không tìm được tiếng nói chung, hay HS phải nhận những hình phạt được cho là “phản sư phạm” thể hiện sự bất lực từ phía người thầy. Câu chuyện cậu HS lớp Chín Trường THCS Tô Hiệu (H.Thường Tín, TP.Hà Nội) bị phạt quỳ giữa lớp mới đây là một ví dụ. Nhận diện vấn đề, có thể thấy hình phạt trên được thực hiện bởi lẽ HS hư, phụ huynh thờ ơ, còn giáo viên hết cách. Tuy nhiên, hậu quả chỉ riêng người thầy gánh lấy.

Mặc dù vẫn có sự kết nối giữa nhà trường và gia đình thông qua nhiều hình thức: sổ liên lạc, tin nhắn điện tử, gọi điện thoại trực tiếp… Tuy nhiên, sự liên lạc ấy chỉ diễn ra trong phạm vi, mục đích hẹp, bao gồm việc thông báo kết quả học tập, thông báo những khoản liên quan đến học phí, những hoạt động cần sự đóng góp của phụ huynh và đặc biệt khi HS phạm lỗi. Nội dung những buổi họp phụ huynh cũng chỉ trao đổi dăm câu ba điều về vi phạm của HS mà ít khi có một phương thức cụ thể trong việc giáo dục HS được đề cập. Ở nhiều trường hợp, sự thiếu hỗ trợ từ phía gia đình trong giáo dục HS đã gây không ít khó khăn cho người thầy hiện nay.

Nhằm “gỡ cái khó” trong giáo dục đạo đức HS, Bộ GD-ĐT hướng đến việc cân bằng giữa dạy chữ và dạy người trong quá trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, ông Võ Văn Tám - nguyên cán bộ Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận - cho rằng, giáo dục nhà trường nếu tách rời gia đình cũng sẽ không mang lại hiệu quả cho việc “dạy người”. Một khi sự “lệch pha” trên chưa được giải quyết, thì có “dạy” như thế nào, HS vẫn không thành “người” được. Để nền giáo dục có sự thay đổi trong tình hình đạo đức học đường xuống cấp một cách trầm trọng như hiện nay, cần thiết phải thay đổi không chỉ ở nội dung chương trình, mà cần đầu tư giáo dục nhân cách cho HS; thống nhất trong quan điểm giáo dục, cũng như tăng cường mối liên hệ chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI