Liên tục phát hiện đường cát, nội tạng, phụ phẩm động vật... không rõ nguồn gốc

14/05/2025 - 14:52

PNO - Lực lượng Quản lý thị trường tại các địa phương liên tục phát hiện các lô hàng là đường cát, phụ phẩm và nội tạng gia súc, gia cầm, thực phẩm... không rõ nguồn gốc.

Tin từ Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, ngày 13/5, Chi cục quản lý và phát triển thị trường trong nước tỉnh Kiên Giang kiểm tra tàu mang biển kiểm soát KG-58236, đang neo đậu tại khu vực tổ 4, ấp Ngã Tư, xã Thuận Yên, thành phố Hà Tiên đã phát hiện 60 tấn đường cát, ước tính tổng trị giá trên 1,2 tỉ đồng được Công ty TNHH thương mại P.T.M.D xuất bán cho một hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Tiên (Kiên Giang) có nhiều dấu hiệu vi phạm.

Lực lượng chức năng kiểm tra xe tải chở 3 tấn đường nghi nhập lậu - Ảnh: Văn Chung
Lực lượng chức năng kiểm tra xe tải chở 3 tấn đường nghi nhập lậu - Ảnh: Văn Chung

Mặc dù đại diện công ty có xuất trình hóa đơn chứng từ liên quan, tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, toàn bộ lô hàng có dấu hiệu vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ.

Đáng chú ý, vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng. Hiện toàn bộ số hàng tạm giữ toàn bộ lô hàng để tiếp tục thẩm tra, xác minh và làm rõ theo quy định pháp luật.

Ngày 14/5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An cho biết, Đội QLTT số 11 vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Nghệ An phát hiện một chiếc xe tải đang vận chuyển 3 tấn đường có dấu hiệu là hàng nhập lậu.

Lực lượng chức năng kiểm tra xe tải chở 3 tấn đường lậu - Ảnh: Văn Chung

Lực lượng chức năng kiểm tra xe tải chở 3 tấn đường nghi nhập lậu - Ảnh: Văn Chung

Theo đó, ngày 13/5, chiếc xe tải mang biển số tỉnh Quảng Trị do tài xế Trần Quốc T. (trú TP Huế) điều khiển đang dừng bốc dỡ hàng ở phường Vinh Tân (thành phố Vinh) thì bị lực lượng chức năng kiểm tra.

Thời điểm này, trên xe tải có 3 tấn đường cát vàng Thái Lan, loại 50kg/bao. Toàn bộ số đường này đều không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có hóa đơn, chứng từ kèm theo chứng minh tính hợp pháp của lô hàng nên được xem là hàng nhập lậu và bị tạm giữ.

Sáng 13/5, Đội QLTT số 3, Chi cục QLTT tỉnh Nghệ An phối hợp với lực lượng chức năng cũng đã kiểm tra đột xuất Công ty TNHH xuất nhập khẩu thực phẩm sạch NK (đóng trên địa bàn phường Hưng Đông, thành phố Vinh) do ông Trần Ngọc T. làm chủ.

Gần nửa tấn chân gà, đuôi heo không rõ nguồn gốc bị tạm giữ - Ảnh: Văn Chung
Gần nửa tấn chân gà, đuôi heo không rõ nguồn gốc bị tạm giữ - Ảnh: Văn Chung

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có 350kg chân gà và 125kg đuôi heo đông lạnh. Đại diện công ty không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số chân gà, đuôi heo này.

Đội QLTT số 3 đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính công ty với số tiền 34 triệu đồng đồng thời tịch thu toàn bộ số hàng trên để xử lý theo quy định.

Cũng trong sáng 13/5, Đội QLTT số 3 đã kiểm tra đột xuất cơ sở chế biến, kinh doanh măng tươi do ông Lê Đức S. (phường Quang Trung, thành phố Vinh) làm chủ.

Qua kiểm tra, Đoàn phát hiện tại cơ sở có 600kg măng đã qua sơ chế không rõ nguồn gốc xuất xứ. Do không minh nguồn gốc, xuất xứ của số măng tươi này, ông S. bị xử phạt 12 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ 600kg măng đã sơ chế.

Theo Cục QLTT Nghệ An, thời gian tới, các đoàn công tác của đơn vị này sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, tập trung các loại hàng là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng, ngăn chặn việc sản xuất kinh doanh thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo chất lượng.

Ngày 13/5/2025, Đội QLTT số 17, Chi cục QLTT thành phố Hà Nội đã phối hợp với công an thành phố Hà Nội kiểm tra và phát hiện 20 thùng xốp dán kín băng dính, bên trong chứa 800 kg thực phẩm đông lạnh gồm trứng gà non và tràng gà tại điểm tập kết hàng hóa thuộc khu đất đối diện ngõ 197 phố Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai.

Sản phẩm không rõ nguồn gốc bị thu giữ - Ảnh: Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước
Sản phẩm không rõ nguồn gốc bị thu giữ - Ảnh: Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước

Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng là bà Đ.K.A không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hay giấy tờ hợp pháp chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Các thùng hàng không có nhãn mác, không ghi rõ nhà sản xuất, nơi sản xuất, cũng như điều kiện bảo quản theo quy định.

Bà Đ.K.A khai nhận số hàng hóa trên vừa được thu mua và chưa kịp bán ra thị trường.

Tràng gà không rõ xuất xứ nhưng vẫn được đưa đi tiêu thụ
Tràng gà không rõ xuất xứ nhưng vẫn được đưa đi tiêu thụ

Trước đó, vào ngày 5/5/2025, Đội QLTT 17 cũng phát hiện và thu giữ 7.010 kg trứng non, tràng gà, nầm heo. Toàn bộ số hàng hóa này cũng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Theo đại diện lãnh đạo Đội QLTT số 17, việc kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Những loại thực phẩm như trứng gà non và tràng gà nếu không được kiểm soát chất lượng và bảo quản đúng cách có thể chứa vi khuẩn gây bệnh, tồn dư hóa chất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Đây cũng là hành vi bị xử lý nghiêm trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 nhằm tăng cường kiểm soát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hiện toàn bộ lô hàng đã được lập biên bản, niêm phong và tạm giữ tại kho lạnh của một doanh nghiệp trên địa bàn quận Hai Bà Trưng để phục vụ điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Phan Ngọc - Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI